Trong năm 2015, đã có khá nhiều quỹ đầu tư lớn, tập đoàn lớn của Nhật Bản hợp tác đầu tư, cũng như M&A các dự án BĐS với các công ty trong nước.
Theo một báo cáo mới đây của công ty nghiên cứu JLL Việt Nam, trong năm 2015, lượng vốn đăng ký đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đạt 22,8 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước. Kiều hối đạt khoảng 13 tỷ USD, với lượng tiền đổ vào bất động sản đang tăng lên.
Theo nghiên cứu của công ty TNHH CBRE Việt Nam mới đây cho thấy, trong số các nhà đầu tư nước ngoài đang "săn mua" dự án BĐS tại Việt Nam, thì Nhật Bản chiếm vị trí số một với 22%, Singapore 17%, Hàn Quốc 14% và theo sau là Hoa Kỳ với 8%...
Điều này cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam đang thực sự hấp dẫn các công ty Nhật Bản. Trong năm 2015, đã có khá nhiều quỹ đầu tư lớn, tập đoàn lớn của Nhật Bản hợp tác đầu tư, cũng như M&A các dự án BĐS với các công ty trong nước.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam ví von: "Trong suốt vài tháng vừa qua, Việt Nam và đặc biệt là TP. HCM vẫn đang trải qua một đợt nắng nóng với nhiệt độ đạt mức kỉ lục, và có thể nói thị trường bất động sản cũng lan tỏa với sức nóng tương tự. Với nền kinh tế đã trở lại đúng hướng, thị trường bất động sản cũng quy tụ các động lực phát triển trong suốt 18 tháng qua".
Việc phát triển mạnh chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà ở tại các thành phố trọng điểm như TP. HCM và Hà Nội. Doanh số bán hàng tại mỗi thành phố được ghi nhận đạt mức cao trong quý I/2016, lần lượt đạt khoảng 9.000 căn hộ và 8.000 căn hộ.
Theo ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc, JLL Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài đang hướng tâm điểm đến Việt Nam, nhiều tập đoàn đang nỗ lực tìm hiểu thị trường và cố gắng để có được chỗ đứng vững chắc tại thị trường Việt Nam. Nhiều giao dịch hiện đang được tiến hành ký kết và dẫn đầu là các tập đoàn đến từ Nhật Bản.
Ngoài dự án 1,2 tỷ USD của Tokyu ở Bình Dương ra thì chúng ta có thể thấy rõ, phân khúc nhà ở có giá trị trung bình chính là phân khúc chủ yếu mà các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia M&A nhiều trong vòng khoảng 2 năm qua, đơn cử như việc một số nhà đầu tư Nhật Bản tham gia vào các dự án của Tập đoàn Nam Long.
Theo đó, hai công ty Nhật Bản là đối tác của Nam Long là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad đã rót thêm vài trăm tỷ đồng mua 50% vốn của Dự án Fuji Residence tại quận 9 (TP.HCM) của Nam Long để cùng phát triển. Fuji là dự án thứ 2, có quy mô lớn hơn, sản phẩm đa dạng hơn dự án thứ nhất là Flora Anh Đào mà hai bên đã hợp tác đầu tư thành công với 85% căn hộ đã chào bán thành công.
Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc đầu tư Nam Long cho biết, khi đã thực hiện dự án đầu tiên thành công, thì các dự án tiếp theo sẽ đơn giản hơn nhiều, bởi đã có công thức tính toán đi đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư Nhật Bản với Nam Long và chắc chắn hai bên sẽ tiếp tục hợp tác triển khai thêm các dự án mới trong thời gian tới.
Trước đó, Quỹ đầu tư Creed cùng với An Gia và Phát Đạt đã đầu tư Dự án River City, với tổng vốn đầu tư tới 500 triệu USD, trong đó, Phát Đạt góp 50% vốn, An Gia và Creed mỗi bên góp 25% vốn đầu tư. River City quy mô khoảng 8.000 căn hộ, với giá bán từ 1,3 tỷ đồng/căn, trong đó số căn hộ từ 54 đến 68 m2 chiếm đa số.
Mới đây nhất, một tập đoàn khác đến từ Nhật Bản là Sanyo Home đã chính thức đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam bằng việc hợp tác với công ty Tiến Phát (thuộc Cty CP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình - HBC) để đầu tư Dự án Ascent Lakeside tại quận 7. Tối 13.5,
Được biết, thông tin phát triển dự án 25 triệu USD đã được Sanyo Home công bố trên Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo (Nhật Bản). Ông Lê Quốc Duy, Phó tổng giám đốc HBC, Chủ tịch HĐQT Tiến Phát cho biết, Sanyo Home đóng góp khoảng 50% tổng mức đầu tư của Dự án. Đây là dự án căn hộ hướng đến phân khúc thị trường khá cao cấp tại quận 7.
Theo ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Đầu tư Công ty CP Đầu tư Nam Long, với các nhà đầu tư nước ngoài, tiêu chí mà họ quan tâm là các chỉ số tài chính, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, còn các nhà đầu tư Nhật, đặc biệt quan tâm đến yếu tố con người, đội ngũ lãnh đạo và chiến lược rõ ràng từ phía doanh nghiệp trong nước.
Trong làn sóng bùng bổ dòng vốn Nhật vào bất động sản hiện nay, nhà đầu tư Nhật Bản chuộng hình thức đầu tư gián tiếp, mua cổ phần từ các công ty, hoặc một phần của dự án (đã hoàn chỉnh các thủ tục với cơ quan nhà nước) để một mặt vừa "thử nghiệm" khi bước chân vào thị trường mới nhưng cũng vừa tiết kiệm được thời gian thu hồi vốn so với đầu tư trực tiếp.
"Một câu hỏi được nhiều người quan tâm đó là thị trường sẽ duy trì trạng thái này trong bao lâu? Một mặt nào đó, thị trường bất động sản cũng giống như thời tiết, chúng ta đang trải qua những ngày nắng nóng đỉnh điểm, nhưng chúng ta cũng biết rằng một thời điểm nào đó mùa mưa rồi sẽ đến và không khí cũng sẽ mát mẻ hơn. Nhìn lại 26 năm qua, Việt Nam đã trải qua 4 chu kì phát triển thị trường", ông Stephen Wyatt nhấn mạnh.
Đăng Khải
Theo Trí thức trẻ