Báo cáo mới nhất từ JLL cho thấy, tổng nguồn cung căn hộ tại TP.HCM hiện nay có khoảng 80.000 căn. Trong đó, phân khúc căn hộ bình dân, trung cấp và cao cấp chiếm tỷ lệ lần lượt là 43%, 42% và 15%. Trong vòng ba năm tới, nguồn cung căn hộ được dự đoán sẽ tăng đến 74%.
Nguồn cung nhà ở được dự đoán sẽ tăng 74% trong vòng ba năm tới
Những con số bán hàng ấn tượng
Nguồn cung dồi dào hiện tại trên thị trường là kết quả của những con số bán hàng ấn tượng trong năm 2015 và nửa đầu năm 2016, đạt lần lượt 24.000 căn và 16.800 căn, cao hơn 250% lượng căn hộ được bán trong giai đoạn 2011-2014. Năm 2011-2014, phân khúc căn hộ cao cấp và sang trọng chỉ chiếm 10% trên tổng số căn hộ được bán, nhưng con số này đã tăng lên 27% vào năm 2015 và 44% trong nửa đầu năm 2016.
JLL cho rằng giá bán căn hộ sẽ tăng từ 5-7% mỗi năm trong vòng ba năm tới được hỗ trợ bởi nhu cầu thị trường tăng cao cũng như mức giá hợp lý. Giá bán tại các phân khúc căn hộ bình dân và trung cấp được dự đoán sẽ tăng đến 10% mỗi năm. Tuy nguồn cung nhà ở được dự đoán sẽ tăng 74% trong vòng ba năm tới và thị trường vẫn sẽ đủ sức hấp thụ lượng cung này.
Doanh số bán căn hộ qua các năm tại TP.HCM
Hiện tại nguồn cung phân khúc căn hộ cao cấp và sang trọng hiện đang khá cao, đặc biệt là sau khi các dự án được hoàn thành.
Mặc dù doanh số bán hàng trong năm 2015 và sáu tháng đầu năm 2016 rất cao nhưng giá bán phân khúc căn hộ cao cấp chỉ tăng 9% trong sáu quý vừa qua. Đây là khoảng giá mà các chủ đầu tư đã luôn cân nhắc để tạo sức cạnh tranh so với đối thủ. Tỷ lệ bán hàng đạt khá cao ở mức 60-70% trong năm 2015 và sáu tháng đầu năm 2016, so với 30% trong giai đoạn 2010-2014.
Ngược lại, giá bán đã tăng 106% trong giai đoạn 2005-2007 khi dòng vốn từ nước ngoài đổ vào Việt Nam tăng mạnh, với niềm tin nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản sẽ hồi phục mạnh mẽ.
Liệu thị trường nhà ở có hình thành bong bóng?
Một số chủ đầu tư đều nhận thức được thời kỳ bong bóng của thị trường chứng khoán và bất động sản vào năm 2008. Tuy nhiên, tình hình hiện tại của thị trường không thực sự “nóng” bằng thời điểm những năm 2007-2008.
Theo JLL, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam năm 2014 và 2015 đều ổn định so với giai đoạn 2010-2013 và hầu hết dòng vốn đều đã được triển khai vào các dự án. Trái lại, lượng vốn đầu tư vào Việt Nam trong năm 2007 lên đến gấp ba lần năm 2005, và trong năm 2008 lại thêm ba đợt tăng giá nữa. Nhưng hầu hết lượng vốn này đều không được triển khai vào các dự án.
Tuy lượng vốn vào năm 2008 cao gấp 6 lần so với năm 2005, nhưng con số dự án được triển khai chỉ cao hơn 10% vào năm 2008. Chỉ số chứng khoán Việt Nam cũng đã ổn định trong vòng hai năm 2014-2015, tăng thêm 15% trong thời gian này. Trong 12 tháng vừa qua, chỉ số này đã tăng thêm 3%.
Trái lại, chỉ số chứng khoán Viêt Nam đã tăng đến 144% trong năm 2006 và 56% trong Q1.2007 khi mà thị trường kỳ vọng vào mức tăng trưởng GDP mạnh mẽ sau sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như nhờ vào kết quả kinh doanh khả quan của các công ty niêm yết, và sự tăng cường đầu tư từ nước ngoài.
Chuyên gia JLL cũng đưa ra lời khuyên, các chủ đầu tư nước ngoài mới tham gia thị trường nên cân nhắc hợp tác với các tập đoàn trong nước dưới hình thức liên doanh. Trong tháng 06/2015, chính phủ đã xóa bỏ mức hạn chế tỷ lệ sở hữu 49% tại rất nhiều công ty niêm yết, một động thái nhằm tăng cường dòng vốn đầu tư. Điều này tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu một lượng cổ phần lớn trong các dự án nhà ở trong liên doanh với các tập đoàn trong nước.
Linh Nhi / DĐDN