Sau mức xuất siêu 2,5 tỷ USD trong năm 2016, hai tháng đầu năm 2017, cả nước nhập siêu hơn 800 triệu USD. Điều này có đáng lo?
Theo số liệu chính thức được Tổng cục Hải quan công bố, trong hai tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu đạt gần 27,43 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu trong hai tháng qua lên tới 28,23 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, thâm hụt thương mại hai tháng đầu năm đang ở mức trên 800 triệu USD.
Như vậy, sau khi xuất siêu tới 2,5 tỷ USD trong năm 2016, thậm chí vẫn tiếp tục xuất siêu lớn trong tháng 1/2017 (1,15 tỷ USD), thì sang tháng 2, nhập siêu đã quay trở lại với Việt Nam. Và con số nhập siêu không chỉ là 1,2 tỷ USD như ước tính trước đó, mà đã lên tới trên 2 tỷ USD, khiến “chung cuộc” hai tháng qua, Việt Nam nhập siêu trên 800 triệu USD.
Nhưng nhập siêu quay trở lại có phải là điều đáng lo? Câu trả lời là không, nếu như nhìn vào cơ cấu hàng nhập khẩu trong hai tháng qua.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, nhập khẩu hàng hóa trong hai tháng đầu năm 2017 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2016, với mức tăng 23,3%. Trong đó, hàng hóa có tỷ trọng nhập khẩu lớn nhất vẫn là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác - chiếm 17,1%; đứng thứ hai là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện - với tỷ trọng 16,3%; thứ ba là điện thoại và linh kiện các loại - chiếm tỷ trọng 6,3%…
Nhập khẩu các loại nguyên, phụ liệu cho sản xuất, như vải, chất dẻo nguyên liệu cũng tăng khá cao, tương ứng là 1,35 tỷ USD, tăng 3,5% và 1,03 tỷ USD, tăng 33,7%... “Nhập khẩu nguyên phụ liệu tăng cao là tín hiệu đáng mừng, cho thấy sản xuất đang bắt đầu phục hồi”, TS. Lê Đình Ân, chuyên gia kinh tế nói như vậy và cho rằng, ở một nền sản xuất vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu như Việt Nam, thì xuất siêu cũng chưa hẳn là đáng mừng và nhập siêu cũng chưa hẳn là đáng lo.
Dù nhập siêu quay trở lại và ở mức khá cao, nhưng nếu đặt trong bối cảnh chỉ số sản xuất PMI tháng 2/2017 tăng lên mức cao kỷ lục 54,2 kể từ tháng 5/2015 và cũng tăng đáng kể so với mức 51,9 của tháng 1/2017, thì chưa có gì phải quan ngại.
Thậm chí, khi bình luận về mức tăng PMI, ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, đã cho rằng, chỉ số này cho thấy sự tăng tốc của hoạt động sản xuất, sự gia tăng sản lượng toàn ngành, sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp mới, cũng như sự tăng trưởng mạnh mẽ của chỉ số niềm tin của các nhà sản xuất.
Số liệu thống kê cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2017, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 2,4%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (tăng 6,8%). Và điều này đã khiến các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khá lo ngại khi báo cáo Chính phủ. Thậm chí họ đã dự báo rằng, có thể tăng trưởng công nghiệp trong các tháng tới sẽ tiếp tục giảm như hai tháng đầu năm.
Tuy nhiên, những lo ngại này sẽ phần nào vơi bớt khi mà các số liệu thống kê cho thấy, nhập khẩu nguyên vậy liệu cho sản xuất đang tăng lên. Khi đơn hàng tăng, doanh nghiệp sẽ nhập khẩu nhiều hơn máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu. Và vì thế, có thể kỳ vọng, sản xuất công nghiệp sẽ được cải thiện trong thời gian tới đây.
Hà Nguyễn / baodautu