Động Nàng Tiên
Động là một hang đá tự nhiên có từ lâu đời và đã được Bộ văn hóa - thông tin xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1999.
Theo truyền thuyết kể lại, ngày xưa có 7 nàng tiên từ trên trời xuống hạ giới để vãn cảnh ở con suối dưới chân núi Phja Trạng. Do mải ngắm cảnh sơn thủy hữu tình, hái hoa bắt bướm nên trời tối lúc nào không biết, các nàng tiên không kịp bay về trời liền chạy về phía bìa rừng trú ẩn. Thấy vậy trời rủ lòng thương đã tạo ra một cái động để các cô tiên trú ngụ qua đêm. Từ đó người dân đã đặt tên cho động đó là động Nàng Tiên.
Nhìn từ xa, động Nàng Tiên như một nàng thiếu nữ đang nằm ngủ. Động ăn sâu xuống lòng núi khoảng 60m, cửa động cao 6m, rộng 6m, trần động cao khoảng 30-50m. Bước chân vào bên trong động du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp do các nhũ đá, cột đá và măng đá tạo nên. Cảnh tiên nữ, cảnh rồng bay, phượng múa bằng nhũ đá huyền ảo lung linh ánh bạc thật hấp dẫn. Những thửa ruộng bậc thang có dòng nước mát chảy xung quanh gọi là ruộng tiên, suối tiên trông thật thích mắt. Trong động còn có nhiều ngách nhỏ có chiều dài từ chục mét đến hàng nghìn mét thông ra sườn núi làm cho động Nàng Tiên thêm huyền bí và thơ mộng.
Bánh khảo
Sau mỗi ngày làm việc, hay trong những ngày hè oi bức, du khách có thể đến Phja Trạng, vào động Nàng Tiên nghỉ ngơi, tận hưởng không khí trong lành, mát dịu và thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị quê nhà như thịt lợn quay (được ướp tẩm những hương vị rất đặc biệt), miến dong Côn Minh (loại nguyên chất có màu hơi sẫm được chế biến từ những cây dong trồng trong núi đá), bánh khảo…
Ðộng Puông
Ðộng Puông nằm trên dòng sông Năng thuộc huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, cách thị trấn Chợ Rã 5km. Ðộng Puông là một điểm du lịch sinh thái đặc biệt, độc đáo và rất hấp dẫn.
Con sông Năng chảy dưới chân núi đá vôi, giữa những bờ vách đứng xuyên qua núi Lung Nham, nơi đó gọi là động Puông. Thuyền nhỏ luồn trong động Puông chập chờn trong ánh sáng mờ ảo, những thạch nhũ hình thù kỳ lạ hiện lên trước cửa động. Trong động có đàn dơi hàng chục vạn con sinh sống và trú ngụ.
Hồ Ba Bể
Ba Bể là hồ tự nhiên lớn nhất miền Bắc Việt Nam giữa vùng đá phiến và đá vôi.
Gọi là hồ Ba Bể bởi hồ được tạo thành bởi ba hồ lớn là Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng thông nhau bởi dòng sông Năng. Hồ dài hơn 8km, sâu khoảng 20m đến 30m. Ðoạn giữa hồ hơi eo lại. Có hai đảo nhỏ nổi lên giữa hồ, một đảo giống như con ngựa đóng cương đang lội nước (nên còn gọi là đảo An Mã).
Hồ Ba Bể ở độ cao 145m so với mặt nước biển, diện tích mặt hồ khoảng 500ha được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi có nhiều suối ngầm và hang động. Những ngày nắng đẹp, toàn cảnh hồ như một bức tranh thủy mặc làm mê lòng những du khách khó tính nhất. Mặt nước hồ phẳng lặng, lúc nào cũng xanh trong như một tấm gương in đậm bóng núi, mây trời. Thỉnh thoảng trên hồ lại xuất hiện những cô gái Tày trong bộ đồ màu đen tay khua nhẹ mái chèo đưa đón khách đi về trên những chiếc thuyền độc mộc.
Năm 1995, hồ Ba Bể đã được hội nghị “hồ nước ngọt thế giới” công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ.
Thác Đầu Đẳng
Thác dài 2km, hòa cùng với phong cảnh rừng nguyên sinh, tạo thành ấn tượng khó quên.
