Hiện tại, thị trường đã có 4 ngân hàng nhập cuộc cắt giảm lãi suất cho vay VND. Theo đánh giá của giới chuyên gia, lãi suất huy động, cho vay sẽ hạ xuống trong thời gian tới và thể hiện rõ nét hơn trong năm 2020.
Ngày 18/11, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định cắt giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng xuống 5%/năm, lãi suất cho vay giảm 0,5% đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Hiện tại, thị trường đã có 4 ngân hàng nhập cuộc cắt giảm lãi suất cho vay VND. Trong đó, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên trong nhóm "big 4" điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với tất các doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực và áp dụng từ ngày 1/11.
Ngay đầu giờ sáng ngày 19/11, BIDV đã chỉ đạo toàn hệ thống nghiêm túc triển khai, đồng thời cài đặt chương trình đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước (trần lãi suất tiền gửi VND không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng tối đa 0,8%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tối đa 5%/năm; Lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối tượng ưu tiên tối đa 6%/năm).
Việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động vốn là cơ sở để BIDV tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 0,2%- 0,5%/năm so với lãi suất hiện hành và duy trì chính sách cho vay đối tượng ưu tiên tối đa 5,5%/năm (thấp so với quy định mới điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước 0,5%/năm) đối với các lĩnh vực ưu tiên thỏa mãn điều kiện cho vay của ngân hàng.
Đồng hành với doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ đầu năm 2019 đến nay, ngân hàng đã liên tục triển khai các chương trình, gói tín dụng ưu đãi với quy mô giải ngân lên đến trên 200.000 tỷ đồng có lãi suất cho vay thấp so với thông thường từ 1% - 3%/năm. Cụ thể, gói tín dụng trung dài hạn phát triển doanh nghiệp bền vững, gói tín dụng ngắn hạn dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, gói tín dụng ngắn hạn cạnh tranh những tháng cuối năm.
Tiếp theo đó, cũng trong ngày 19/11, VietinBank cũng công bố điều chỉnh giảm lãi suất cho vay VND ngắn hạn tối đa từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nhiều "ông lớn" nhập cuộc cắt giảm lãi suất huy động và cho vay VND (ảnh minh họa).
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, Ngân hàng Hàng Hải cũng công bố giảm tới 2% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng doanh nghiệp và chủ hộ kinh doanh, đặc biệt giảm tới 3,6% lãi suất phục vụ mục đích sản xuất, chăn nuôi… nông nghiệp.
Bình luận về động thái cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, tại Hội thảo "Dịch vụ tài chính - ngân hàng: Cơ hội và thách thức", ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Giám đốc Ban kinh doanh vốn và tiền tệ của BIDV cho biết, việc điều chỉnh giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước chắc chắn sẽ tác động đến thị trường.
"Mục đích mà Ngân hàng Nhà nước muốn hướng đến là hạ mặt bằng lãi suất chung của nền kinh tế. Chắc chắn lãi suất huy động và cho vay sẽ hạ xuống trong thời gian tới và thể hiện rõ nét hơn trong năm 2020," ông Quỳnh phân tích.
Theo vị chuyên gia này, về lý thuyết việc cắt giảm lãi suất là giúp chi phí vốn thấp sẽ kích thích doanh nghiệp và các nhà đầu tư tham gia thị trường nhiều hơn, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển tốt hơn.
Đối với thị trường vốn, việc giảm lãi suất sẽ tác động đến các sản phẩm tài chính. Như đối với trái phiếu, đây là các công cụ nợ dài hạn và có lãi suất cố định, khi lãi suất trên thị trường càng giảm thì giá trái phiếu càng tăng.
“Mặc dù lãi suất đang có xu hướng giảm nhưng chúng tôi đánh giá tác động lên tỷ giá không quá lớn do cấu trúc, đặc điểm kinh tế vĩ mô và thị trường của Việt Nam ở thời điểm hiện tại vẫn hỗ trợ cho tăng cung và nguồn cung ngoại tệ vẫn tiếp tục ổn định trong thời gian tới,” ông Quỳnh chia sẻ.
Trái với diễn biến mọi năm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong những ngày đầu quý IV - thời điểm chuẩn bị bước vào mùa cao điểm kinh doanh, bất ngờ dồi dào hơn mong đợi. Hiện tượng thanh khoản dư thừa đã bắt đầu xuất hiện từ nửa cuối tháng 9, thể hiện qua việc Ngân hàng Nhà nước liên tiếp hút ròng tiền trên thị trường.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI cho biết trong tuần cuối tháng 10, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng vẫn rất dồi dào, lãi suất tiếp tục giảm sâu xuống dưới mốc 2% với cả kỳ hạn qua đêm và 1 tuần.
Hay ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất, hãng tin Bloomberg đã đưa tin về động thái này. Theo đánh giá, đây là một trong những biện pháp giúp hỗ trợ sự ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng nói chung với mức lạm phát mục tiêu trong năm 2019 là dưới 4%/năm.
Trên tờ Bloomberg, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách Việt Nam cho biết: Đây có thể là một tín hiệu của việc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa bởi Chính phủ đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn để có bước đệm vững chắc hơn đối mặt với bất kỳ “cơn gió ngược nào” từ sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Điều này chắc chắn sẽ giúp thúc đẩy cho vay đối với các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ông Thành, việc cắt giảm này phải đảm bảo rằng dòng tiền sẽ chảy vào sản xuất, không phải chảy vào các khu vực có rủi ro cao như đầu cơ bất động sản.
Theo An Hạ / Dân trí