Bỏ chế độ biên chế suốt đời với viên chức, tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng, có thẻ căn cước được làm hộ chiếu ở nơi thuận lợi nhất… là những chính sách có hiệu lực trong tháng 7.
Bỏ chế độ biên chế suốt đời với viên chức từ 1/7
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực từ ngày 1/7. Theo đó, chính thức bỏ chế độ biên chế suốt đời đối với viên chức.
Theo quy định mới, hợp đồng không xác định thời hạn hay thường gọi là chế độ biên chế suốt đời chỉ còn được áp dụng với 3 trường hợp: Thứ nhất, viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020; Thứ hai, cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; Thứ ba, người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân lên 11 triệu đồng/tháng
Nghị quyết 954 điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ ngày 1/7 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.
Theo Nghị quyết, mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân được điều chỉnh như sau: Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (tương đương 132 triệu đồng/năm); Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Nghị quyết 954 điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuê thu nhập cá nhân có hiệu lực từ 1/7
Nhiều quy định mới với trình độ giáo viên
Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực từ 1/7, yêu cầu hầu hết các giáo viên ở các cấp học đều phải nâng chuẩn trình độ. Việc nâng chuẩn trình độ đối với những giáo viên nêu trên sẽ được thực hiện theo lộ trình cụ thể.
Theo quy định mới, giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên; Giảng viên đại học tối thiểu phải có bằng thạc sĩ.
3 trường hợp được điều chỉnh biên chế công chức
Nghị định 62 về vị trí việc làm và biên chế công chức sẽ có hiệu lực từ ngày 20/7. Quy định này sẽ điều chỉnh biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức chỉ được xem xét trong 3 trường hợp.
Cụ thể, cơ quan, tổ chức thay đổi vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng vị trí việc làm; thực tế việc sử dụng biên chế công chức được giao; Thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan, tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; Thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện.
Có thẻ căn cước được làm hộ chiếu nơi thuận lợi nhất
Khoản 3 Điều 15 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/7. Quy định này nêu rõ, người có thẻ Căn cước công dân đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thuận lợi.
Theo quy định mới này, từ ngày 1/7, người có thẻ Căn cước công dân đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu được lựa chọn nơi cấp hộ chiếu sao cho thuận lợi, thay vì phải thực hiện ở nơi thường trú hoặc nơi tạm trú như hiện nay.
Quân nhân dự bị trong thời bình cao nhất lên đến 45 tuổi
Luật Lực lượng dự bị động viên chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7, thay thế Pháp lệnh Lực lượng Dự bị động viên năm 1996. Luật này quy định cụ thể về độ tuổi của quân nhân dự bị trong thời bình.
Theo đó, độ tuổi quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên như sau: Đối với đơn vị chiến đấu, nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi; hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 35 tuổi; Đối với đơn vị bảo đảm chiến đấu, nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị không quá 45 tuổi.
Giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực từ ngày 1/7 với nhiều điểm mới. Theo đó, với thành phố trực thuộc trung ương có từ 1 triệu dân trở xuống thì hội đồng nhân dân được bầu 50 đại biểu; có trên 1 triệu dân thì có không quá 85 đại biểu. Với quận có từ 100.000 dân trở xuống thì hội đồng dân nhân được bầu 20 đại biểu; có trên 100.000 dân thì được bầu tối đa 45 đại biểu.