Các công nghệ mới liên quan đến khả năng sạc nhanh, nâng cấp camera smartphone hứa hẹn mang đến trải nghiệm mới cho người dùng.
Mobile World Congress mang đến cho người dùng hàng loạt thiết bị mới hấp dẫn. Đó cũng là nơi các nhà sản xuất trình diễn những công nghệ tiên tiến nhất cho chiếc smartphone của mình.
Trong số những công nghệ đáng chú ý tại MWC năm nay, cải tiến về camera trên một số mẫu máy như LG G5, Samsung Galaxy S7 được quan tâm bậc nhất.
Công nghệ sạc pin siêu tốc của Oppo
Công nghệ Super VOOC cho phép sạc một smartphone pin 2.500 mAh trong 15 phút.
Oppo không giới thiệu smartphone nào tại MWC. Thay vào đó, họ khiến giới công nghệ bất ngờ với công nghệ chống rung trên camera, đặc biệt là công nghệ sạc siêu tốc. Có tên gọi Super VOOC – công nghệ này có thể tạo ra cách mạng trong cách người dùng sạc thiết bị di động. Theo Oppo, người dùng có thể sạc đầy một viên pin 2.500 mAh chỉ sau 15 phút, dù sử dụng cổng micro USB hay USB Type C bằng công nghệ Super VOOC.
Có được công nghệ này là nhờ Oppo sử dụng hệ thống sạc điện áp thấp và loại pin tùy biến (Oppo không công bố chính xác tùy biến như thế nào). Ban đầu, công nghệ này chỉ có mặt trên smartphone do Oppo sản xuất. Tuy nhiên, nếu nó thực sự mang đến khả năng sạc siêu tốc như quảng cáo, việc các nhà sản xuất khác xin sử dụng bằng sáng chế trên thiết bị của họ là điều tất yếu. Ngay bây giờ, nhiều người đã háo hức trước viễn cảnh sạc bất cứ smartphone nào trong 15 phút để sử dụng cả ngày.
Thiết kế module của LG G5
LG G5 được bình chọn là smartphone sáng tạo nhất tại MWC 2016 nhờ thiết kế dạng module.
LG G5 mang đến nét tươi mới hoàn toàn so với các thế hệ trước nhờ vỏ kim loại và thiết kế dạng module. Phần đuôi máy có thể tháo rời dễ dàng, thay thế bằng một trong những món phụ kiện được làm riêng cho G5, bao gồm camera grip (có nút chụp hình cứng, nút zoom và pin 1.200 mAh), hay Hi-Fi DAC do Bang & Olufsen sản xuất. LG không phải hãng đầu tiên trình diễn ý tưởng smartphone dạng module (Google nổi tiếng với dự án Ara, sản xuất smartphone dang module) nhưng họ là hãng đầu tiên đưa nó vào hiện thực, trên một sản phẩm cao cấp (bán ra tháng 4).
Công nghệ tự động lấy nét Dual Pixel của Samsung
Galaxy S7 là smartphone đầu tiên dùng công nghệ Dual Pixel.
So với dòng Galaxy S6, Galaxy S7 và s7 edge của Samsung không khác biệt nhiều về kiểu dáng nhưng mang trong mình nhiều cải tiến quan trọng. Chẳng hạn, Samsung thay đổi hoàn toàn camera sau của máy: thay vì sử dụng camera 16 megapixel với công nghệ lấy nét theo phase, S7 dùng camera 12 megapixel với điểm ảnh lớn và công nghệ lấy nét Dual Pixel. Công nghệ này – cho đến hiện tại – vẫn chỉ xuất hiện trên máy DSLR (như một số máy ảnh của Canon), hoàn toàn mới lạ trên smartphone.
Không giống công nghệ lấy nét theo phase: dùng 5% - 10% số điểm ảnh để lấy nét, Dual Pixel sử dụng toàn bộ điểm ảnh cho việc lấy nét. Công nghệ này giúp máy lấy nét tốt hơn các vật thể chuyển động hoặc trong điều kiện thiếu sáng.
Camera sau góc rộng của LG G5
G5 không phải smartphone đầu tiên có camera kép. Vậy điểm nhấn của nó là gì? Một trong 2 camera của máy được thiết kế phổ thông với độ phân giải 16 megapixel, ống kính góc rộng 78 độ. Camera còn lại có góc siêu rộng: 135 độ (độ phân giải 8 megapixel) – rộng hơn cả mắt người (114 độ). Nhờ đó, G5 cho phép chụp những bức ảnh góc siêu rộng - ở độ phân giải 8 megapixel, không cần phụ kiện gắn ngoài.
(Theo ICTNews\Zing)