Dịch bệnh Covid-19 đã làm rối loạn chuỗi cung ứng ngành cá tra Việt Nam, trong đó, có 20- 40% đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp bị đối tác hoãn, hủy.
Có 20- 40% đơn hàng cá tra xuất khẩu cá tra của doanh nghiệp bị đối tác hoãn, hủy do Covid-19. Trong ảnh là nhân công chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh
Báo cáo tại hội nghị “Bàn về tình hình sản xuất, tiêu thụ cá tra trong bối cảnh Covid-19” diễn ra vào chiều nay, 7-5, ở tỉnh An Giang, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, đã khiến kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sụt giảm mạnh ở một số thị trường trọng điểm.
Cụ thể, theo dẫn chứng của ông Luân, trong quí đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm 48% so với cùng kỳ; sang Liên minh châu Âu (EU) giảm 47,3% và sang Mỹ giảm 19,8%...
Việc xuất khẩu cá tra sụt giảm không chỉ khiến doanh nghiệp gặp khó, mà còn làm giá cá nguyên liệu trong nước cũng "đi xuống", mà cụ thể hiện chỉ còn 18.500-19.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất lên đến 21.000- 22.000 đồng/kg.
Đồng quan điểm, bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, dịch Covid-19 đã tạo ra những tác động hết sức nặng nề đối với ngành cá tra, cả về sản xuất, chế biến lẫn xuất khẩu.
Theo bà Lan, với những đơn hàng xuất khẩu đã ký của doanh nghiệp, có 20 đến 40% số đơn hàng bị đối tác nhập khẩu yêu cầu hoãn và hủy. “Những thị trường có yêu cầu hoãn và hủy chủ yếu là ở EU và Trung Quốc”, bà Lan dẫn chứng và nói rằng với đối tác ở thị trường Mỹ, họ cũng có yêu cầu hoãn và hủy, nhưng ít hơn so với Trung Quốc và EU.
Ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt cho biết, việc ký kết các đơn hàng mới cũng gặp nhiều khó khăn. "Mọi năm, Mỹ ký rất nhiều, nhưng hiện nay “đứng” hết, thị trường EU, châu Á cũng đứng luôn”, ông dẫn chứng.
Không chỉ tác động đến các đơn hàng xuất khẩu, bà Lan cho biết, Covid-19 cũng ảnh hưởng đến việc thanh toán giữa doanh nghiệp xuất khẩu trong nước với đối tác nhập khẩu ở nước ngoài, trong đó, họ đã từ chối hoặc trì hoãn thanh toán khiến việc xoay vòng vốn của doanh nghiệp rất khó khăn.
Dù đối mặt với rất nhiều thách thức, nhưng Tổng cục Thủy sản cho rằng, những gián đoạn trong chuỗi cung ứng chỉ mang tính nhất thời và dự báo ngành cá tra sẽ hoàn toàn phục hồi từ quí 3-2020. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc có thể phục hồi vào cuối tháng 5-2020.
Tuy nhiên, bà Lan của VASEP cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc dự báo thị trường là rất khó khăn. “Đối với thị trường Trung Quốc, trong 10 ngày đầu của tháng 4-2020 xuất khẩu sang đây đạt khoảng 300 container và cả tháng 4 dự báo có khoảng 900-1.000 container”, bà Lan dẫn chứng và cho rằng điều đó có nghĩa thị trường Trung Quốc đang dần phục hồi trở lại.
Tuy nhiên, theo bà Lan, với thị trường EU và Mỹ hiện nay vẫn chưa có khởi động nào để hy vọng những thị trường này sẽ phục hồi trong quí 2-2020. “Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay chắc chắn sẽ sụt giảm", bà nhấn mạnh và cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay, đó là phải giải quyết được lượng hàng tồn kho đang khá lớn trong doanh nghiệp.
Để giải quyết được điều đó, bà Lan cho rằng, cần quan tâm tiếp thị, mở rộng thị trường mới, trong đó, ASEAN là thị trường tiềm năng khi có mức tăng trưởng khá trong 3 năm gần đây. “Bên cạnh đó, Ấn Độ, Pakistan cũng là những thị trường cần có giải pháp để xâm nhập”, bà gợi ý.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Vĩnh Hoàn cho biết, với thị trường Trung Quốc và Mỹ, nhà hàng là kênh phân phối chiếm đến khoảng 70% cá tra Việt Nam xuất khẩu sang đây, trong khi với thị trường EU, siêu thị là kênh tiêu thụ chiếm tỷ trọng lớn hơn.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến kênh tiêu thụ nhà hàng gần như "tê liệt" do lệnh dừng hoạt động của loại hình kinh doanh này ở các nước. “Chính vì vậy, qua đợt dịch bệnh này, chúng ta cần cân bằng lại kênh phân phối giữa siêu thị và nhà hàng” bà Tâm đề xuất.
Liên quan đến thị trường, bà Tâm đồng tình với việc phải mở rộng thị trường tiêu thụ cho cá tra Việt Nam, nhưng cũng cần chú trọng tháo gỡ khó khăn với những thị trường đã được định hình.
“Ả Rập Xê Út là thị trường nằm trong top 5 xuất khẩu cá tra Việt Nam với kim ngạch đạt 60 triệu đô la Mỹ, nhưng năm 2018 họ đã có lệnh cấm chúng ta”, bà cho biết và đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần quan tâm tháo gỡ để khôi phục với thị trường này.