Giá trị nhiều mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2016 đã giảm rất mạnh, trong đó các mặt hàng này đã và đang đóng góp vào ngân sách khá lớn, đặc biệt như: máy tính linh kiện điện tử, dầu thô, than đá, quặng và khoáng sản hay gạo...
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong tháng 10/2016, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện vốn được coi là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã giảm 2,6% về giá trị so với tháng trước, chỉ đạt 2,8 tỷ USD, thấp hơn 120 triệu USD so với tháng trước.
Mặt hàng sắt thép xuất khẩu cũng giảm rất mạnh 19% về lượng và hơn 18% về giá trị so với tháng 9/2016, chỉ đạt hơn 168 triệu USD, thấp hơn so với tháng trước là gần 210 triệu USD.
Dầu thô, than đá, quặng và khoáng sản giảm giá liên tiếp do đó càng tận dụng khai thác xuất khẩu, chúng ta càng mất tài nguyên
Đáng kể nhất là hoạt động xuất khẩu than chỉ xuất được 83 triệu USD/ 827.000 tấn giảm 46% về lượng và gần 49% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, mức giá than đá trung bình vào là khoảng 100 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với giá than antraxit cùng loại của các nước khoảng 175 USD/tấn.
Mặt hàng dầu thô, tháng 10/2016, Việt Nam xuất khẩu được gần 554.000 tấn, giảm gần 10% so với tháng trước, đạt hơn 215 triệu USD. 10 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu được hơn 5,7 triệu tấn dầu thô, đạt 1,9 tỷ USD. Cả lượng và giá trị dầu thô xuất khẩu đã giảm mạnh trên 25% và 42% so với cùng kỳ năm trước.
Giá dầu thô xuất khẩu 10 tháng chỉ đạt 336 USD/tấn giảm gần 100 USD so với giá xuất khẩu dầu thô cùng kỳ năm 2015 (420 USD/tấn). Ngoài dầu thô, than đá, mặt hàng quặng và khoáng sản trong thời gian qua cũng giảm giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ dù lượng xuất tăng gấp đôi.
Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,5 triệu tấn quặng và khoáng sản, chỉ thu về 119 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, Việt Nam xuất khẩu hơn 790.000 tấn quặng và khoáng sản, thu về hơn 170 triệu USD. Giá quặng và khoáng sản 10 tháng đầu năm 2016 đã giảm chỉ còn 79 USD/tấn so với hơn 215 USD/tấn.
Bối cảnh giá quặng và khoáng sản rẻ như hiện nay, Tổng cục Hải quan khuyến cáo không nên tiếp tục xuất khẩu các loại tài nguyên khoáng sản nói trên, tránh thất thoát tài nguyên và không thu được giá trị cao.
Một mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác cũng bị giảm sút nghiêm trọng là gạo, trong 10 tháng đầu năm, gạo xuất khẩu chỉ đạt 1,8 tỷ USD với kim ngạch hơn 4 triệu tấn, giảm 21% về lượng và 15% về giá trị. So với cùng kỳ năm 2015, lượng gạo xuất khẩu giảm hơn 1,3 triệu tấn và hơn 400 triệu USD.
Mặt hàng gạo xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm 2016 lần lượt sụt giảm so với các mặt hàng xuất khẩu khác, mặt hàng xuất khẩu mới như: rau quả, hạt điều.
Theo Tổng cục Hải quan, việc suy giảm xuất khẩu của nhiều ngành từng đóng góp ngân sách lớn Việt Nam là do tác động của diễn biến kinh tế thế giới và trong nước, các mặt hàng xuất khẩu chịu tác động nhất là dầu thô, than đá và khoáng sản.
Việc nhiều mặt hàng xuất khẩu bị giảm sút giá trị trong các tháng cuối năm càng khiến nỗi lo về thâm hụt cán cân thương mại các tháng gia tăng, kéo giảm xuất siêu và khiến tình trạng thu ngân sách trở lên khó khăn hơn.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến giữa tháng 10, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 736.400 tỷ đồng nhưng tổng chi ngân sách Nhà nước đến 924.800 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước tính đến giữa tháng 10/2016 thâm hụt 188.400 tỷ đồng.
Nguyễn Tuyền / dantri