Dự báo, đến cuối năm 2019, kim ngạch nhập khẩu ô tô sẽ chạm 3,4 tỷ USD, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất ô tô nội địa và cán cân thương mại.
Hiện có khoảng 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô các loại trong nước với tổng công suất lắp ráp thiết kế 680.000 xe/năm.
Chóng mặt với xe nhập khẩu
Báo cáo về phát triển ngành công nghiệp ô tô vừa được Bộ Công thương gửi Quốc hội cho biết, hiện có khoảng 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô các loại trong nước với tổng công suất lắp ráp thiết kế 680.000 xe/năm. Tốc độ tăng trưởng thị trường xe dưới 9 chỗ trung bình 20 - 30%/năm.
Dù vậy, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô, phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động.
Sự cạnh tranh gay gắt của các xe nhập khẩu xuất xứ ASEAN như Thái Lan, Indonesia và trong vòng 7 - 10 năm tới là ô tô từ các quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các nước EU khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực càng làm khó cho xe nội địa.
Dẫn chứng số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 3 quý của năm 2019, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đạt 109.000 xe các loại, trị giá 2,4 tỷ USD. Bộ Công thương dự kiến nhập khẩu ô tô năm nay đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái (năm 2018 kim ngạch nhập khẩu xe ô tô là 1,8 tỷ USD).
Quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn quá nhỏ, mà ngành công nghiệp này vốn phát triển dựa vào lợi thế quy mô, trong khi lượng doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp lại nhiều. GDP bình quân đầu người giai đoạn vừa qua chưa đủ để đa số người dân có thể sở hữu ô tô, là nguyên nhân chính khiến ngành công nghiệp ô tô trong nước mãi chưa lớn được.
Báo cáo đánh giá, dưới tác động tích cực của một số chính sách mới trong thời gian gần đây như Nghị định số 116/2017/NĐ-CP và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, tương quan về sản lượng giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu trong trung và ngắn hạn thay đổi đáng kể theo chiều hướng tăng về số lượng xe sản xuất, lắp ráp.
Dù vậy, ưu thế này sẽ không giữ được lâu nếu sản xuất trong nước không nỗ lực tăng cường chất lượng, hạ giá thành sản xuất để tăng tính cạnh tranh, nhất là cạnh tranh với xe nhập khẩu từ thị trường ASEAN do được ưu đãi thuế quan.
Xe nội khó cạnh tranh về giá
Ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam cho rằng, chi phí sản xuất cao nên xe nội địa càng khó cạnh tranh về giá.
Bản thân các doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam cũng gặp khó với việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, bởi áp lực lớn trước bài toán nhập khẩu hay sản xuất, thành thử, giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặc dù đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa bằng chất lượng xe nhập khẩu. Đó là lý do một số doanh nghiệp đã chuyển hướng từ sản xuất sang nhập khẩu ô tô nguyên chiếc.
Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65 - 70%, Thái Lan đạt tới 80%. Như vậy, nếu các nhà sản xuất ô tô trong nước không sớm có giải pháp hữu hiệu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chắc chắn sẽ khó cạnh tranh được với thị trường khu vực.
Báo cáo thực trạng công nghiệp ô tô cho thấy, dù mục tiêu đưa tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, nhưng đến nay mới đạt bình quân khoảng 7 - 10%, trong đó Thaco đạt 15 - 18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.
Chưa kể, các sản phẩm đã được nội địa hóa chỉ có hàm lượng công nghệ rất thấp như săm, lốp, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa... Có tới 80 - 90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, cao su kỹ thuật cao hiện phải nhập khẩu. Vật liệu làm khuôn mẫu chủ yếu cũng phải nhập khẩu. Hàng năm, các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng 2 - 3,5 tỷ USD các loại linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất, lắp ráp và sửa chữa xe.
Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Thaco thừa nhận, nội địa hóa là bài toán khó đối với doanh nghiệp ô tô vì cần bí quyết công nghệ và sản lượng lớn.
Các doanh nghiệp trong ngành ô tô cũng cho biết, với một số sản phẩm, nếu nhập khẩu thành phẩm sẽ được hưởng mức thuế 0%, nhưng nhập nguyên liệu để sản xuất lại đánh thuế từ 10-20%.
Chẳng hạn, các loại nguyên liệu, phụ tùng nhập về để sản xuất, tăng nội địa hóa đang phải chịu mức thuế cao như: bulông đai ốc chịu thuế 12%, đèn các loại 20%, dây điện 20%...
Trước sức ép cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và xa hơn là xe nhập từ EU và các nước thành viên CPTPP, Bộ Công thương đề nghị nghiên cứu sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước, với thời hạn của chính sách là từ 5 đến 10 năm.
Việt Nam hiện có hơn 350 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 680.000 xe/năm. Trong đó hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô... với sản lượng sản xuất, lắp ráp trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ. |
Theo Thế Hải / baodautu.vn
https://baodautu.vn/nhap-khau-o-to-se-cham-moc-34-ty-usd-xe-noi-dieu-dung-d110855.html