Đà tăng trưởng tiếp tục thể hiện hầu hết các thị trường lớn, đặc biệt tại thị trường Mỹ; trong khi đó một số nhóm hàng sang các thị trường tiềm năng như Mexico, Brazil, Colombia, Thái Lan tăng trưởng mạnh...
Thu hoạch cá tra ở An Giang - Ảnh: Nguyễn Huyền
Top 5 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay lần lượt là: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc; trong đó kim ngạch tăng tại 4 thị trường, giảm tại thị trường Trung Quốc do nước này kiểm soát virus corona khá nghiêm ngặt.
Cụ thể, xuất khẩu thủy sản vào thị trường Mỹ đạt 665,82 triệu USD, tăng gần 37% so với cùng kỳ năm ngoái; thị trường Nhật Bản đạt 551 triệu USD, tăng 1,64%; thị trường Trung Quốc đạt 404,73 triệu USD, giảm 5,94%; thị trường EU đạt 389 triệu USD, tăng 17,45%; thị trường Hàn Quốc đạt 294 triệu USD, tăng 4,57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ - thị trường xuất khẩu chủ lực của tôm Việt Nam
Trong 3,27 tỷ USD xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng qua riêng mặt hàng tôm đạt 1,31 tỷ USD, chiếm gần 41% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tổng giá trị xuất khẩu tôm trong 5 tháng đầu năm nay đạt 1,31 tỷ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tôm sang hầu hết các thị trường chính đều trưởng khá tốt, riêng thị trường Trung Quốc giảm 19% so với cùng kỳ năm 2020.
CPTPP vẫn là khối thị trường xuất khẩu hàng đầu của các doanh nghiệp tôm. Trong 5 tháng qua, xuất khẩu tôm sang khối này đạt 383,4 triệu USD, tăng 11,8%, chiếm 28,8% tổng giá trị xuất khẩu tôm. Trong đó, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất khối với tổng giá trị xuất khẩu đạt 230,7 triệu USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu xét trên thị trường đơn lẻ thì Nhật Bản là thị trường xuất khẩu tôm lớn thứ 2 sau Mỹ. Thị trường khác trong khối là Australia tăng trưởng đến 79,2%, đạt hơn 71,8 triệu USD.
Cho tới nay, xét thị trường đơn lẻ Mỹ vẫn là thị trường số 1 của tôm Việt Nam. Xuất khẩu tôm khá ổn định và tăng trưởng tốt tại thị trường này với 294 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam đang là 1 trong 4 nguồn cung tôm lớn nhất cho thị trường Mỹ cùng với Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, và sản phẩm tôm Việt Nam vẫn đang cạnh tranh khá tốt tại Mỹ.
EU vẫn là thị trường xuất khẩu tôm khá ổn định và tăng trưởng tốt, cho dù năm 2020, nhập khẩu tôm của EU không mấy khả quan vì Covid-19 nhưng từ đầu năm nay, nhu cầu tiêu thụ tôm, nhất là tôm chân trắng của nhiều nước khối EU đã tăng trở lại. Nhờ vậy, xuất khẩu tôm sang EU trong 5 tháng qua đạt 201,3 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ. Ngoài ra, xuất khẩu tôm sang một số thị trường như Hàn Quốc; Anh, Đài Loan và Nga cũng tăng trưởng khá tốt.
Nguồn VASEP
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của cá tra Việt Nam
Niềm vui đã thực sự quay lại với xuất khẩu cá tra khi 5 tháng đầu năm nay, ngoài sự tăng trưởng dương của một số thị trường hàng đầu thì xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như Mexico, Brazil, Colombia, Thái Lan tăng trưởng rất mạnh.
