Dù thương mại song phương tăng mạnh, nhưng Đại sứ Nga tại Việt Nam vẫn bày tỏ sự “đáng tiếc” khi vẫn còn những tồn tại và phức tạp trong thực hiện Hiệp định.
Các đại sứ thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu và đại diện Bộ Công thương tại buổi họp báo. Ảnh: Minh Tuấn |
Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu (gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kirgizia và Nga) và Việt Nam chính thức có hiệu lực pháp lý ngày 5/10/2016. Trong vòng 1 năm qua, thương mại giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Việt Nam đã tăng trưởng mạnh nhờ một loạt hàng rào thuế quan được loại bỏ.
Hiệp định là chất xúc tác mạnh cho tăng trưởng thương mại
Tại buổi họp báo nhân dịp kỷ niệm một năm ngày hiệp định này có hiệu lực, Đại sứ Nga tại Việt Nam K.V.Vnukov cho biết trong 7 tháng đầu sau khi Hiệp định bắt đầu có hiệu lực, kim ngạch hàng hóa giữa EAEU và Việt Nam đã tăng 28%. Cụ thể, xuất khẩu gia tăng 22,4 % và nhập khẩu tăng 41%.
Việc miễn và giảm thuế nhập khẩu đã tạo điều kiện cho việc tăng cường xuất khẩu lúa mỳ, ngô, phân bón, các loại kim loại khác nhau từ các nước trong EAEU sang Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam gia tăng xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của mình như điện thoại di động và phụ kiện, giày dép, các sản phẩm dệt kim, cao su, cá và hải sản vào Liên minh, Đại sứ Nga nhấn mạnh.
Trưởng đại diện thương mại Nga tại Việt Nam V.N. Kharinov cho biết, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 28 của Nga và là thứ hai trong số các nước thành viên ASEAN.
Năm 2016, kim ngạch thương mại Nga-Việt đạt 3,8 tỷ USD. Theo số liệu thống kê của Nga, trong 7 tháng đầu năm 2017, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng gần 20% và đạt gần 2,5 tỷ USD.
Đại sứ Kazakhstan Beketzhan Zhumakhanov cho biết, Kazakhstan là nước trong khối EAEU có thương mại tăng trưởng mạnh nhất với Việt Nam, tăng hơn hai lần tính từ tháng 10/2016 tới tháng 7/2017.
Kim ngạch hàng hoá song phương giữa Kazakhstan và đã đạt 364,7 triệu USD trong 8 tháng đầu năm nay, gần như bằng kim ngạch hàng hoá của cả năm 2016 là 366,2 triệu USD.
Đại sứ Cộng hòa Belarus Goshin V.A dẫn số liệu của Ủy ban Kinh tế Á-Âu cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch thương mại giữa EAEU và Việt Nam đã tăng 23%, trong đó xuất khẩu từ các quốc gia Liên minh tăng 11%, còn xuất khẩu của Việt Nam tăng 29%.
Đại sứ lưu ý rằng, nếu tính về giá trị hàng hóa thì xuất khẩu của Việt Nam lớn gấp 2 lần so với xuất khẩu của 5 nước thành viên Liên minh.
Phân tích kim ngạch buôn bán giữa Belarus và Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay, Đại sứ Belarus đã chỉ ra rằng, khối lượng hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu khá cân bằng và đều đạt khoảng 37 triệu USD cho cả hai bên. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm thương mại giữa hai nước đạt tình trạng cân bằng. Trước đó, Belarus luôn xuất siêu sang thị trường Việt Nam.
“Các doanh nghiệp Việt Nam tích cực hơn trong việc tận dụng các cơ hội thương mại ưu đãi mà Hiệp định mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu”, Đại sứ Belarus nhấn mạnh.
Những điều “đáng tiếc” của Đại sứ Nga
Tại buổi họp báo, đại sứ các nước thuộc Liên minh đều bày tỏ thương mại giữa EAEU và Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Trong thời hạn hiệu lực của Hiệp định, EAEU đã hủy bỏ thuế quan nhập khẩu cho 43% tổng số hàng hóa của của Việt Nam. Trong 10 năm tiếp theo, số lượng hàng hóa nhập khẩu miễn thuế của Việt Nam sang thị trường EAEU sẽ tiếp tục tăng lên và chiếm 90% các danh mục Biểu thuế thống nhất của Liên minh Kinh tế Á-Âu (UCT EAEU).
Để đẩy mạnh giao thương, Đại sứ quán Kazakhstan đã đề xuất với Bộ Giao thông vận tải Việt Nam khả năng vận chuyển hàng hoá quá cảnh từ Việt Nam sang các nước EAEU và ngược lại bằng 2 cách: (i) bằng container thông qua các ga giáp biên giới Việt Nam-Trung Quốc, và (ii) vận chuyển hàng hóa từ các cảng biển Việt Nam tới cảng biển Liên Vân Cảng (Trung Quốc), và trung chuyển sang container và vận chuyển qua Trung Quốc tới Kazakhstan và các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu.
Về phần mình, Đại sứ Nga K.V.Vnukov bày tỏ sự “đáng tiếc” khi vẫn còn những tồn tại và phức tạp trong thực hiện Hiệp định.
Thứ nhất, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Nga tăng trưởng mạnh, nhưng kim ngạch xuất khẩu từ Nga sang Việt Nam không có nhiều thay đổi. Theo đó, Nga muốn tăng xuất khẩu các hàng hóa công nghiệp (thiết bị năng lượng, phương tiện vận tải, thiết bị kỹ thuật hàng không dân dụng); lương thực thực phẩm (ngũ cốc, sản phẩm thịt và phủ tạng, sản phẩm từ cá, sữa); và nguyên liệu và bán thành phẩm (dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ, than, kim loại, phân bón).
Thứ hai, vị đại sứ cũng than phiền về những phức tạp trong việc xin cấp giấy chứng chỉ về thú y để xuất khẩu thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm và phủ tạng các động vật này của Nga vào Việt Nam.
Minh Tuấn / BizLIVE