Thị trường phân phối trong nước đang có nguy cơ bị thâu tóm bởi doanh nghiệp ngoại, trong khi nhiều doanh nghiệp Việt không thể tham gia chuỗi cung ứng sản xuất của các tập đoàn sản xuất đa quốc gia… khiến cuộc chơi hội nhập gần như là cánh cửa hẹp đối với doanh nghiệp Việt.
Ảnh minh họa
Không liên kết và chấp nhận chèn ép
Trước nguy cơ bị mất thị trường phân phối trong nước về tay các doanh nghiệp ngoại hùng mạnh với hệ thống siêu thị lớn như: BigC, Lotte Mart, Citimart, AEON MALL… bà Lê Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc SaigonFood, bức xúc cho biết tại hội nghị “Gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp trong nước năm 2017”: giờ đây trong tay các doanh nghiệp ngoại đã có hệ thống siêu thị để phân phối hàng hóa bán lẻ tới tận tay người tiêu dùng. Do đó, việc chỉ định hàng hóa trong siêu thị là hàng Việt Nam hay là hàng ngoại nhập đều trong tầm tay của họ. Với mức chiết khấu rất cao tại các siêu thị nước ngoài tới 15-30% khiến sản phẩm của doanh nghiệp Việt khó đưa sản phẩm lên kệ những siêu thị này và không có lãi.
Nhận thức được vấn đề này hiện tập đoàn VinGroup với hệ thống siêu thị VinMart đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong nước bằng cách giảm 50% mức chiết khấu và không tính chi phí vận chuyển.
Nếu các siêu thị nội làm được như hệ thống siêu thị VinGroup thì các doanh nghiệp Việt đỡ khổ. Vì đang có hiện tượng các siêu thị nội sẽ tăng mức chiết khấu hơn 10% để cho bằng siêu thị ngoại. Đề nghị siêu thị nội giữ nguyên mức chiết khấu cũ để hỗ trợ doanh nghiệp nội. Do đó, Chính phủ cần tạo điều kiện và hỗ trợ cho các siêu thị nội phát triển.
Để cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại, bà Lê Thanh Lâm cho rằng, các doanh nghiệp Việt phải liên kết lại và chia sẻ thông tin với nhau, không nên đánh quả lẻ như lâu nay. Nếu chúng ta âm thầm, lặng lẽ lặng lẽ chấp nhận mức chiết khấu cao của các siêu thị ngoại thì đó chính là cách chấp nhận để siêu thị ngoại cạnh tranh với siêu thị nội và doanh nghiệp là người thiệt thòi đầu tiên.
Bên cạnh đó, an toàn thực phẩm đang là vấn nạn và người tiêu dùng đang quay lưng lại với hàng trong nước, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp ngoại “lấn sân”. Theo bà Lê Thanh Lâm, nhiều khi thực phẩm sạch cũng có khả năng không an toàn nếu sử dụng phụ gia cao hơn mức cho phép.
Để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng cần phải làm đồng bộ nhiều biện pháp. Đó là tuyên truyền cho người tiêu dùng đừng vì giá rẻ mà mua của ôi ảnh hưởng đến sức khỏe; Tuyên truyền cho doanh nghiệp phải có đạo đức kinh doanh; Siêu thị phải chọn lọc đưa hàng an toàn vào siêu thị… Về phía cơ quan quản lý Nhà nước phải kiểm soát, ngăn chặn răn đe dựa trên cảnh báo, ngăn ngừa, tuyệt đối không trên tư duy thành tích.
Các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có nhiều thay đổi sau khi tham gia hội nghị "Gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp trong nước năm 2017" tại TP.HCM - Ảnh: BizLIVE.
Không lớn nổi vì thiếu sự hỗ trợ tích cực
Bức xúc về vấn đề doanh nghiệp Việt không thể lớn lên được thì không thể cạnh tranh nổi với doanh nghiệp ngoại, ngay như việc tham gia chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn của nước ngoài cũng không xong, nguyên nhân đến từ nhiều phía.
Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, ở các tập đoàn sản xuất lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia tại Châu Âu… khi thâm nhập vào thị trường các nước bao giờ họ cũng tạo thành một binh đoàn, đi theo chuỗi cung ứng, chia sẻ về giá trị, tầm nhìn, chi phí, trách nhiệm… họ đi chuyên sâu và luôn cải tiến công nghệ. Chẳng hạn, họ ưu tiên bán sản phẩm trong nội bộ tập đoàn với giá thành rẻ hơn 40%...
Vậy làm sao doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng?
Doanh nghiệp Việt phải chuẩn hóa sản phẩm, chuẩn hóa quy trình sản xuất và hệ thống quản trị. Vì muốn tham gia chuỗi cung ứng thì phải đạt tiêu chuẩn chung.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chọn những thị trường mục tiêu, chứ không thể hàng hóa xuất khẩu đi khắp nơi mà không có trọng điểm để bám vào.
Doanh nghiệp yêu cầu chính quyền hỗ trợ về tài chính chưa đủ, cần phải được hỗ trợ thêm về cơ chế.
Chia sẻ về những khó khăn thực tế đang gặp phải, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), cho biết lãi suất vay cao cũng là một hạn chế để doanh nghiệp nội có thể phát triển nhanh, mạnh. Vì hầu hết doanh nghiệp Việt hiện nay đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa đều mong muốn lãi suất vay thấp để có thể cạnh tranh trước hết về giá thành. Trong khi đó, doanh nghiệp ngành nhựa cũng đang phải chịu áp áp lực thâu tóm do doanh nghiệp ngoại có lợi thế về vốn.
Để bảo vệ doanh nghiệp trong nước trong hội nhập, Chính phủ cần phải thiết lập được hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng trong nước chất lượng cao, nếu không sẽ bị nhiều hàng hóa của các quốc gia lân cận thâm nhập với giá rẻ. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp nhựa đang đối mặt với hàng đồ chơi trẻ em bằng nhựa ngoại nhập giá rẻ, không được kiểm tra chất lượng, nguy cơ độc hại rất cao… đang tràn lan trên thị trường.
Cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn chân chính bằng cách đẩy lùi vấn nạn hàng giả, nhưng hiện nay vai trò này rất yếu. Doanh nghiệp càng có uy tín, sản phẩm càng có chất lượng thì sản phẩm càng bị làm giả. Sản phẩm của công ty Nhựa Bình Minh bị phát hiện có hàng nhái vào năm 2015 và tháng 7/2016 nhưng đến nay vẫn chưa xử lý xong. Việc làm này không tạo ra tính răn đe cần thiết và thách thức pháp luật cũng như làm yếu đi sự quản lý Nhà nước, cuối cùng là làm mất lòng tin của người tiêu dùng.
Lan Anh / BizLIVE