Tuy mới đặt chân đến Việt Nam nhưng du khách cũng kịp khám phá và trải nghiệm một vài cú sốc thường trực nơi đây. Ngoài những ngã tư xe cộ lúc nhúc nhốn nháo khiến họ hoảng sợ, đó còn là việc người bán hàng chèo kéo, chặt chém, khói bụi việc vô tình hay hữu ý sàm sỡ, quấy rối.
Nữ du khách Ola đến từ Nga cho biết: “Mọi người lái xe máy trên đường không nhìn vào gương, cũng không lái xe đúng cách, thế nên việc đạp xe hay đi bộ đối với tôi rất mệt mỏi.
Ngoài ra, tôi không thích khi một vài người Việt đột nhiên túm lấy mình ở trên đường khi họ muốn bán gì đó, hay có hôm tôi bị 1 bảo vệ đẩy ra khỏi trung tâm thương mại khi đến giờ đóng cửa.
Còn nữa, vì tôi là phụ nữ nên thỉnh thoảng tôi cũng khó chịu khi đi về vùng lân cận, người ta nhìn chằm chằm vào mình. Chỉ vậy thôi, cũng không phải vấn đề gì quá lớn!”.
Rachel đến từ Anh chia sẻ: “Chúng tôi rất thích Việt Nam nhưng có một vấn đề là ở đây không có vỉa hè cho người đi bộ, thật bực bội khi bạn phải đi xuống lòng đường và không thể nhìn ngắm mọi thứ xung quanh mà phải tập trung tránh xe cộ. Những tiếng còi ầm ĩ, bạn thấy không? Trước khi đến Hà Nội, chúng tôi đã đến Sài Gòn và ở đó xe cộ đông đúc hơn ở Hà Nội.”
Mark, bạn của cô, cũng nói thêm: “Ở Anh, giao thông được quản lý rất quy củ và chặt chẽ, bạn sẽ bị coi là phạm pháp nếu qua đường ‘ngẫu hứng’ như ở đây. Tôi rất sợ hãi khi phải qua đường ở đây, bởi vì tôi lớn lên ở Liverpool nơi có rất ít phương tiện giao thông. Tôi cần phải được huấn luyện mới có thể qua đường được.”
Khác với 3 vị du khách, Alisa đến từ Đức đã từng đi du lịch ở Syria nên cô thoát được cú sốc khi phải đối mặt với sự ô nhiễm bụi bẩn nên khi đến Việt Nam
“Tôi đến Syria và Campuchia trước đó. Mọi thứ thật điên rồ, quá nhiều xe máy, và không khí dày đặc bụi bẩn. Bạn chỉ biết hoảng hốt kêu lên và đổ bệnh. Ở đây, chỉ có một thứ tôi không hiểu nổi là việc người ta ăn thịt chó mèo. Tôi chứng kiến cảnh người ta nướng rất nhiều chó.
Trong thời gian ở Cát Bà, tôi bắt gặp cảnh người dân định làm thịt mèo, tôi đã nhanh tay cho 1 con mèo vào túi và chạy. Nghĩ lại đến giờ tôi vẫn thấy khiếp sợ. Tôi chăm sóc cho chú mèo đó và sẽ mang nó về Đức”.
Du khách lớn tuổi hơn như cô giáo dạy nhạc Debby từ Úc có một trải nghiệm không mấy tốt đẹp khi bị sàm sỡ trong thời gian thăm người bạn ở Việt Nam: “Tôi đang thử vòng cổ thì người bán hàng sờ vào ngực tôi. Anh ta rút tay, tôi tức giận ra khỏi đó ngay lập tức. Đó là một kỉ niệm đáng xấu hổ.
Tôi đến Việt Nam vào năm ngoái, năm nay thì ô nhiễm có chiều hướng tệ hơn, có thời điểm bạn không thể nhìn thấy gì và rất khó thở. Tôi lấy làm bất ngờ khi người Việt Nam không đề cao vấn đề này hay sốt sắng tìm ra giải pháp cấp thiết.
Ở đây có quá nhiều ô tô và xe máy, Các bạn nên làm gì đó như giới hạn số lượng phương tiện, nếu không sẽ giống như ở Trung Quốc vậy.”
Hay như bác George từ Mỹ đó là cú sốc về vấn đề khám bệnh, đói nghèo: “Điều đầu tiên đó là mọi người không thân thiện, hiếm khi có một nụ cười ‘miễn phí’ nào ngoài từ những người bán hàng. Mới đây tôi nhận được email từ bạn của mình hiện đang ở Campuchia, anh ấy cũng chia sẻ điều tương tự. Có thể đó là cảm nhận của riêng tôi, tôi du lịch 1 mình và thường quan sát cuộc sống xung quanh.
Còn sốc ư? Tôi còn nhớ mình nhận được cuộc gọi từ người bạn trong nhóm khi đến Việt Nam, họ nói khi họ phải trả $100 để được gặp bác sĩ ở bệnh viện quốc gia. Tôi tự hỏi điều gì xảy ra khi người Việt Nam bị ốm?
Tôi cũng sốc khi tận mắt nhìn thấy đói nghèo ở đây khi người ta nói kinh tế Việt Nam đang bùng nổ. Chắc nó chỉ bùng nổ với những người giàu thôi. Ở đây, mọi người có công việc, nhưng đó là buôn bán nhỏ lẻ và bán dạo. Nó không giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn mà chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt là thức ăn và nơi ở. Điều này thật đáng buồn.
Tôi nghĩ mọi người có quyền được chăm sóc sức khỏe và giáo dục để cải thiện cuộc sống của mình. Tất nhiên ở Mỹ cũng còn rất nhiều vấn đề. Điển hình là Donald Trump, không mấy sáng sủa phải không? Tôi chuẩn bị sang Campuchia trong vài ngày và về nước. Nhưng có thể tôi sẽ quay lại và ở lại Việt Nam lâu hơn nếu Donald Trump được đắc cử làm tổng thống!”
Lan Thanh / Vietnamnet