Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra những bộ ngành, địa phương ‘kéo tụt’ mục tiêu giải ngân vốn ODA năm 2016.
Chiều 18/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, chủ trì hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Giải ngân vốn ODA thấp
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tập trung tối đa giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch đã đặt ra cho năm 2016. Trong giai đoạn 2017-2020, Việt Nam đã vận động được trên 22 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA trong 9 tháng năm 2016 còn thấp.
Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã ký 35 hiệp định với tổng trị giá vốn ODA đạt hơn 4,9 tỷ USD, tăng 1,8 lần so cùng kỳ năm 2015. Mặc dù có chuyển biến tích cực thời gian qua, song công tác giải ngân vẫn chưa có “đột phá lớn”. Tổng giá trị giải ngân các nguồn vốn này mới đạt 2,69 tỷ USD trong 9 tháng qua, chỉ bằng 81,4% so cùng kỳ năm 2015.
Theo ông Nguyễn Thế Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức giải ngân vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) và các vốn vay ưu đãi khác trong 9 tháng đầu năm 2016 không đồng đều giữa các bộ, ngành và địa phương. Trong đó, đáng chú ý nhiều nơi, giải ngân số vốn được phê duyệt rất thấp, không đạt yêu cầu đề ra, làm chậm phát triển và hoàn chỉnh quy hoạch ngành, địa phương.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thừa Thiên Huế, Đắk Nông, Tây Ninh, Bình Định… là những bộ ngành, địa phương ‘kéo tụt’ mục tiêu giải ngân năm 2016.
Đáng nói, trong đó có nhiều dự án đầu tư có ảnh hưởng đến phát triển khu vực, liên vùng và phát triển của tỉnh nhưng chậm được triển khai giải ngân, ảnh hưởng đến phát triển như: Dự án tăng cường hệ thống dự báo thời tiết, cảnh báo sớm thuộc dự án Quản lý thiên tai do WB tài trợ; Dự án Quản lý tổng hợp tài nguyên nước sông Mê Kông WB tài trợ; Tăng cường hệ thống dự báo, cảnh báo lũ lụt tại Việt Nam do Italia tài trợ; Xử lý chất thải tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) do chính phủ Đức tài trợ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân của giải ngân chậm là do một số dự án giao vốn chưa sát với khả năng thực hiện, do thiếu vốn đối ứng, do giải phóng mặt bằng, do có sự khác biệt về quy trình thủ tục trong quản lý hành chính và đấu thầu giữa Việt Nam và nhà tài trợ, do chất lượng báo cáo nghiên cứu khả thi của một số dự án không đáp ứng được yêu cầu…
“Trong khi đó, các đơn vị lại chưa thực sự quan tâm đến cơ chế giao kế hoạch mới nên kế hoạch dự kiến vốn không sát với thực tế. Trên thực tế, việc xác định kế hoạch cũng rất khó do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác như tiến độ giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp vốn của nhà tài trợ, năng lực quản lý của chủ đầu tư và năng lực nhà thầu” – đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải thêm.
Về phía đại diện ADB đánh giá yếu tố giải phóng mặt bằng là một khâu quan trọng ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân dự án. Ông Rustam Ishenaliev, Trưởng phòng quản lý dự án Văn phòng ADB tại Việt Nam ví dụ: “Dự án tàu điện ngầm ở Hà Nội và Sài Gòn cần giải quyết giải phóng mặt bằng trước khi thực hiện dự án. Chậm tiến độ làm các dự án tốn chi phí hơn. Các dự án thường mất tối thiểu 2 năm, việc chậm khởi động dẫn đến việc kéo dài thời gian cho vay và chậm giải ngân”.
Trên thực tế, số vốn ODA và vốn vay ưu đãi (cấp giữa liên chính phủ với nhau) phần lớn là các khoản vay có lãi suất và có thời gian nhất định để giải ngân. Chính phủ giao khoán cho các cơ quan để thống nhất giải ngân các dự án nằm trong kế hoạch vay. Do đó, việc chậm giải ngân không chỉ khiến nguồn vốn này tăng lãi suất trả nợ, trong khi số vốn nằm bất động, mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn và đặc biệt là ảnh hưởng đến kế hoạch và chiến lược phát triển.
Tăng cường tính “sẵn sàng” của các dự án ODA
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lưu ý kinh nghiệm của một số nước như Ấn Độ trong việc chuẩn bị tính sẵn sàng của dự án, nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng, để khi hiệp định được ký kết, có thể bắt tay vào thực hiện ngay.
Các Bộ, ngành, địa phương chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án, nhất là cải thiện chất lượng thiết kế dự án để rút ngắn tối đa thời gian thực hiện và giảm thiểu các chi phí do phải điều chỉnh, bổ sung thiết kế; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan và nhà tài trợ tổ chức thường xuyên các cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện, xác định và kịp thời xử lý các vướng mắc nảy sinh.
Tăng cường công tác xây dựng, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch trung hạn và hàng năm vốn ODA, vốn vay ưu đãi, và vốn đối ứng; kịp thời có giải pháp xử lý trong trường hợp số vốn giải ngân vượt kế hoạch giao; duy trì tốt chế độ báo cáo theo quy định, thường xuyên cập nhật trực tuyến Hệ thống thông tin giám sát và đánh giá đầu tư của Bộ KHĐT về tình hình thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các nhà tài trợ xây dựng và đưa vào vận hành trong năm 2016 cơ chế phối hợp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan của Việt Nam và các nhà tài trợ trong xây dựng kế hoạch, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch; trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh bố sung kế hoạch sát với thực tiễn thực hiện các dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bên liên quan và các nhà tài trợ, đặc biệt là nhóm 6 ngân hàng phát triển xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tăng cường năng lực các ban quản lý dự án theo hướng chuyên nghiệp và bền vững.
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu trình Chính phủ phương án tái cấu trúc nợ công để vừa bảo đảm an toàn nợ công đồng thời đáp ứng tốt chủ trương huy động tối đa nguồn vốn vốn ODA và vốn ưu đãi.
Năm 2016, hoàn thiện dự thảo Nghị định cho chính quyền địa phương vay lại vốn ODA và vốn ưu đãi theo nguyên tắc việc sử dụng vốn vốn ODA và vốn ưu đãi phù hợp với định hướng và lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành trong năm 2016 hướng dẫn về quy trình giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn ưu đãi.
Bộ Xây dựng sớm hoàn tất sửa đổi Nghị định 59 năm 2015 về quản lý đầu tư xây dựng theo hướng đơn giải hóa quy trình, thủ tục, tăng cường phân cấp trong công tác phê duyệt dự toán và thiết kế chi tiết các dự án đầu tư xây dựng.
Linh Nga / DĐDN