Diễn biến trên đưa tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 637,8 triệu USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ, chiếm 19,48% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Với kết quả xuất khẩu ngày càng tích cực, các doanh nghiệp cá tra tại ĐBSCL đang cố gắng vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 vừa ổn định sản xuất đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo VASEP, từ đầu năm ngoái, nhiều nước xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc, trong đó có Việt Nam đã bị ách tắc do nước này tiến hành kiểm nghiệm tất cả sản phẩm thủy sản nhập khẩu, dù tới nay, các doanh nghiệp cá tra Việt Nam đều đang kiểm soát rất tốt dịch Covid-19.
Tuy nhiên, trước động thái mới của Chính phủ Trung Quốc đối với hàng thủy sản nhập khẩu Ấn Độ, VASEP khuyến cáo doanh nghiệp cần thực hiện chặt chẽ, cảnh giác cao độ trong hoạt động phòng chống dịch bệnh để tránh rủi ro đối với hàng cá tra xuất khẩu.
Đến hết tháng 5/2021, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cá tra hàng đầu với tổng giá trị 165,5 triệu USD, tăng 2,1%, chiếm gần 26% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong thời gian này, hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn tương đối ổn định.
Trong 5 tháng qua xuất khẩu cá tra sang Mỹ - thị trường lớn thứ 2 đạt 134,2 triệu USD, tăng 55,3% so với cùng kỳ năm trước. Hai tháng vừa qua, xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ liên tục tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, tháng 4, tăng 136%, đạt 30,3 triệu USD và tháng 5 tăng 173,4%, đạt 32,2 triệu USD.
Nguồn VASEP
Nhật Bản - thị trường trọng điểm của hải sản Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Hải quan, giá trị xuất khẩu hải sản tiếp tục tăng trưởng tốt trong 5 tháng đầu năm nay và đạt hơn 1,32 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ, chiếm 40,36% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Trong đó, xuất khẩu cá ngừ tiếp tục đà tăng trưởng tốt trong tháng 5, tăng 48% so với cùng kỳ, đạt 66 triệu USD. Cộng dồn 5 tháng, xuất khẩu cá ngừ đạt gần 292 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, xuất khẩu các mặt hàng nhuyễn thể tăng mạnh nhất. Cụ thể, xuất khẩu nhóm mực, bạch tuộc đạt 216 triệu USD, tăng 13%; nhuyễn thể hai mảnh vỏ đạt 48 triệu USD tăng 44%.
Nếu không tính cá ngừ, 5 thị trường nhập khẩu nhiều nhất hải sản gồm: Khối CPTPP chiếm 26%, Hàn Quốc chiếm 11%, Mỹ chiếm 8%, Trung Quốc chiếm 7% và EU chiếm 5%.
So với cùng kỳ năm ngoái xuất khẩu hải sản sang 5 thị trường này đều tăng so với cùng kỳ, khối CPTPP tăng 7%, Hàn Quốc tăng 6%, Mỹ tăng 55%, Trung Quốc tăng 2% và EU tăng 31%.
Trong khối CPTPP, Nhật Bản là thị trường lớn nhất, đồng thời là thị trường đơn lẻ nhập khẩu hải sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 20% tổng giá trị xuất khẩu hải sản, đạt 298 triệu USD.
Hàn Quốc, thị trường đơn lẻ đứng thứ 2 về nhập khẩu hải sản và lớn nhất về nhập khẩu mực bạch tuộc. Giá trị xuất khẩu hải sản sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 157 triệu USD. Tuy nhiên, xuất khẩu hải sản sang Hàn Quốc đang có xu hướng chậm lại.
Mỹ với giá trị nhập khẩu hải sản đạt hơn 113 triệu USD, đứng sau Hàn Quốc trong bảng xếp hạng các thị trường xuất khẩu hải sản lớn của Việt Nam. Đáng chú ý, xuất khẩu mực, bạch tuộc vào thị trường này tăng trưởng ở mức cao. Riêng tháng 5, xuất khẩu mực bạch tuộc sang Mỹ tăng với tốc độ “phi mã” 538% so với cùng kỳ.
Nguồn VASEP