Thung lũng Mai Châu
Từ Hà Nội đi 70km đến thị xã Hòa Bình, đi tiếp 60km nữa là đến Mai Châu. Ở chặng thứ là con dốc Cun dài 12km. Gọi là dốc nhưng con đường quanh co rất nguy hiểm, có lúc cứ lầm tưởng như ôtô đang đi vào một biển mây. Lên đến đỉnh dốc, khách du lịch qua đây lần đầu thường dừng lại ngắm cảnh. Đi tiếp đến đèo Thung Nhuối, từ trên đèo cao đã thấy thung lũng Vàng, huyện lỵ Mai Châu xinh đẹp hiện ra dưới tầm mắt, một thung lũng với màu xanh của ruộng đồng, những nếp nhà của một thị trấn xinh xắn.
Toàn cảnh Mai Châu
Mai Châu được mệnh danh là thủ phủ của người Thái. Đến đó người ta thường vào thăm bản Lác bởi đây là một bản du lịch nổi tiếng, tiêu biểu cho mảnh đất và con người Mai Châu. Vào mùa du lịch, bản Lác luôn rộn ràng và vui như trẩy hội. Du khách đến Mai Châu không chỉ là những bạn trẻ, những gia đình người Việt mà còn thu hút rất đông du khách nước ngoài.
Những quả còn sắc màu rực rỡ thường được dùng trong các trò chơi, những ngày lễ hội tại bản Lác và bản Pom Coọng
Đi xe đạp khám phá bản làng và những triền núi đầy thơ mộng trong thung lũng Mai Châu
Dạo bộ quanh bản Lác, du khách có dịp tìm hiểu về đời sống sinh hoạt và nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thái. Bên mỗi khung cửi dưới chân nhà sàn, luôn có bóng dáng người phụ nữ Thái đang miệt mài dệt nên những sản phẩm thổ cẩm với màu sắc sặc sỡ, hoa văn tinh xảo. Những sản phẩm độc đáo được nhiều du khách lựa chọn là vải thổ cẩm, khăn piêu, túi thơm, váy… Các chủ hàng cởi mở luôn sẵn sàng tư vấn cho du khách tìm được những sản phẩm phù hợp nhất.
Đến chợ Pà Cò của người Mông, bạn sẽ được khám phá một thế giới thổ cẩm đa dạng
Điệu múa bông của các thiếu nữ dân tộc Thái
Trong thung lũng Mai Châu, những cánh đồng lúa xanh mướt, những rặng cây trổ hoa bên cuộc sống bình dị của dân bản, họ làm nương, cuốc đất trồng rau hay gội đầu bên suối… Đến Mai Châu, bạn có thể hòa mình vào cuộc sống của người dân bản địa để khám phá những nét văn hóa độc đáo của người Mông, người Thái.
Nằm trong hệ thống dãy núi Pù Kha, Thị trấn Mai Châu. Tỉnh Hòa Bình, cách bản Lác khoảng 2 km đường bộ, hang Mỏ Luông là một địa điểm du lịch lý tưởng cho những du khách thích khám phá và tìm cảm giác lạ khi đến với Mai Châu.
Đỉnh Pha Luông
Nếu ai còn nhớ trong bài thơ ” Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng có 2 câu thơ hết sức nổi tiếng nói về đỉnh Pha Luông: “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống. Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Nóc nhà của Mộc Châu: đỉnh Pha Luông - địa danh nổi tiếng trong đường hành quân của đoàn quân Tây Tiến năm xưa.
Núi Pha Luông có độ cao gần 2.000m ở khu vực biên giới Việt-Lào, nằm ở phía đông huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Từ ngàn đời nay, địa danh Pha Luông luôn in đậm trong tâm trí mỗi người dân ở Mộc Châu với đỉnh núi sừng sững thâm u, những ngôi nhà vách gỗ, mái lợp tranh ẩn hiện trong sương mù lưng núi.
Pha Luông cách nước bạn Lào không bao xa. Muốn tiếp nối cuộc hành trình, có thể khám phá nước bạn Lào qua cửa khẩu Lóng Sập. Đây là cửa khẩu quốc tế, nhưng không khí ở đây vẫn mang nét đặc trưng của miền sơn cước. Không có cảnh nhộn nhịp người, xe qua lại, hàng hóa tấp nập, chỉ thấy những anh lính biên phòng đổi gác, tuần tra, cần mẫn xuyên rừng lội suối, và hình ảnh ấy cũng sẽ ấn tượng trong hành trình khám phá của mỗi du khách.
Sông Đà – Thủy điện Hòa Bình
Nằm trên sông Đà đoạn qua thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), nhà máy Thủy điện Hòa Bình là một công trình thủy điện lớn nhất nước ta do Liên Xô (cũ) giúp đỡ xây dựng và vận hành từ năm 1994, với 8 tổ máy và sản lượng điện hàng năm đạt 8,16 tỷ KWh, cung cấp khoảng 1/3 sản lượng điện toàn Việt Nam. Ngoài các chức năng kinh tế-xã hội quan trọng như cắt lũ, phát điện, cấp nước tưới và giao thông đường thủy, nhà máy Thủy điện Hòa Bình, hồ Hòa Bình và khu vực xung quanh còn là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Địa danh này đã gắn liền với tác phẩm “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân.
