Cách đây vài năm, một doanh nghiệp bán lẻ yêu cầu có ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước để có hệ thống vị trí đẹp, thậm chí thuế, vay ưu đãi…
Ảnh minh họa.
“Đó là những yêu cầu chính đáng”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đưa ra nhận định tại Hội thảo Thị trường bán lẻ Việt Nam - Cơ hội và thách thức ngày 18/5.
Nhưng ông cũng buồn bã chia sẻ rằng: Chính các doanh nghiệp đó, sau khi ổn định, phát triển lại bán cho nước ngoài.
Giới trong ngành không ai không biết đó là câu chuyện của Fivimart.
Vào đầu năm 2012, mọi người xôn xao khi Fivimart Quận 7 (TP. HCM) đột ngột ngừng kinh doanh và một số siêu thị khác rục rịch đóng cửa.
Thời điểm đó, đăng đàn tại cuộc giao ban trực tuyến của Bộ Công thương, bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng giám đốc CTCP Nhất Nam - đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart, thừa nhận rằng: Cả 5 siêu thị của Fivimart tại TP. HCM và Bình Dương phải đóng cửa hết vì hết hạn hợp đồng thuê mặt bằng.
"Các doanh nghiệp tổ chức hệ thống phân phối không trực tiếp tiếp cận được mặt bằng và phải thuê đất có thời hạn qua một đơn vị khác. Hết hạn thuê, đàm phán giá thuê mới không thành nên họ phải đổi chỗ", ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, nói về trường hợp của Fivimart.
Để “cứu” Fivimart, Bộ Công Thương đã đề nghị với Bộ Kế hoạch - Đầu tư đưa hạ tầng đất đai vào danh mục ưu đãi dành cho các nhà phân phối, bán lẻ bên cạnh các ưu đãi về tín dụng nhằm phát triển hệ thống bán lẻ nội địa ngày càng mạnh hơn.
Đến đầu năm 2015, thông tin Fivimart và Citimart của Việt Nam cùng lúc “bán mình” cho ông lớn bán lẻ Nhật Bản – Aeon được người trong giới đón nhận từ tờ Thời báo Nhật Bản, với tỷ lệ bán lần lượt ở mức 30% và 49%.
Với việc ưu đãi cho doanh nghiệp nội, và rồi chính những doanh nghiệp này lại “bán mình” cho doanh nghiệp ngoại, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đặt vấn đề: Phải chăng chúng ta giúp hệ thống bán lẻ của nước ngoài tại Việt Nam?
“Phải nhìn nhận khách quan, nếu cứ theo trào lưu phải hỗ trợ cho doanh nghiệp bán lẻ thế này, thế kia thì khi họ bán hết thì sẽ ra sao? Toàn những ông lớn như Phú Thái,Nguyễn Kim, Kinh Đô... Nếu không cẩn thận thì chúng ta đang hỗ trợ cho chính các doanh nghiệp nước ngoài mà đấy là những doanh nghiệp lớn, có tiếng nói”, Thứ trưởng thẳng thắn.
“Không nên quá ưu ái bởi một số doanh nghiệp được ưu ái sau đó bán cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài như Fivimart”, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhìn nhận.
Năm 2015 là năm mở đầu của một loạt thương vụ đổi chủ/thay đổi tỷ lệ sở hữu trong các doanh nghiệp bán lẻ, mà các đại gia nắm trong tay các thương vụ này chủ yếu là đại gia Thái Lan, và Nhật Bản.
Sau khi nhà bán lẻ Thái Lan mua lại BigC, tổng cộng Metro và Big C có 52/100 điểm bán lẻ hiện đại, chiếm 50% thị phần bán lẻ hiện đại.
Mới đây, Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM lại kiến nghị có chính sách ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước như dành vị trí đất đẹp kèm giá thuê hợp lý, thuế và vốn ưu đãi, điều chỉnh cơ chế, chính sách sao cho thật thông thoáng, an toàn với doanh nghiệp bán lẻ trong nước… Song song, Hiệp hội cũng kiến nghị siết quy định về giao đất, cho thuê đất với doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài. |
Theo Trí Thức Trẻ