Chỉ tính riêng trong tháng Sáu, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng kí rót thêm 7,09 tỷ USD vào Việt Nam.
Nhật Bản bất ngờ vượt Hàn Quốc trở thành nước đầu tư lớn nhất ở Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay. |
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch đầu tư) cho thấy, tính từ đầu năm đến ngày 20/6, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của là 19,22 tỷ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Tính đến ngày 20/6/2017, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 7,72 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong 6 tháng, có 1.183 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 11,83 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2016. Ngoài ra, có 549 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,14 tỷ USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Đáng chú ý, có 2.501 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị góp vốn là 2,24 tỷ USD, tăng 97,6% so với cùng kỳ 2016.
Như vậy, chỉ tính riêng trong tháng Sáu, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng kí rót thêm 7,09 tỷ USD vào Việt Nam.
Nhật Bản bất ngờ vượt Hàn Quốc để giành vị trí quán quân khi đổ thêm 3,14 tỷ USD chỉ trong tháng Sáu, nâng tổng số vốn FDI đăng ký của nước này lên 5,08 tỷ USD từ đầu năm.
Trong khi đó, Hàn Quốc lùi về chiếm vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,95 tỷ USD, chiếm 25,79% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,48 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư.
Các dự án lớn chi tiết chưa được Cục Đầu tư nước ngoài công bố. Nhưng cuối tháng trước, Reuters đưa tin trước khi lên đường thăm Nhật Bản từ 4-8/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ cấp phép cho 3 dự án nhà máy nhiệt điện than với tổng số vốn lên đến 7,5 tỷ USD cho các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc và Ả-rập Xê-út.
Cũng theo số liệu của cơ quan này, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực trong 6 tháng đầu năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục được giới đầu tư nước ngoài quan tâm nhất, với tổng số vốn 9,48 tỷ USD, chiếm 49,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,25 tỷ USD, chiếm 27,34% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ ba là lĩnh vực khai khoáng với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,28 tỷ USD, chiếm 6,68% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Các dự án lớn cũng làm thay đổi vị trí các địa phương trên bảng xếp hạng. Với dự án điện hơn 2,7 tỷ USD, Thanh Hoá là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký 3,06 tỷ USD, chiếm 15.9% tổng vốn đầu tư.
Bắc Ninh lùi về vị trí thứ hai với tổng vốn đăng ký 2,85 tỷ USD, chiếm 14,83% tổng vốn đầu tư. Nam Định đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 2,19 tỷ USD chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư.
Tính chung trong 6 tháng năm 2017, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 10,22 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 8,66 tỷ USD không kể dầu thô.
Minh Tuấn / BizLIVE