Việc nhập khẩu điện từ các nước láng giềng; trong đó có nhập khẩu điện từ miền Nam Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào - một trong 10 nước thuộc Cộng đồng kinh tế ASEAN đang là một trong những mục tiêu giúp Việt Nam giải quyết một phần nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Công nhân vận hành trạm biến áp 500kV Pleiku kiểm tra độ an toàn thiết bị của trạm |
Ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) - cho biết trong năm 2016, khu vực Tây Nguyên sẽ tiếp nhận nguồn thủy điện nhập khẩu từ nhà máy thủy điện Xekaman 1 tại Nam Lào đến trạm biến áp 500kV Pleiku 2.
Đến năm 2017, khu vực Nam Lào xuất hiện thêm các nhà máy thủy điện Xekaman 4, Xekaman Sanxay, Sekong 3 Thượng, Sekong 3 Hạ. Nhà máy thủy điện Xekaman 4 sẽ được đấu nối, truyền tải công suất về Việt Nam qua đường dây 220kV Xekaman 3-Thạnh Mỹ. Phần công suất của các nhà máy còn lại sẽ được truyền tải về khu vực Tây Nguyên.
Vì vậy, “việc đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải liên kết Việt Nam-Lào đã trở nên cần thiết, nhằm góp phần đảm bảo phát triển năng lượng bền vững trong điều kiện hội nhập quốc tế và liên kết khu vực, tạo điều kiện để khai thác, vận hành tối ưu hệ thống điện Việt Nam,” ông Đặng Phan Tường nhấn mạnh.
Để thực hiện mục tiêu trên, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã giao cho Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) quản lý, đồng thời chọn Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 4 là nhà thầu tư vấn thiết kế ba dự án truyền tải điện nhằm tiếp nhận điện năng từ các nhà máy thủy điện khu vực Nam Lào về Tây Nguyên.
Các dự án này thuộc danh mục các dự án lưới điện cấp bách giai đoạn đến 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đó là các dự án: Đường dây 220kV Xekaman 1 (Hatxan)-Pleiku 2 (phần trên lãnh thổ Việt Nam) có chiều dài 119,5km từ biên giới Việt Nam-Lào đến trạm biến áp 500kV Pleiku 2, đi qua các huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy, thành phố Kon Tum thuộc tỉnh Kon Tum và các huyện Chư Păh, Iagrai, thành phố Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai.
Dự án đã được khởi công tháng 8/2015 và dự kiến hoàn thành tháng 3/2016, với tổng mức đầu tư 966,16 tỷ đồng. Dự án này nhằm truyền tải điện công suất của các nhà máy thủy điện Nam Lào cung cấp cho các phụ tải ngày càng phát triển ở Việt Nam. Các nhà thầu thi công xây lắp dự án gồm Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam (VNECO) và Công ty cổ phần Sông Đà 11.
Được khởi công tháng 12/2014, dự án Trạm 500kV Pleiku 2 được xây dựng tại làng O Sơ, xã Ia Kênh, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai và dự kiến hoàn thành tháng 3/2016 với tổng mức đầu tư hơn 1.277 tỷ đồng. Ngoài việc tiếp nhận nguồn điện năng từ các nhà máy thủy điện bên Lào về, trạm còn tăng tính hiệu quả của đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông, đảm bảo trục truyền tải 500kV Bắc-Trung-Nam vận hành an toàn và tin cậy.
Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp điện 1-Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xây lắp điện 4, Công ty cổ phần Licogi 16 và Liên danh VNECO-VNECO.SSM là các nhà thầu thi công xây lắp dự án.
Dự án Lắp máy biến áp 500/220kV tại trạm 500kV Pleiku 2 và đấu nối 220kV xây dựng trong khuôn viên trạm 500kV Pleiku 2, khởi công tháng 8/2015 và dự kiến hoàn thành tháng 3/2016, với tổng mức đầu tư hơn 583,88 tỷ đồng. Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 là nhà thầu thi công xây lắp. Đây là dự án đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Trung-Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam.
