Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cao hơn kim ngạch xuất khẩu khiến cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 ước tính nhập siêu 369 triệu USD.
Nhập siêu quay trở lại
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19, khiến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, song tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 ước tính vẫn tăng cao.
Đó là nhận định vừa được Tổng cục Thống kê đưa ra, sau khi công bố các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm.
Cụ thể, 5 tháng qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 262,25 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7%; nhập khẩu hàng hóa đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4%.
Có mức tăng cao này cũng một phần do 5 tháng đầu năm ngoái, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa chỉ đạt trên 196 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thực tế là, thương mại hàng hóa của Việt Nam vẫn luôn đạt tăng trưởng tích cực, là một điểm sáng của nền kinh tế. Điều đấy cho thấy sức dẻo dai và sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam.
Mặc dù vậy, một điểm đáng chú ý, đó là do tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cao hơn kim ngạch xuất khẩu khiến cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 ước tính nhập siêu 369 triệu USD. Như vậy là nhập siêu đang quay trở lại với nền kinh tế, sau một thời gian khá dài luôn đạt thặng dư.
Thực tế, trong tháng 4, nền kinh tế đã nhập siêu tới 1,23 tỷ USD. Tuy nhiên, do mức xuất siêu 3 tháng đầu năm khá lớn, nên tính chung 4 tháng, Việt Nam vẫn xuất siêu 1,63 tỷ USD.
Sang tháng Năm, ước tính nền kinh tế nhập siêu 2 tỷ USD. Và do đó, tính chung 5 tháng, nhập siêu 369 triệu USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,74 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,37 tỷ USD.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất siêu sang EU 9,4 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 23,2 tỷ USD, tăng 87,3%; nhập siêu từ Hàn Quốc 12 tỷ USD, tăng 23,1%; nhập siêu từ ASEAN 6,6 tỷ USD, tăng 171,6%.
Nhập khẩu tư liệu sản xuất tăng cao
Quay trở lại với diễn biến xuất nhập khẩu hàng hóa, Tổng cục Thống kê cho biết, tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa có xu hướng giảm, đạt 26 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng trước.
Tuy nhiên tính chung 5 tháng, vẫn đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 33,06 tỷ USD, tăng 16,6%, chiếm 25,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 97,88 tỷ USD, tăng 36,3%, chiếm 74,8%.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, đã có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong số này, có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 63,8%. Trong đó, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất - đạt 21,9 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 19,5 tỷ USD, tăng 26%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 14,9 tỷ USD, tăng 74,8%...
Ngược lại, ước tính kim ngạch nhập khẩu trong tháng 5/2021 lại đạt 28 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 45,8 tỷ USD, tăng 30,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 85,51 tỷ USD, tăng 39,9%.
Điểm đáng mừng là trong cơ cấu hàng nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất vẫn đạt tỷ trọng cao, 93,8%, ước tính đạt 123,15 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 58,8 tỷ USD, tăng 33% và chiếm 44,8% (giảm 1,1 điểm phần trăm); nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 64,35 tỷ USD, tăng 40,5% và chiếm 49% (tăng 1,4 điểm phần trăm).
Còn nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 8,16 tỷ USD, tăng 29,5% và chiếm 6,2% (giảm 0,3 điểm phần trăm).
Nhập khẩu tư liệu sản xuất tăng cao mang tới kỳ vọng về sự hồi phục của sản xuất công nghiệp trong thời gian tới.