Với những cam kết và đàm phán TPP giữa Việt Nam và Mỹ, tiền thuế mà Việt Nam có thể tiết kiệm được tiềm năng tối đa khoảng 4 tỷ USD từ hai ngành dệt may và da giày.
Ảnh minh họa |
Tại Hội thảo "Quan hệ Việt - Mỹ 20 năm và tiếp theo với Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)" diễn ra tại TP.HCM, theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, nhìn vào cơ cấu xuất nhập khẩu hiện tại giữa Việt Nam và Mỹ, một số ngành của Việt Nam gặp một số rào cản tương đối cao tại Hoa Kỳ, trong đó thước đo chính là số tiền thuế mà hàng hóa Việt Nam phải nộp. Ngành phải đóng thuế lớn nhất chính là ngành dệt may, tiếp đến là da giày.
Với những cam kết và đàm phán TPP giữa Việt Nam và Mỹ tiền thuế mà Việt Nam có thể tiết kiệm được tiềm năng tối đa khoảng 4 tỷ USD từ hai ngành dệt may và da giày. Tuy nhiên, trên thực tế còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề khác như: đầu tư, nguồn nhân lực, chất lượng sản phẩm… của hai ngành này.
Ngoài ra, khi ký kết các hiệp định thương mại tự do khó có thể tiên liệu được hết những tác động có thể xảy ra. Chẳng hạn, khi Việt Nam và Mỹ ký kết hiệp định thương mại tự do song phương (FTA), lúc đó những ngành như cá da trơn, đồ gỗ chưa xuất khẩu vào Mỹ đã có những cơ hội từ FTA này và trở thành những mặt hàng xuất khẩu rất lớn sang thị trường Mỹ.
Với TPP, hy vọng nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vươn lên tận dụng những cơ hội của hiệp định đem lại tại 12 thị trường thuộc khối này, trong đó kỳ vọng lớn là thị trường Nhật Bản và Canada.
Một trong những vấn đề đặt ra trong TPP là nguyên tắc xuất xứ của hàng hóa. Nhiều ngành có quy tắc xuất xứ rất chặt chẽ như dệt may, ô tô. Tức là một nước phải sản xuất phần đáng kể nguyên liệu ở trong nước hoặc lấy nguồn nguyên liệu từ 11 nước còn lại trong TPP mới được hưởng ưu đãi.
Một mặt đó là thách thức vì rất khó đáp ứng, nhưng nếu thỏa mãn được điều kiện này thì ưu đãi có được cũng là một động lực để giúp thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, thúc đẩy phát triển những ngành sản xuất chính.
Một số doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thuộc ngành dệt may đã có những bước chuẩn bị đầu tư để đón cơ hội khi TPP có hiệu lực.
Với ngành ô tô, ngoài thuế còn nhiều vấn đề khác như: quy mô kinh tế của nước đó, tiêu chuẩn kỹ thuật, vốn đầu tư, trình độ công nhân… là điều kiện rất quan trọng phải đáp ứng.
Do đó, TPP tạo ra cơ hội nhưng không phải là tất cả, nó là một trong những nhân tố góp phần thúc đẩy các ngành liên quan phát triển.
Thông qua ký kết các hiệp định thương mại tự do đã có những nước đã tận dụng được cơ hội. Chẳng hạn, Mexico tham gia hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NASTA), khi đó Mexico không có ngành ô tô, sau đó với việc thực hiện NASTA Mexico đã phát triển và trở thành nhà sản xuất ô tô lớn đứng thứ 4 thế giới.
Việt Nam muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô đòi hỏi phải nỗ lực rất nhiều như: quy mô kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư sản xuất… Kỳ vọng với TPP, Việt Nam sẽ thoát khỏi việc gia công sản phẩm đơn giản, phát triển được ngành công nghiệp sản xuất ô tô…
Do TPP có một thị trường rộng lớn chiếm tới 40% GDP toàn cầu, đây cũng là cơ sở tạo điều kiện phát triển một số ngành hiện nay tại Việt Nam do chưa có đủ quy mô kinh tế để phát triển.
(LINH LAN-BizLIVE)