Trong 5 năm (2011-2015), Việt Nam có 11.738 công trình khoa học được công bố quốc tế, song có chưa tới 20% tổng số doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến, mà chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Một khu nông nghiệp công nghệ cao tại TPHCM. Ảnh:TL
Theo kết quả giám sát chuyên đề “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005-2015” được đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố hôm nay, 25-5, tổng số bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015 là 11.738, gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010.
Nhưng đối ngược với số lượng các bài báo, công trình được công bố này thì chỉ có dưới 20% trong số các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp là doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao, mà chủ yếu là doanh nghiệp FDI.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Lê Thị Nga có hỏi Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh ngay tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay rằng, gần đây dư luận xôn xao về việc đào tạo tiến sĩ của Viện Hàn lâm có dùng tiền ngân sách để công bố quốc tế và bình quân số tiền này tăng 19,5% mỗi năm, vậy phải chi bao nhiêu tiền để đưa các đề tài, bài báo này ra quốc tế?
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh trả lời bà Nga rằng, số đề tài đăng ký công bố quốc tế qua Quỹ phát triển khoa học-công nghệ quốc gia hàng năm tăng 30%. Theo đó, các bài báo công bố quốc tế đều phải xuất hiện 2 lần trên các tạp chí uy tín. Quỹ phát triển khoa học-công nghệ quốc gia cơ bản phải hỗ trợ cho nghiên cứu cơ bản ở các lĩnh vực toán, lý, hóa.
”Loại đề tài này Việt Nam rất mạnh. Hàng năm quỹ được cấp 300 tỉ đồng đề hỗ trợ nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Trung bình một bài báo để có thể được công bố trên tạp chí uy tín mất 800 triệu đồng/bài”, ông Khánh nói và hứa sẽ công bố con số chi của Viện Hàn lâm sau.
Tốc độ dùng tiền ngân sách và số lượng các tác phẩm, nghiên cứu được công bố quốc tế nhiều nhưng tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị lại có nhiều vấn đề. Trừ lĩnh vực viễn thông, dầu khí, hàng không, tài chính-ngân hàng... có tốc độ đổi mới công nghệ khá nhanh, còn phần lớn doanh nghiệp nước ta vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu so với trung bình của thế giới đến 2-3 thế hệ.
Mục tiêu của chiến lược đề ra trước đây là đến năm 2015 sẽ hình thành 30 cơ sở ươm tạo công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao cũng không đạt được. Đến nay, chỉ có 9 cơ sở ươm tạo công nghệ cao và ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao đã được xây dựng và đi vào hoạt động, đạt chưa đến 30% mục tiêu chiến lược đề ra.
Ngọc Lan / thesaigontimes.vn