Có thể nói, với mức tăng trưởng 16-18%/năm trong 5 năm trở lại đây, ngành nhựa chỉ đứng sau viễn thông và dệt may với nhiều điểm sáng.
Ảnh minh họa
Trong hơn 38 năm hoạt động, Nhựa Bình Minh vẫn chiếm phần lớn thị trường ống nhựa Việt Nam với hàng nghìn điểm phân phối; hiện sở hữu hơn 200.000m² nhà xưởng của 4 nhà máy tại Hưng Yên, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Long An.
Nhựa An Phát là một trong những nhà sản xuất bao bì màng mỏng lớn nhất Đông Nam Á. Phần lớn doanh thu của An Phát đến từ xuất khẩu sản phẩm sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU... Hoặc, Nhựa Đại Đồng Tiến cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu, hướng tới mục tiêu xuất khẩu chiếm 40% tổng doanh thu...
Thế nhưng, thị trường nhiều tiềm năng, sức hấp dẫn về tăng trưởng, những cơ hội từ các FTA, đặc biệt với TPP- một hiệp định mà ngành nhựa được hưởng lợi vì sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào Hoa Kỳ, Nhật Bản- lại khiến các doanh nghiệp (DN) nhựa Việt Nam luôn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các đại gia Thái Lan.
Nhìn ngược thời gian gần đây, rất dễ nhận ra con đường thâm nhập sâu ngành nhựa Việt Nam bằng các thương vụ M&A của Tập đoàn Siam (SCG- Thái Lan).
Thông qua các công ty con, SCG đã mua 20,4% cổ phần của Nhựa Bình Minh và 23,84% cổ phần của Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong - hai DN nhựa lớn đang chiếm 50% thị trường ống nhựa xây dựng Việt Nam; mua 80% cổ phần Bao bì nhựa Tín Thành - 1 trong 5 DN sản xuất bao bì lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, SCG hiện sở hữu nhiều cổ phần tại 18 DN nhựa khác như: Liên doanh Việt- Thái Plastchem, TPC Vina, Chemtech, Minh Thái, Kraft Vina, Tân Á, Alcamax, Packamex...
Một “tên tuổi” khác của Thái Lan là Srithai Superware PLC đang “nổi” trên sân chơi FDI tại Việt Nam sau 19 năm đầu tư vào ngành nhựa, hiện có trong tay 3 nhà máy ở khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương), đang “Bắc tiến” mở thêm các nhà máy.
Đó là chưa kể nhiều “ông lớn” nhựa Hàn Quốc, Trung Quốc đang nhòm ngó, đưa các DN nhựa Việt Nam vào tầm ngắm thâu tóm.
Mạnh về tiềm lực tài chính là điều kiện tiên quyết để các nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập, chiếm lĩnh thị trường nhựa Việt Nam. Trước sức ép quá lớn như vậy, một câu hỏi được đặt ra: DN nhựa Việt Nam phải làm gì để không bị thâu tóm, thương hiệu nhựa Việt Nam không bị mất dần? Rất khó trả lời.
Cần phải nhìn nhận một thực tế, những DN nhựa lớn “100% Việt” còn quá ít ỏi. Vẫn biết, để cạnh tranh, để không bị thâu tóm, DN phải tự lớn lên, nhưng một khi DN không lớn nổi, phải chăng bán đi vẫn hơn là... chết?