Thác Đầu Đẳng nằm trên dòng sông Năng, là nơi tiếp giáp giữa Bắc Kạn với tỉnh Tuyên Quang. Thác Ðầu Ðẳng nằm giữa hai dãy núi đá vôi, có độ dốc lớn, là nơi con sông Năng bị chặn lại bởi những tảng đá lớn, nhỏ xếp chồng lên nhau với độ dốc chừng 500m, tạo thành một thác nước ngoạn mục kỳ vĩ, hoà với phong cảnh rừng nguyên sinh tạo ra một ấn tượng khó quên. Không những vậy, tại đây còn xuất hiện loại cá chiên (có những con nặng trên 10kg) là loại cá hiếm thấy hiện nay.
Vườn quốc gia Ba Bể
Là một điểm du lịch sinh thái lý tưởng với phong cảnh kỳ thú và sự đa dạng sinh học, Vườn quốc gia Ba Bể đã được công nhận là Vườn di sản ASEAN vào năm 2004.
Trung tâm của vườn là hồ Ba Bể với hơn 500ha diện tích mặt nước. Hồ là nơi trú ngụ của nhiều loài cá nước ngọt đặc hữu với 106 loài và cũng là nơi tích trữ nguồn nước ngọt quan trọng cho cư dân sống ở xung quanh khu vực này.
Vườn quốc gia Ba Bể có 1.281 loài thực vật thuộc 162 họ, 672 chi, trong đó có 25 loài thực vật có tên trong Sách Đỏ của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) và nhiều loài thực vật quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam như: nghiến, đinh, lim, trúc dây…trong đó trúc dây là một loài tre đặc hữu thường mọc tại các vách núi. Thân của chúng thả xuống tạo nên những bức mành xung quanh hồ. Đây cũng là khu vực được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá là trung tâm đa dạng và đặc hữu cao nhất về loài lan không chỉ của Việt Nam mà còn của cả toàn vùng Đông Nam Á với 182 loài.
Phượng hoàng đất
Hệ động vật ở đây cũng rất phong phú, đa dạng về số lượng và chủng loại với 81 loài thú, 27 loài bò sát, 17 loài lưỡng cư, 322 loài chim, 106 loài cá, 553 loài côn trùng và nhện trong đó có 66 loài quý hiếm và đặc hữu nằm trong Sách Đỏ Thế giới và Việt Nam như phượng hoàng đất, gà lôi, voọc mũi hếch… Ngoài hồ Ba Bể, Vườn quốc gia Ba Bể còn có nhiều thắng cảnh độc đáo, hùng vĩ khác như động Puông, thác Đầu Đẳng, ao Tiên và thác Roọm, xứng đáng không chỉ là trung tâm đa dạng sinh học hàng đầu mà còn là một danh thắng nổi tiếng của Việt Nam.
Đền Thắm
Đền thờ một vị nữ tướng có tên là Thắm - người có công lớn trong công cuộc chống giặc Cờ Đen vào nửa cuối thế kỷ 19.
Trước đây đền là nơi thờ Sơn thần, Thuỷ thần để cầu cho thuyền bè được qua lại bình yên. Cho đến cuối thế kỷ 19 đền được tu bổ để thờ phụng vị nữ tướng có công lớn đánh giặc Cờ Đen là cô Thắm. Sự tích kể lại rằng: ngày xưa có một cô gái rất xinh đẹp là con ông lão đánh cá nghèo ở làng chài ven sông Tràng Cổ tên là Thắm. Vừa xinh đẹp lại chăm chỉ, nết na, hiền dịu nên cô Thắm được các chàng trai quanh vùng rất yêu mến, ai cũng muốn được kết duyên cùng cô.
Nhưng không may tên chúa Mường trong vùng đã dùng quyền lực bắt cô về làm vợ. Sống trong khổ cực trăm bề, tên chúa Mường lại làm tay sai cho giặc, cô liền tìm cách trốn thoát và đứng lên tập hợp dân nghèo đánh giặc. Được tin cô Thắm trở thành vị nữ tướng chống giặc Cờ Đen, vì muốn lập công nên tên chúa Mường đã dẫn quân giặc đến đánh. Một trận kịch chiến đã diễn ra tại ngã ba sông Tràng Cổ. Thật không may cô Thắm đã bị trúng mũi tên thuốc độc và anh dũng hy sinh. Tức giận quân lính của cô quyết chiến đánh tan quân giặc trả thù và để tưởng nhớ vị nữ tướng dũng cảm nhân dân đã lập đền thờ cô Thắm.
