Hình ảnh 40 tấn vải được bao trọn "siêu máy bay" Boeing 787-9 cho thấy, không chỉ nông sản mà cả tàu bay cũng cần được "giải cứu" vì Covid-19.
Vietnam Airlines mới đây đã lần đầu tiên bố trí riêng một máy bay Boeing 787-9 chỉ để chở 40 tấn vải thiều từ Hà Nội vào TP HCM.
Boeing 787-9 trước dịch luôn nằm trong danh sách bận rộn của Vietnam Airlines trên các hành trình đến châu Âu, Australia hay đường bay vàng Hà Nội – TP HCM... Ít ai có thể nghĩ quả vải thiều sẽ được "ngồi trên ghế" dòng máy bay thân rộng hiện đại, sức chứa lên đến hơn 270 hành khách như vậy. Ngoài Boeing 787-9, Vietnam Airlines tuần này cũng chở hàng chục tấn vải trên các tàu bay khác.
Vải thiều được vận chuyển trong khoang khách máy bay Boeing 787-9. Ảnh: VNA
Đây có thể coi là nỗ lực mới nhất của Vietnam Airlines cùng tỉnh Bắc Giang và các đơn vị liên quan để sát cánh cùng bà con nông dân đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều. Tuy nhiên, thực ra nó cũng là một trong những cách "giải cứu" cho những máy bay của họ phải nằm sân la liệt.
Theo dữ liệu của Planespotters, hơn một nửa đội bay của các hãng trong nước đang phải nằm sân. Vietnam Airlines chỉ khai thác 47 chiếc. Trong số 29 tàu bay thân rộng (A350, B787) của Vietnam Airlines, 14 chiếc đang "ngủ". Với Vietjet, hơn 50 trên tổng số 74 tàu bay của hãng cũng phải dừng hoạt động.
Mới chỉ khai thác 3 tàu bay, nhưng tân binh Vietravel Airlines cho biết đang kinh doanh dưới giá vốn với tình hình thị trường hiện nay, theo lời ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch của hãng. Thực tế này cũng phần nào cho thấy mức độ ảnh hưởng nặng của Vietnam Airlines với quy mô hơn đội bay hơn 100 chiếc. Hết quý I, Vietnam Airlines đã lỗ thêm gần 5.000 tỷ đồng – quý lỗ lớn nhất từ trước đến nay. Để có dòng tiền, họ cũng đang rao bán 11 tàu bay A321 CEO.
Từ năm ngoái, các hãng cũng đều đã quen với việc tăng chở hàng khi lượng khách sụt giảm. Hãng hàng không giá rẻ Vietjet đã cung cấp các dịch vụ vận chuyển hàng hóa đa dạng về cách thức, sản phẩm bám sát sự phát triển của thị trường logistics, để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng cao. Trong đó, Swift247 với 67% vốn từ Vietjet đã ra mắt dịch vụ vận chuyển hàng không trực tuyến. 3 tháng đầu năm 2021, Vietjet đã vận chuyển 18.000 tấn hàng hóa. Doanh thu hoạt động phụ trợ đóng góp gần 50% vào nguồn thu chung của họ.
Bamboo Airways có tỷ lệ tàu bay nằm sân ít hơn hai hãng lớn (9/27 chiếc) nhưng từ cuối tháng 5, họ cũng ra sản phẩm thuê nguyên chuyên cơ để khách tự chọn điểm đến và thời gian bay theo nhu cầu. Bên cạnh đó, hãng cũng có thể cho thuê nguyên khoang thương gia trên các tàu Boeing, Airbus, Embraer.
Mọi năm, từ tháng 6 sẽ là mùa cao điểm du lịch hè của hàng không, giá vé khá cao. Nhưng năm nay, các hãng hiện phải đua khuyến mại giá vé chỉ từ 0 đồng, 6.000 đồng hay 8.000 đồng, cũng tặng thêm các ưu đãi, hành lý để hút khách. Ngoài ra, Vietnam Airlines Group và Bamboo Airways cũng đã phải tăng phí quản trị hệ thống 90.000-100.000 đồng mỗi chặng khi giá vé máy bay tiếp tục chạm đáy.
Để đối phó với tình trạng ít khách bay, các hãng cũng liên tục phải đưa ra những gói sản phẩm "chưa từng có". Vietnam Airlines tung chương trình mua vé máy bay tặng ghế trống bên cạnh, nhằm giúp hành khách yên tâm hơn về thực hiện giãn cách khi đi máy bay. Còn Bamboo Airways giảm giá đến 35% khi khách hàng đặt vé nhóm từ 5 người trở lên.
Vietjet cũng có chương trình tặng bảo hiểm bay an toàn cho tất cả hành khách nội địa. Trong đó, hành khách sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng mỗi ngày cho chi phí sinh hoạt, giảm thu nhập nếu bị cách ly tập trung do nghi nhiễm hoặc phải điều trị do dịch bệnh vì có hành trình dịch tễ di chuyển trên chuyến bay của Vietjet.
Đến nay, hai hãng bay Vietnam Airlines và Vietjet đã tham gia thử nghiệm hộ chiếu sức khoẻ điện tử của IATA. Đây được coi như chìa khoá để các nước mở cửa biên giới, đón khách du lịch quốc tế.
Trên thế giới, các hãng hàng không cũng phải làm mọi cách để kiếm tiền vượt qua khủng hoảng. Đa phần các hãng đều cố gắng tăng chở hàng bằng cách như tháo ghế để đưa thêm hàng hóa vào bụng máy bay chở khách. Một số hãng cũng có giải pháp độc đáo như hãng bay giá rẻ Air Asia ra mắt Ourfarm - một nền tảng tương tự Amazon.com để bán trái cây và rau xanh. Họ muốn tận dụng năng lực vận chuyển, thanh toán sẵn có của hãng bay để kết nối trực tiếp nông dân Malaysia với các khách sạn, nhà hàng và siêu thị.
Một số hãng cũng bán suất ăn trên máy bay, giao đến nhà cho khách hàng lâu không được trải nghiệm các chuyến bay. Qantas còn bán các sản phẩm thường tặng cho khách hàng vip. Ví dụ như 10.000 bộ pyjama mà hãng cho biết được bán hết trong vài giờ, hay gói đồ dùng trị giá 25 USD gồm kem dưỡng tay, trà túi lọc, bánh quy chocolate và hạt hạnh nhân xông khói.