Duy trì được ổn định trong hệ thống, giãn, hoãn nợ, giảm lãi suất, miễn, giảm một số loại phí dịch vụ cho khách hàng..., qua đó góp phần ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế.
Đó là những thành công nổi bật trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm đến nay.
Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân.
Hai lần giảm các mức lãi suất điều hành
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, từ cuối tháng 3 đến 12/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hai lần giảm các mức lãi suất điều hành khá sâu, một động thái chưa từng có từ trước tới nay.
Các quyết định rất mạnh mẽ, dứt khoát trên của NHNN được đưa ra trong bối cảnh diễn biến dịch khá phức tạp, Chính phủ và ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới đã cắt giảm lãi suất điều hành và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cả về tiền tệ và tài khóa để kích thích kinh tế, trong đó có những nước triển khai các “gói” hỗ trợ rất lớn như Mỹ, Nhật Bản…
Ở trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng có những chỉ đạo rất kịp thời các cấp, các ngành triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Đây được xem là cơ sở quan trọng để các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng.
TS. Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc giảm lãi suất điều hành của NHNN sẽ tạo ra hiệu ứng giảm lãi suất tới các tổ chức tín dụng, qua đó hỗ trợ phục hồi sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời cho thấy khả năng kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn và trung hạn là khá tốt.
“Thắt lưng buộc bụng”, đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp, người dân
Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các tổ chức tín dụng có căn cứ giãn, hoãn nợ, giảm lãi suất cho khách hàng.
Với tinh thần hết sức khẩn trương, quyết liệt, NHNN đã liên tục tổ chức các cuộc họp, ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện, trong đó có những biện pháp không hề dễ dàng như: cắt giảm chi phí, lợi nhuận, lương, thưởng…
Cùng với đó, NHNN đã phối hợp với nhiều tỉnh, thành phố tổ chức hàng loạt chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm lắng nghe ý kiến trực tiếp từ các địa phương, doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc khó khăn.
Tại các hội nghị này, các doanh nghiệp đã đánh giá rất cao sự nỗ lực, đồng hành của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các giải pháp giãn, hoãn nợ. Bà Đoàn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hải Phòng cho biết: “Mỗi ngân hàng đều xây dựng các cơ chế hỗ trợ rất cụ thể rõ ràng cho doanh nghiệp, ví dụ như kéo dài nợ từ 8-9 tháng, giảm lãi từ 0,5 đến 2%, đặc biệt có ngân hàng giảm tới 3%; 01 cán bộ ngân hàng phân công phụ trách 10 khách hàng, 10 ngày làm việc với doanh nghiệp của chúng tôi 1 lần… Tất cả việc làm đó đã góp phần giảm thiểu khó khăn và duy trì hoạt động của doanh nghiệp sau dịch Covid-19”.
Tính đến 25/5/2020, toàn ngành ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 223 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 151 nghìn tỷ đồng; đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1,14 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 767 nghìn tỷ đồng cho hơn 196 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch.
Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho hơn 150 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 3.800 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 680 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 25 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, NHNN cũng đã chủ động đề xuất với Chính phủ cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0%, số tiền 16.000 tỷ đồng từ NHNN để Ngân hàng Chính sách xã hội cho người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch với lãi suất 0%.
Bên cạnh việc hoãn, giãn, nợ, giảm lãi suất, ngành ngân hàng còn chủ động miễn, giảm một số loại phí thanh toán cho khách hàng. Đến nay đã có 100% ngân hàng thành viên của NAPAS tham gia chương trình miễn, giảm phí giao dịch cho khách hàng khi chuyển tiền liên ngân hàng. Sau 02 lần giảm phí, tổng số tiền phí thanh toán liên ngân hàng mà các ngân hàng đã miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 là khoảng 1.004 tỷ đồng. Đây thực sự là một chính sách “thắt lưng buộc bụng” trong điều kiện chính hệ thống ngân hàng cũng đang phải chịu rất nhiều loại phí từ các doanh nghiệp viễn thông, các tổ chức thẻ quốc tế như Visa và Mastercard.
Không chỉ vậy, ngành ngân hàng còn thực hiện cải cách hành chính một cách toàn diện, thực chất trong toàn hệ thống, từ trung ương tới địa phương và các tổ chức tín dụng.
Ông Đào Minh Tú, thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Phó thống đốc Thường trực NHNN khẳng định, mọi cải cách thủ tục hành chính của ngành ngân hàng thực chất đều nhằm tăng thêm khả năng tiếp cận tín dụng, các dịch vụ tiền tệ - ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân. Kết quả của sự nỗ lực đó được phản ánh rõ nét qua việc NHNN 5 năm liên tiếp đứng đầu các Bộ, ngành về cải cách hành chính.
Theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia, cách điều hành chính sách tiền tệ của NHNN thời gian qua là rất hợp lý với diễn biến vĩ mô và thị trường tiền tệ thế giới cũng như trong nước. Sự hợp lý đó đã và đang góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu “kép” mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra, đó là đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế.