Đứng một chỗ, bật ứng dụng trong điện thoại lên, khách đặt xe thì đến chở đi. Công việc đơn giản như vậy và một ngày mỗi tài xế GrabBike có thể kiếm được vài trăm nghìn đồng. Thế nhưng, đằng sau những đồng tiền tưởng như kiếm rất dễ ấy là những toan lo, nhọc nhằn, vất vả, thậm chí cả sự hiểm nguy đối với những người tài xế.
Ảnh minh họa.
Việc cũ… nghề mới!
Một ngày làm việc của Đào Văn Dũng (Mễ Trì Thượng, Nam Từ Liêm) thường bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc vào lúc nửa đêm. Dũng tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội đã một năm nhưng chưa xin được việc làm. Được một người bạn giới thiệu, Dũng đăng ký và trở thành tài xế GrabBike. "Công việc không quá vất vả mà thu nhập cũng ổn, trừ chi phí xăng xe, điện thoại và tiền phí, một ngày kiếm được 200 - 300 nghìn đồng", Dũng cho biết.
Dũng chỉ là một trong số hàng trăm tài xế GrabBike đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội hiện nay. Đây là một loại hình dịch vụ gọi - nhận xe ôm thông qua ứng dụng Grab cài đặt trên điện thoại thông minh. Để trở thành một tài xế GrabBike, ứng viên cần có xe máy và điện thoại thông minh (smartphone) sử dụng phần mềm Android tích hợp 3G và GPS cùng một số loại giấy tờ cần thiết để làm hồ sơ. Sau khi làm xong thủ tục đăng ký, công ty sẽ hỗ trợ mũ bảo hiểm, áo mưa, khẩu trang, lót mũ… và tài xế có thể bắt đầu "hành nghề".
Vì thủ tục đơn giản, nhanh chóng và không đòi hỏi khắt khe về điều kiện nên hầu như những người có xe máy và smartphone đều có thể trở thành tài xế GrabBike. Và sự thực, tài xế GrabBike hiện nay tại Hà Nội thuộc đủ mọi thành phần từ sinh viên, lao động phổ thông, đến nhân viên công sở…
Với giá cước rẻ (3.500 đồng/km), lại biết đầy đủ thông tin về tài xế chở mình (tên, hình ảnh nhận diện, biển số xe, số điện thoại) nên khách hàng sử dụng dịch vụ xe ôm Grab có thể yên tâm về sự an toàn. Cũng vì thế, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ xe ôm GrabBike ngày càng tăng. Trung bình một ngày, tài xế chạy tranh thủ thời gian rảnh rỗi cũng được 3-4 cuốc xe, còn nếu chạy chuyên nghiệp có thể từ 20 đến 30 cuốc. Dù cước phí rẻ nhưng với số lượng cuốc xe nhiều, cộng thêm các khoản thưởng doanh số theo ngày, tuần, tháng nên thu nhập của các tài xế có thể đạt tới 10 triệu đồng/tháng. So với mức thu nhập trung bình của xã hội hiện tại, đó cũng là một con số đáng mơ ước của nhiều người, nhất là lao động phổ thông.
Đồng tiền mặn đắng
Sự phát triển của dịch vụ GrabBike, một cách tất yếu, đã phá vỡ tính chất hoạt động của dịch vụ xe ôm truyền thống. Nếu như trước đây, muốn làm xe ôm phải "mua địa bàn" để có chỗ đứng bắt khách thì giờ đây với một chiếc smartphone, tính chất địa bàn đã không còn tồn tại. Tài xế GrabBike có thể ngồi tại nhà, tại quán nước vẫn tìm được khách đi xe. Vì thế, có không ít lần giữa tài xế GrabBike và cánh xe ôm truyền thống nảy sinh xung đột, dẫn đến ẩu đả, nhất là ở những nơi tập trung đông người qua lại như bến xe khách, trạm trung chuyển xe buýt, khu đô thị, ngã tư lớn…
Tình trạng này diễn ra nhức nhối tại một số thành phố lớn, điển hình như TP Hồ Chí Minh khiến lực lượng công an phải vào cuộc. Ở Hà Nội có ít hơn nhưng cũng không phải hiếm. Nguyễn Văn Hùng (32 tuổi) chạy GrabBike ở khu đô thị Royal City (Ngã Tư Sở, quận Thanh Xuân) cho biết, anh đã từng bị cánh xe ôm truyền thống vây đánh bằng mũ bảo hiểm vì "dám" đón khách ở địa bàn của họ. Lần đấy Hùng phải bỏ cả xe để chạy rồi nhờ người vào can thiệp, nhưng vì miếng cơm manh áo vẫn phải quay lại, chấp nhận "cạnh tranh" để mưu sinh. Những người không có "máu đánh đấm" như Hùng thì thường phải đứng xa địa bàn của cánh xe ôm truyền thống, hoặc tấp vào quán nước ngồi, hoặc chạy lòng vòng trên phố. Khi nào tụ tập được nhiều người, cánh tài xế GrabBike mới cùng nhau vào bến xe "đông anh em thì bọn kia mới không dám đánh", Hùng bảo.
Kiếm được đồng tiền không ít nhọc nhằn, bởi có không ít khách hàng "trời ơi đất hỡi". Nguyễn Duy Mạnh (sinh viên năm thứ ba, Đại học Công nghệ Giao thông vận tải) vẫn ấm ức bởi mấy lần bị khách quỵt tiền. "Chở khách đến nơi rồi, họ bảo chờ một chút vào nhà lấy đồ rồi đi tiếp, nhưng chờ mãi chẳng thấy ra, gọi điện lại thì tắt máy, lúc ấy mới biết là bị xù tiền".
Ngại hơn cả là chở phải con nghiện, đã không những không trả tiền cước, chúng còn quay sang dọa dẫm để vòi tiền ngược lại. Gặp những trường hợp ấy, chỉ có cách quay đầu bỏ đi, than thở mình đen đủi, nhất là khi chúng lại lăm lăm mũi kim tiêm. Tài xế nữ còn có nhiều câu chuyện đáng buồn hơn, nhất là khi chạy xe vào buổi tối. Chở phải những khách hàng say xỉn, họ thường buông lời chọc ghẹo hoặc có những hành vi sàm sỡ. Những lúc ấy, đã trót nhận cuốc xe rồi, không hủy được nên đành bấm bụng chở cho xong, vừa đi vừa nơm nớp lo lắng…
Những kinh nghiệm không giống ai
Đa phần tài xế GrabBikie không phải là xe ôm chuyên nghiệp, vì thế không phải ai cũng có kinh nghiệm xử lý tình huống với khách hàng. Trần Văn Quân (Nam Trung Yên, Cầu Giấy), một tài xế GrabBike có kinh nghiệm 2 năm chạy xe nói: "Chạy Grab cũng như chạy xe ôm truyền thống, cái đầu tiên là phải biết nhìn khách hàng, khách nào đi được, khách nào không. Nếu nhìn qua mà thấy khách bộ dạng hung tợn hoặc dặt dẹo thì nên từ chối vì nhiều khả năng là dân giang hồ hoặc nghiện hút, đặc biệt vào ban đêm. Nếu chở phải con nghiện thì đừng cuống cuồng hay sợ hãi, nên tỏ thái độ giang hồ với chúng, bởi nếu không, người thiệt chính là mình. Chạy GrabBike giá cước rất rẻ, vì thế khách thường hay cho tiền tip, nhưng cũng phải biết nhìn khách để biết có rộng rãi hay không. Nếu là khách rộng rãi thì nên trò chuyện để tăng thiện cảm, nhất là với dân văn phòng, công sở. Còn với học sinh, sinh viên, người đi chợ… thì thường không có tip".
Quân chỉ tay vào đôi gương xe: "Cái gương này không phải để nhìn đường mà là để nhìn khách. Luôn nhìn mặt khách khi chạy xe để đề phòng, bảo đảm an toàn cho mình. Chạy xe buổi tối, không nên chở khách vào những khu tập thể nhiều ngõ ngách, vì những kẻ quỵt tiền xe, chỉ thoáng một cái là đã biến mất sau những cái ngách nhỏ tí và tối om. Cũng không nên chở khách đi về những vùng hoang vắng, tối tăm, ít người qua lại, vì nếu xảy ra sự cố sẽ không có ai giúp đỡ. Đặc biệt hạn chế chở khách chạy ra ngoại thành vào ban đêm".
Mở điện thoại ra, Quân xòe ra một seris con số đánh dấu x, Quân nói đấy là những khách hàng cực kỳ khó tính, chở một lần là cạch đến già. Người chạy xe, nên loại trừ những khách hàng ấy ra để tránh phiền toái cho mình.
Giơ cái điện thoại lên, Quân nói thêm: Đây là "em" điện thoại thứ hai tính từ ngày chạy GrabBike. Cái đầu tiên đã mất chỉ sau một tuần chạy xe, vì bị khách lừa lấy. "Không bao giờ cho khách mượn điện thoại của mình, đấy là nguyên tắc số 1 của nghề xe ôm GrabBike, mất nhanh lắm!".
Theo Báo Hà Nội Mới