ATK Bắc Kạn
Khu di tích lịch sử ATK Bắc Kạn thuộc quần thể di tích Việt Bắc, nơi ghi dấu ấn hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954).
Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Trung ương Đảng cử đội công tác đặc biệt do đồng chí Trần Đăng Ninh dẫn đầu lên Việt Bắc tìm địa điểm để xây dựng khu căn cứ an toàn cho các cơ quan của Trung ương Đảng, gọi tắt là ATK. Sau thời gian khảo sát, đội quyết định chọn một số địa điểm có địa hình hiểm trở, mạng lưới giao thông là những đường mòn tạo thành khu liên hoàn rộng trên 3.000km² trên vùng giáp ranh của ba tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang và Bắc Kạn. Vì vậy, trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã làm việc tại nhiều nơi trong khu ATK. Trong đó riêng tại ATK Bắc Kạn, Bác Hồ đã sống và làm việc ở ba nơi là bản Ca, xã Bình Trung (năm 1947), bản Pèo, xã Bình Trung (năm 1949) và Nà Pậu, xã Lương Bằng (năm 1951). Đồng chí Phạm Văn Đồng cũng đã sống và làm việc ở đồi Khau Mạ, xã Lương Bằng năm 1950-1951 và đồng chí Trường Chinh sống và làm việc tại bản Nà Quân, xã Bình Trung năm 1951-1952.
Chùa Thạch Long
Thạch Long được coi là ngôi chùa nằm trong hang núi đá rộng, sạch và thoáng bậc nhất Việt Nam. Hang có thể chứa tới hàng ngàn tăng ni Phật tử tới dự hội.
Chùa Thạch Long, còn được gọi là con rồng đá vì chùa nằm trong hang đá, cổng hang có hình miệng con rồng đang há. Chuyện kể rằng, ngày xưa người dân xã Vi Hương- Bạch Thông xuôi sông Cầu rước tượng Phật Thích Ca về thờ ở làng mình là Hoa Sơn, trên đỉnh dãy núi Phja Bjoóc. Tượng Phật bằng vàng rất nặng nên khi kéo ngược lên dân làng phải dùng mảng. Đến xã Cao Kỳ thì mảng cứ xoay tròn không sao đi được. Trời đã tối nên đêm ấy người đi rước tượng phải căng lều ngủ để hôm sau tính tiếp. Sáng hôm sau tỉnh dậy, họ hốt hoảng không thấy Đức Phật đâu. Người đi rước tượng đành thắp một bó nhang to và khấn cầu xin Đức Phật chỉ đường đến chỗ ngài đang thượng tọa. Dứt lời, bó nhang cuộn khói bay sang bên kia bờ sông, luồn mãi vào trong núi. Người rước tượng cứ đi theo khói nhang ấy và phát hiện ra một hang động tuyệt đẹp, rộng thênh thang. Đức Phật Thích Ca đã ngự tọa ở chốn cao nhất. Biết hang đá thiêng, từ đó dân làng lập chùa ngay tại hang đá.
Không chỉ chứa trong mình nhiều huyền tích, chùa Thạch Long còn là một di tích lịch sử, là niềm tự hào của bà con xã Cao Kỳ. Do cấu tạo đặc biệt của chùa và là nơi kín đáo nên triều đại nhà Lý đã lấy chùa làm pháo đài để đánh quân Tống. Đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa được sử dụng làm nơi sản xuất và kho chứa vũ khí bí mật của quân đội ta. Khi đó, bao nhiêu tượng Phật được bà con cất hết và cũng từ đó dân làng chấm dứt việc lên lễ chùa. Sau này, hoà bình lập lại, chùa được trao trả về địa phương để nhân dân lập lại việc thờ tự.
Biên tập bởi HiVietnam.net – Hoàng Vy