Xếp thứ 24 trong số các thị trường có doanh số cao nhất về tiêu thụ nước giải khát và thứ 16 về doanh số tiêu thụ đồ uống có cồn, các doanh nghiệp đồ uống Việt Nam trở thành khách hàng mục tiêu của các nhà cung cấp dây chuyền sản xuất đồ uống đến từ Đức.
Dây chuyền công nghệ được giới thiệu tại Drinktec |
Drinktec 2017, nơi tiếp cận công nghệ lý tưởng
Đánh giá cao sức mua của thị trường Việt Nam, đích thân Giám đốc Kinh doanh của Tập đoàn Triển lãm Messe München International (MMI) đã có mặt tại Hà Nội, gặp gỡ các doanh nghiệp đồ uống trong nước, như một lời thuyết phục các doanh nghiệp Việt hãy tham dự vào Drinktec 2017 - Triển lãm hàng đầu Thế giới về "Máy móc và công nghệ sản xuất đồ uống và thực phẩm dạng lỏng” do MMI phối hợp với Tổng hội Cơ khí Đức tổ chức vào mùa Thu tới.
Ông Georg Moller, Giám đốc Kinh doanh MMI cho biết, ngành đồ uống Việt Nam ngày càng tăng trưởng về quy mô, đã trở nên có sức hút lớn với các nhà sản xuất thiết bị Đức. Từ năm 2016 - 2020, châu Á, trong đó có Việt Nam, là khu vực được dự báo có mức tăng trưởng cao ở mức 21,1%.
Diễn ra 4 năm một lần, tại kỳ Drinktec 2013, đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ uống và máy móc, thiết bị, bao bì đến từ Việt Nam tham dự. Dự kiến, trong năm 2017, số lượng doanh nghiệp ngành đồ uống trong nước tham dự triển lãm sẽ tiếp tục gia tăng. Trong đó, một tên tuổi mới là Tập đoàn Cơ điện lạnh Bách khoa (Polyco) sẽ lần đầu tiên có mặt để trình diễn công nghệ ngành đồ uống.
Tham gia Drinktec 2017, doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội tiếp cận các công nghệ sản xuất tiên tiến nhất, cho tới các ngành phụ trợ của đồ uống như bao bì, đóng gói, nguyên phụ liệu. Đồng thời, gặp gỡ với nhiều doanh nghiệp trong ngành đồ uống thế giới…
Theo số liệu của Hiệp hội Máy chế biến thực phẩm và đóng gói VDMA (Tổng hội Cơ khí Đức), sự quan tâm của các nhà sản xuất máy móc thiết bị đóng gói trong ngành đồ uống Đức tới các doanh nghiệp đồ uống Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở nếu nhìn vào kim ngạch nhập khẩu máy móc của Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng. Nếu năm 2011 đạt 320 triệu USD, năm 2015 đã lên gần 400 triệu USD và năm 2016 tiếp tục tăng trưởng ước trên 15%. Ngành đồ uống Việt Nam đã vươn lên thứ 16 về tiêu thụ đồ uống có cồn với 3,918 tỷ lít và đứng thứ 24 trong số các quốc gia tiêu thụ nước giải khát với 5,170 tỷ lít.
Kích hoạt năng suất, chất lượng bằng công nghệ
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát, trên 90% dây chuyền sản xuất bia của Việt Nam đều nhập từ Đức và được đánh giá là ngành có công nghệ, thiết bị ở tầm cao thế giới.
“Ngành đồ uống Việt Nam đã sớm sử dụng công nghệ tiên tiến từ các nước G7, đặc biệt, từ những năm 90 (thế kỷ XX) đã liên kết chặt với các nhà sản xuất thiết bị Đức để mua công nghệ mới, lắp đặt cho các nhà máy. Nhờ vậy, năng xuất và chất lượng sản phẩm đồ uống Việt Nam không thua kém các nước phát triển”, ông Việt nói.
Xu hướng mở rộng sản xuất trong ngành đồ uống từ nay đến năm 2020 vẫn đang đà tăng, thể hiện qua một số dự án đầu tư lớn, tiêu biểu như: Vinasoy (QNS) xây dựng nhà máy sữa công suất 90 triệu lít ở Bình Dương; Sabeco mở nhà máy công suất 50 triệu lít ở Vĩnh Long; Heineken đầu tư 185 triệu USD mở rộng công suất nhà máy bia tại Vũng Tàu…. Hầu hết, các thiết bị, công nghệ của các dự án này đều được nhập khẩu từ các thị trường cung cấp nổi tiếng như Đức, Thụy Điển, Hà Lan…
“Máy móc của Cộng hòa Liên bang Đức luôn được coi là sự lựa chọn hàng đầu cho các dự án đầu tư trong ngành đồ uống, điển hình là ngành bia và là đầu tư bền vững bởi chất lượng và công nghệ hiện đại”, ông Việt khẳng định.
Hải Yến / baodautu