Hạ lưu sông Đà nhìn từ đập thủy điện Hòa Bình
Suối nước nóng Kim Bôi
Suối nước nóng Kim Bôi Hoà Bình: là một suối khoáng nóng tự nhiên thuộc xóm Mớ Đá, xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, cách Hà Nội khoảng 70Km theo quốc lộ 6, và cách thành phố Hòa Bình khoảng 30 Km.
Do nằm sâu dưới lòng đất nên nước khoáng phun lên luôn luôn ở nhiệt độ 36°C, khi lộ thiên nước có nhiệt độ 34-36ºC. Nguồn nước khoáng này có đủ tiêu chuẩn dùng làm nước uống, để tắm, ngâm mình chữa các bệnh viêm khớp, đường ruột, dạ dày, huyết áp. Dòng suối vốn chảy sâu trong lòng đất chính vì vậy mà khi vừa lộ thiên nước suối có nhiệt độ từ 34ºC - 36ºC.
Với diện tích 7 ha, khu du lịch Kim Bôi nằm ở điểm mạch nước nóng của dòng suối khoáng phun lên. Hạ tầng khu nhà nghỉ ở đây hiện đại và dân dã với 7 dãy nhà gồm 83 phòng. Vào những ngày cuối tuần du khách có thể lên đây ngâm mình sảng khoái dưới hồ, tận hưởng cảm giác thi vị mà núi rừng mang đến. Từ khu du lịch nếu đi về phía dốc Cun khoảng 1km, du khách sẽ gặp dòng suối Mớ Đá róc rách chảy ngày đêm bên những nương lúa và đồi núi xanh ngút ngàn tầm mắt. Không khí ở đây mát lành như cơn mưa khiến cho du khách cảm thấy tâm hồn thư thái, như muốn hòa mình vào thiên nhiên trăng núi, mây ngàn.
Động Đá Bạc
Động Đá Bạc là tác phẩm nghệ thuật tạo hình kỳ lạ của tạo hóa. Nó kết hợp tinh tế giữa điêu khắc và hội họa, giữa tính hoành tráng khỏe khắn với sự duyên dáng thơ mộng. Động Đá Bạc thuộc xóm Đá Bạc, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình và còn có một tên gọi khác là động Tiên. Động có chiều dài 70m với nhiều cung phòng nhỏ nằm trong lòng núi Pai Dáy.
Thung Nai
Nằm cách Hà Nội hơn 100km và cách trung tâm TP Hoà Bình hơn 20km, thuộc huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, Thung Nai đang là điểm đến thú vị của nhiều bạn trẻ thích khám phá, của những gia đình muốn thay đổi không khí, và của các tập thể muốn có một chuyến du lịch sinh thái dã ngoại kết nối cộng đồng nhưng không có điều kiện đi xa và kinh phí hạn hẹp. Từ Hòa Bình, bạn chạy tiếp theo đường QL6 đi Tây Bắc đến chân dốc Cun (lưu ý là bạn nên đi qua thành phố nhé, không đi đường tránh - khoảng 5km). Tới chân dốc Cun sẽ có biển chỉ dẫn đi Thung Nai. Từ đó vào đến Thung Nai còn hơn 10km nữa. Từ đoạn này đường nhỏ hơn nhưng vẫn đẹp và dễ đi.
Thung Nai, “vịnh Hạ Long trên cạn” ghi điểm với vẻ lãng mạn của bình minh trên nặt nước
Nhà nghỉ Cối xay gió ở Thung Nai
Được ví với “vịnh Hạ Long trên cạn”, Thung Nai là nơi có phong cảnh đẹp và hữu tình nhất lòng hồ sông Đà, là sự kết hợp hoàn hảo của sông và núi. Cái tên Thung Nai được đặt là do xưa kia tại thung lũng này các loài vật như hổ, báo, hươu, nai thường kéo về đây sinh sống, trong đó đông nhất là nai. Hàng đàn nai vui đùa, gặm cây cỏ bên các dòng suối, triền đồi. Vì thế thung lũng toàn nai đã dần dần trở thành tên gọi chính thức của vùng đất này. Nay, Thung Nai không còn nai nữa, nhưng nơi đây lại làm say đắm lòng người bởi thiên nhiên còn khá hoang sơ nhưng tuyệt đẹp, không khí trong lành. Đẹp nhất là cảnh trong lòng hồ. Mặt hồ rộng lớn bao quanh bởi những dãy núi với nhiều hình thù khác nhau, nước hồ xanh ngắt in bóng những đám mây trắng trên bầu trời xanh. Hàng trăm “hòn đảo” lớn nhỏ - là những quả núi, đồi bị ngập nước khi ngăn dòng sông Đà làm thủy điện Hòa Bình nhấp nhô trên mặt hồ tạo nên một Hạ long nổi trên cao.
Thung Nai ngày nắng
Hoàng hôn Thung Nai
Suối Trạch - bể tắm thiên nhiên rất lý tưởng với nguồn nước trong vắt, mát lạnh, mà ai đến nơi đây vào mùa hè đều không thể bỏ qua
Hồ trên núi – trong xanh và sâu thẳm
Biên tập bởi HiVietnam.net – Đông Giang