Lượng thủy sản mà doanh nghiệp trong nước nhập khẩu về (phần lớn là thủy sản tươi/sống/đông lạnh phục vụ chế biến để xuất khẩu) năm 2015 lên tới hơn 1 tỉ đô la Mỹ, theo thông tin được Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) công bố hôm 2-2.
Nhập khẩu thủy sản năm 2015 đạt hơn 1 tỉ đô la Mỹ, trong đó, tôm là mặt hàng nhập khẩu chiếm tỉ trọng lớn nhất. Trong ảnh là nhân công chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp - Ảnh: Trung Chánh |
Cụ thể, VASEP dẫn số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2015, tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Việt Nam là hơn 1 tỉ đô la Mỹ, tăng 0,5% so với năm 2014, cho dù xuất khẩu thủy sản cả nước năm qua suy giảm.
Nhập khẩu tôm đạt 426 triệu đô la Mỹ, chiếm 40% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản năm 2015, nhưng giảm khoảng 11% so với năm 2014; nhập khẩu cá ngừ đạt 215 triệu đô la Mỹ, chiếm 20% tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2015 và tăng 15% so với năm 2014; phần còn lại là nhập khẩu các loại thủy hải sản khác.
Theo VASEP, các loại thủy hải sản được nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu ở dạng tươi/sống, đông lạnh để phục vụ cho hoạt động gia công và chế biến xuất khẩu, trong đó, cá biển tươi/đông lạnh (mã HS 0302 và 0303) đạt 283 triệu đô la Mỹ, tăng 12% so với năm 2014…
Còn đối với mặt hàng tôm, Việt Nam nhập khẩu từ 37 nước, trong đó, tôm chân trắng và tôm sú sống/đông lạnh (mã HS 03) chiếm phần lớn trong năm 2015 với tỷ trọng lần lượt là 65,9% và 20,3% tổng nhập khẩu tôm của Việt Nam; phần còn lại là các loại tôm khác.
Lý giải nguyên nhân nhập khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn lớn, trong đó có mặt hàng tôm, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết do giá tôm nguyên liệu trong nước cao hơn so với các nước xuất khẩu tôm khác, “cho nên để tăng khả năng cạnh tranh và duy trì tốc độ xuất khẩu, bắt buộc chúng tôi phải mua ở bên ngoài về”, vị này giải thích.
Thực tế, theo VASEP, năm 2015, Ấn Độ - quốc gia có giá xuất khẩu tôm rẻ hơn Việt Nam, có lúc chênh lệch đến 2 đô la Mỹ/kg - đã trở thành nguồn cung tôm lớn nhất của Việt Nam và chiếm đến 74,7% tổng nhập khẩu tôm của cả nước trong năm 2015.
Theo dự báo của VASEP, trong năm 2016, Việt Nam sẽ có cơ hội tăng xuất khẩu tôm sang một số thị trường chủ lực nhờ tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Vì vậy, dự báo nhu cầu nhập khẩu tôm năm 2016 của Việt Nam sẽ đạt khoảng 470 triệu đô la Mỹ, tăng 10% so với năm 2015.
Còn về tình hình xuất khẩu thủy sản chung, trong năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 6,57 tỉ đô la Mỹ, giảm 16,1% so với năm 2014.
Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản năm 2015 sụt giảm do chịu tác động bởi các yếu tố liên quan đến thị trường như giá xuất khẩu trung bình giảm, biến động tỷ giá làm nhu cầu ở các nước nhập khẩu giảm, và sự cạnh tranh mạnh hơn từ các nước xuất khẩu có cùng mặt hàng như của Việt Nam.
(Theo Trung Chánh - TBKTSG)