Cùng một phân khúc, cùng một thời gian nhưng mỗi công ty nghiên cứu thị trường bất động sản lại cho ra một số liệu hoàn toàn khác nhau, thậm chí con số vênh nhau rất lớn. Với tình trạng nhiễu loạn thông tin như thế này, người dân và nhà đầu tư không biết nên tin tưởng vào báo cáo nào, trong khi Nhà nước lại chưa có một cơ sở dữ liệu chính thống nào.
Một thị trường, nhiều kết quả
Hiện tại, mỗi tháng có đến gần 10 báo cáo thị trường bất động sản được công khai trên các phương tiện truyền thông. Trong đó, nổi bật nhất là báo cáo của các công ty đa quốc gia như CBRE, Savills, John Lang Lasalle Vietnam (JLL)…
Tuy nhiên, số liệu báo cáo thị trường của các đơn vị nghiên cứu không có sự đồng nhất, thậm chí là vênh nhau rất lớn. Đơn cử như tại báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM quý 3/2017, ở mục căn hộ bán, cả 3 đơn vị trên đều có sự chênh lệch rất lớn về số liệu nguồn cung mới.
Cụ thể, báo cáo của Savills nói rằng, trong quý 3/2017, TP.HCM có 13 dự án mở bán mới và 16 dự án hiện hữu cung cấp cho thị trường 11.000 căn hộ mới, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường bất động sản thiếu số liệu đáng tin cậy (Ảnh minh họa). |
Còn báo cáo của CBRE lại cho thấy, chỉ 7.651 căn được mở bán trong quý 3/2017 từ 21 dự án, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Chênh lệch giữa 2 báo cáo lên đến 20 dự án với 3.399 căn. Trong khi đó, JLL đưa ra con số là 11.744 căn, hơn Savills 744 căn và hơn CBRE 4.093 căn.
Đáng chú ý, sự khác biệt về số liệu cũng xuất hiện tại mục biệt thự, nhà liền kề. Theo số liệu trong báo cáo của Savills, trong quý 3/2017, thị trường TP.HCM chỉ có 750 căn được mở bán mới, đến từ 6 dự án, trong đó có 5 dự án mới, 1 dự án hiện hữu. Thế nhưng, JLL lại đưa ra con số gần gấp đôi so với Savills là có 1.389 sản phẩm chào bán mới. Số căn biệt thự, nhà liền kề chênh lệch giữa 2 báo cáo lên tới 639 căn.
Về số lượng căn hộ được tiêu thụ, nếu như JLL cho biết trong quý 3/2017 có đến 12.919 căn được giao dịch, thì số liệu của Savills là 11.500 căn, còn của CBRE chỉ 7.207 căn. Như vậy, cùng phân khúc căn hộ tại TP.HCM nhưng đã có 3 số liệu giao dịch thành công hoàn toàn khác nhau.
Báo cáo chỉ phục vụ cho lợi ích riêng
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, sở dĩ có sự chênh số liệu giữa các đơn vị là do báo cáo thị trường của các doanh nghiệp đều xuất phát từ lợi ích kinh doanh trực tiếp của họ. Tất cả các đơn vị tổ chức báo cáo thị trường đều có mục đích lợi nhuận, chứ không bao giờ chỉ là sự nghiên cứu khách quan.
Ông Châu còn cho biết, khi đưa ra các báo cáo, ngay cả những đơn vị nghiên cứu này cũng nói rằng họ không chịu trách nhiệm về những con số trong báo cáo. Ví dụ như CBRE, ở mỗi báo cáo, đơn vị này đều có phần lưu ý: “Chúng tôi đã không kiểm chứng và sẽ không bảo đảm, đoán chắc hay đại diện cho các thông tin này. Quý độc giả có trách nhiệm kiểm chứng độc lập tính chính xác và toàn vẹn của thông tin. Tài liệu này được thiết kế riêng cho khách hàng và chuyên gia của CBRE sử dụng”.
“Luật kinh doanh bất động sản cấm thông tin sai lệch về một dự án cụ thể, chứ không quy định đơn vị nào được báo cáo. Thế nên mới có tình trạng doanh nghiệp nào cũng tham gia và báo cáo theo hướng có lợi cho mình. Đây là lỗ hổng lớn để doanh nghiệp lách luật, tung hỏa mù thông tin. Ví dụ như Savills và CBRE là bên tư vấn và quản lý cho rất nhiều dự án lớn nhỏ trên thị trường, nên họ đưa ra những thông tin có lợi cho những dự án có sự tham gia của họ”, ông Châu nói.
Theo ông Châu, không dễ để các doanh nghiệp tiếp cận được số liệu từ ngân hàng, các sở ngành. Ngay cả Hiệp hội bất động sản cũng phải 6 tháng báo cáo một lần, số liệu đều trích nguồn từ cơ quan quản lý và đóng dấu ký tên chịu trách nhiệm.
Do đó, ông Châu khuyến cáo người dân và doanh nghiệp cần tỉnh táo trước những báo cáo mang tính chủ quan được cung cấp bởi các đơn vị vừa tham gia nghiên cứu, vừa bán hàng.
Đồng quan điểm với ông Châu, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cũng nhận định, những số liệu trên thị trường bất động sản không xác thực là vì các công ty tư vấn đều tham gia bán hàng. Chính bản thân các công ty nghiên cứu, tư vấn cũng muốn bán được hàng nên đưa việc đưa ra báo cáo không thực cũng là điều dễ hiểu.
Thế nhưng, với tình trạng loạn số liệu trên thị trường bất động sản, ông Đực lo ngại những thông tin này sẽ tác động không nhỏ đến người mua nhà và các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Trong khi đó, ông Phan Công Chánh – Chuyên gia bất động sản độc lập cho rằng, chuyện sai số trong công bố số liệu trên thị trường bất động sản là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Bỡi lẽ, mỗi công ty nghiên cứu thị trường sẽ sử dụng phương pháp lấy mẫu, thống kê khác nhau. Những thông tin này thì người dân hay doanh nghiệp không thể đánh giá được đúng hay sai do không biết phương pháp thống kê của họ như thế nào hết. Vì vậy, ở góc độ người tiếp nhận số liệu, chúng ta phải tỉnh táo và hiểu rằng số liệu đó như thế nào và đâu mới là nguồn số liệu đáng tin cậy.
Diệu Thủy / vietnamnet