Ngành công nghiệp Việt Nam chịu tác động nặng nề của Covid-19 nên mức tăng trưởng rất thấp trong 4 tháng đầu năm. Tuy nhiên, có những ngành sản xuất vẫn tăng khá cao như sản xuất linh kiện điện thoại, xăng dầu. Và đặc biệt, xuất khẩu than đá có mức tăng đột biến hơn 700% trong 4 tháng qua, trong lúc các ngành khác đi xuống.
Do tác động tiêu cực của Covid-19, tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP chỉ tăng 1,8%, là mức tăng thấp trong nhiều năm qua. Ảnh minh họa: TTXVN
Bộ Công Thương đã công bố tình hình sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm nay. Trong bức tranh chung, chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng tăng 1,8%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua (cụ thể, năm 2019 tăng 9,2%).
“Dịch Covid-19 đã tác động lớn đến sản xuất của Việt Nam. Các ngành sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm bởi tình trạng khó khăn kép, thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và khó khăn ở thị trường đầu ra tiêu thụ”, Bộ Công Thương nhận định.
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tăng 3%. Trong các ngành có một số chỉ số sản xuất giảm sâu hoặc tăng rất thấp. Như sản xuất đồ uống giảm gần 14%, khí đốt và dầu thô giảm 10,8%. Nhưng ngược lại, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 4 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Sản than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 16,9%, khai thác quặng kim loại tăng 16,5%, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,7%...
Cá biệt có một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Như linh kiện điện thoại tăng 28,5%. Xăng dầu các loại tăng 13,9%, sản xuất than sạch tăng 5,5%.
Tình hình sản xuất công nghiệp như trên có ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là các ngành xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp.
Trong 4 tháng qua, xuất khẩu than đá tăng mạnh 705,4% về lượng và 719,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019, đạt 254 ngàn tấn, kim ngạch 36 triệu đô la Mỹ. Ảnh minh họa: TTXVN
Trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt gần 81 tỉ đô la Mỹ, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là lực lượng sản xuất, xuất khẩu chủ yếu trong lĩnh vực chế biến, nhất là sản phẩm linh kiện điện tử... vẫn đạt 54,2 tỉ đô la Mỹ, giảm chưa đầy 3% so với cùng kỳ. Mảng xuất khẩu linh kiện đóng góp 3,2% vào mức tăng xuất khẩu 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 của công nghiệp chế biến. Trong khi kim ngạch xuất khẩu của hai nhóm hàng nông, thủy sản và nhiên liệu khoáng sản lại giảm lần lượt là 4,6% và 22,8%.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 22,8% so với cùng kỳ do kim ngạch xuất khẩu xăng dầu các loại và quặng, khoáng sản giảm mạnh . Nhưng riêng xuất khẩu dầu thô tăng 24,1% về lượng, giảm 17,3% về giá trị. Đáng chú ý, xuất khẩu than đá tăng mạnh 705,4% về lượng và 719,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019, đạt 254 ngàn tấn, kim ngạch 36 triệu đô la.
Mặt khác, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn ghi nhận sự tăng trưởng ở một số mặt hàng như: Kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 26,0% so với cùng kỳ năm 2019, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 27,4%...
Trong số này, nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng đột biến của xuất khẩu than đá là do Bộ Công Thương đã xem xét, báo cáo Thủ tướng phê duyệt kế hoạch xuất khẩu than 2020 sớm hơn so với các năm trước. Do đó các doanh nghiệp trong ngành than đã chủ động xúc tiến và xuất khẩu than ngay từ đầu năm. Trong khi những năm trước xuất khẩu than hạn chế.
Tại buổi họp báo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP chỉ tăng 1,8%, là mức tăng thấp trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, bước sang quí 2, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức do nhu cầu hàng hóa sụt giảm mạnh. Các chỉ tiêu về xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm đều cho thấy chịu tác động khá lớn từ dịch Covid-19. Đánh giá trong bối cảnh chung cho thấy, hầu hết các quốc gia trong khu vực đều ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu âm (trong khi nhiều nước chịu tác động của dịch bệnh sau nước ta) thì việc Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dương và bảo đảm thặng dư cán cân thương mại trong 4 tháng đầu năm cho thấy nỗ lực rất lớn của địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. (Trong 3 tháng đầu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 1,39%; Nhật Bản giảm 5,5%; Singapore giảm 3,3%; Ấn Độ giảm 12,7%...). |