Theo Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung, nhờ sự quan tâm, ủng hộ và chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân các tỉnh Gia Lai, Kon Tum; Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố; các sở, ban, ngành, Hội đồng bồi thường, Trung tâm phát triển quỹ đất; Ủy ban Nhân dân các xã, phường liên quan; sự hợp tác của những hộ dân bị ảnh hưởng trên địa bàn hai tỉnh, cùng sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn của các đơn vị tham gia dự án, đến nay, cụm dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục theo đúng kế hoạch và đang gấp rút chạy đua với thời gian thực hiện các hạng mục còn lại để đáp ứng tiến độ đóng điện cuối tháng 3/2016.
Ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung, cho biết Ban Quản lý dự án vừa tập trung kê kiểm vừa áp giá tạm thời để chi trả tạm ứng cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Đường dây 220kV Xekaman 1 (Hatxan)-Pleiku 2 (phần trên lãnh thổ Việt Nam). Đồng thời, bàn giao 255/266 vị trí móng. 11 vị trí còn lại đang tiếp tục vận động tạm ứng chi trả tiền và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công trong tháng Một này.
Phần hành lang tuyến, tỉnh KonTum đã kê kiểm 120/169 khoảng cột. Tỉnh Gia Lai đã kê kiểm 54/97 khoảng cột, đồng thời đ úc móng 233 vị trí, dựng cột 87 vị trí.
Đối với dự án Trạm 500kV Pleiku 2, Ban Quản lý dự án đã chi trả 100% tiền bù cho dân và bàn giao mặt bằng trạm trên diện tích 13,3ha. Phần hành lang tuyến của nhánh rẽ, Ban đang hoàn thiện phương án bồi thường để tạm ứng cho dân 70% nhằm đảm bảo tiến độ thi công kéo dây. Đồng thời đơn vị thi công đang hoàn thiện Nhà điều khiển, nhà trực ca, nhà kho, nhà bayhousing; lắp đặt 29/33 cột cổng thanh cái; 90% trụ đỡ thiết bị trạm.
Về Dự án Lắp máy biến áp 500/220kV tại trạm 500kV Pleiku 2 và đấu nối 220kV, theo ông Nguyễn Đức Tuyển, Ban đang hoàn chỉnh các thủ tục liên quan đến lựa chọn nhà thầu vận chuyển máy biến áp điều động. Nhà thầu giao hàng vật tư thiết bị nhị thứ kết thúc vào ngày 20/2 tới.
“Từ nay đến tháng 3/2016, thời gian còn lại không nhiều, khối lượng công việc còn phải thực hiện không nhỏ. Để đảm bảo đưa vào vận hành các dự án trên đúng tiến độ, tất cả các đơn vị xây lắp cần tập trung lực lượng thực hiện tốt công tác bồi thường thi công, đồng thời bố trí đủ nhân lực, thiết bị, lập tiến độ chi tiết đối với từng hạng mục đang thi công để đảm bảo hoàn thành toàn bộ khối lượng còn lại đúng kế hoạch. Đặc biệt không vì tiến độ gấp mà để ảnh hưởng đến chất lượng,” Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia yêu cầu.
Ông Đặng Phan Tường cũng đề nghị Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung kiểm soát chặt chẽ và đôn đốc kịp thời tiến độ cung cấp vật tư thiết bị, không để ảnh hưởng tiến độ thi công. Đặc biệt phối hợp tốt hơn nữa với chính quyền địa phương và Hội đồng bồi thường các huyện, thành phố nhằm kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng.
Về phía chính quyền địa phương các tỉnh Gia Lai và Kon Tum, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đề nghị bàn giao toàn bộ hành lang kéo dây chậm nhất trong tháng Hai tới và giải quyết xong các tồn tại của công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trong tháng 3/2016.
Riêng Tổng công ty Sông Đà và đơn vị trực tiếp là Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện Xekaman 1 có trách nhiệm kịp thời thông báo tiến độ phát điện cập nhật của tổ máy số 1 nhà máy thủy điện Xekaman 1 cho Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung và hoàn thành đường dây 220kV từ nhà máy thủy điện Xekaman 1 đến biên giới Lào-Việt Nam trong tháng 3/2016 để đồng bộ với đường dây 220kV Xekaman1-Pleiku 2 trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo Thông tấn xã Việt Nam