Từ đầu năm 2016 đến nay, TKV chưa xuất khẩu một tấn than nào và vẫn đang chờ chỉ đạo của Chính phủ về việc cho phép tiếp tục xuất khẩu than.
(Ảnh minh hoạ).
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa có công văn gửi Tổng cục Hải quan và Tổng cục Năng lượng về việc cung cấp chiến lược phát triển của tập đoàn và ngành than.
Nhập khẩu than ngày càng tăng
Tại công văn này TKV cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, TKV chưa xuất khẩu một tấn than nào do vẫn đang chờ chỉ đạo của Chính phủ về việc cho phép tiếp tục xuất khẩu than.
Trước đó, trong năm 2015, TKV xuất khẩu 1,2 triệu tấn chủ yếu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia và các nước Tây Âu. Cũng trong năm này, TKV nhập khẩu 460 nghìn tấn than các loại từ Nam Phi, Úc và Nga để cung cấp cho các đơn vị chế biến kinh doanh than trong Tập đoàn để tiêu thụ và pha trộn với than trong nước cấp cho các hộ sử dụng.
Dự báo về tình hình sử dụng than trong nước, TKV cho biết, theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt, năm 2016 than thương phẩm đạt 41 - 44 triệu tấn và dự kiến đến năm 2020 đạt 47 - 50 triệu tấn; năm 2025 đạt 51 - 54 triệu tấn và 55 - 57 triệu tấn vào năm 2030.
Hiện nay, các nhà máy nhiệt điện trong nước chủ yếu sử dụng than antraxit Việt Nam. Tuy nhiên, với nhu cầu than tăng mạnh của các nhà máy nhiệt điện, nguồn than này trong nước không đủ để cung ứng nên các nhà máy nhiệt điện xây dựng theo quy hoạch phải chuyển sang sử dụng than nhập khẩu (Vĩnh Tân, Duyên Hải 3 mở rộng…).
Theo dự báo về nhu cầu sử dụng than trong nước năm 2016 là 47,5 triệu tấn, năm 2020 là 86,5 triệu tấn, năm 2025 là 121,5 triệu tấn và năm 2030 là 156,6 triệu tấn. Theo đó, khối lượng than nhập khẩu phải tương ứng với sản lượng thiếu hụt nêu trên. Cụ thể, năm 2016 là 6,5 triệu tấn, năm 2020 là 36,4 triệu tấn, năm 2025 là 67 triệu tấn và năm 2030 gần 100 triệu tấn.
“Trên cơ sở nhu cầu và khả năng sản xuất trong nước, TKV đã xây dựng kế hoạch nhập khẩu than giai đoạn từ năm 2016 - 2020 như sau: Năm 2016 nhập khẩu 2 triệu tấn, năm 2017 nhập 5 - 6 triệu tấn, năm 2018 nhập 10 - 15 triệu tấn, năm 2019 nhập 15 - 18 triệu tấn và năm 2020 nhập 18 - 20 triệu tấn”, báo cáo cho biết.
Kêu khó, xin ưu đãi về thuế
Tại công văn này, TKV cũng khẳng định mục tiêu phát triển ngành than Việt Nam là trở thành ngành công nghiệp phát triển, có sức cạnh tranh cao, sản xuất và tiêu thụ than đảm bảo bền vững đáp ứng lâu dài cho nhu cầu sử dụng trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện.
Tuy nhiên, theo TKV, trong các năm vừa qua, nhu cầu năng lượng trên thế giới giảm và giá than trên thị trường thế giới giảm 30% làm cho ngành than gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các loại thuế phí tăng cao, chiếm khoảng 15%, gồm: Thuế tài nguyên bình quân 10%; phí môi trường và thuế môi trường khoảng 2,5%; tiền cấp quyền khai thác 2%; các loại thuế, phí khác 0,5%. Ngoài ra, than trong nước còn chịu 10% thuế giá trị gia tăng.
“Về thuế tài nguyên của các nước trên thế giới, hiện nay Australia đang áp thuế 5 - 7%; Trung Quốc từ 2 - 10% và đang tạm thời bỏ nhiều loại thuế phí khác. Như vậy, mức thuế tài nguyên đối với ngành than Việt Nam hiện nay đang ở mức rất cao, lợi nhuận giảm, doanh nghiệp không đủ vốn để đầu tư phát triển, việc cải thiện thu nhập và đời sống công nhân mỏ còn hạn chế, không khuyến khích khai thác tận thu tài nguyên”, TKV cho biết.
Do đó, Tập đoàn này kiến nghị xem xét giảm thuế tài nguyên nói chung và thuế tài nguyên đối với sản phẩm than nói riêng bằng mức các nước trong khu vực. Cụ thể: than hầm lò 5%, than lộ thiên 7%, không tính phí môi trường trên cả đất đá thải ra trong quá trình khai thác.
Phương Dung / dantri.com.vn