Hai tuần trước, một đoàn công tác gồm đại diện Bộ Tài chính Việt Nam, nhà tư vấn phát hành trái phiếu quốc tế cùng một số cơ quan liên quan đã tổ chức chuyến non-roadshow (thăm dò chứ không giới thiệu rộng rãi) cho đợt phát hành trái phiếu quốc tế năm 2016 dự kiến tối đa 3 tỉ đô la Mỹ.
TP.HCM nhìn từ trên máy báy, thành phố đang tăng trưởng nhanh nhất trong cả nước. Ảnh: Hồng Phúc
Đây là lần thứ hai Bộ Tài chính tổ chức chuyến “nghe ngóng” thị trường vốn quốc tế kể từ khi được Quốc hội phê chuẩn vào tháng 11 năm ngoái cho đợt phát hành trái phiếu quốc tế 2015-2016. Lần roadshow cận tết dương lịch 2015, do các điều kiện chưa được như mong đợi, kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế được hoãn lại.
Nên phát hành sớm
“Bộ Tài chính đang cùng với các bộ, ngành quảng bá về kinh tế Việt Nam đến giới đầu tư quốc tế, để chuẩn bị các bước quan trọng cho triển khai phát hành 3 tỉ đô la Mỹ trái phiếu quốc tế như Quốc hội cho phép khi điều kiện thuận lợi…”, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính, tuần qua đã trả lời báo chí như vậy.
Tuy nhiên, ông Long khẳng định, hiện Bộ Tài chính còn chưa chốt thời điểm phát hành. Ông nói: “Một khi việc huy động vốn trong nước gặp khó khăn, đồng thời bối cảnh thị trường thế giới thuận lợi như năm 2014 với chi phí huy động vốn nước ngoài khá thấp, thì mới tiến hành vay trên thị trường tài chính quốc tế”.
Câu hỏi cần được đặt ra là liệu Bộ Tài chính đã bỏ lỡ cơ hội phát hành trái phiếu quốc tế thu tiền về cho ngân sách khi không quyết định phát hành trái phiếu quốc tế trong chuyến roadshow đầu tháng 12 năm 2015? Liệu Bộ Tài chính còn có giải pháp nào khác nếu thị trường vốn quốc tế tiếp tục diễn biến xấu đi với việc bán loại “hàng” này?
Theo ý kiến của một số chuyên gia ngân hàng, không khó để dự đoán diễn biến “không thuận lợi” của thị trường trái phiếu quốc tế năm nay khi cuối năm 2015, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã thực sự tăng lãi suất sau nhiều lần trì hoãn. Hơn nữa, khi con số nợ công của Việt Nam được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội vừa qua với các số liệu không khả quan, thì sức hấp dẫn của trái phiếu Việt Nam chắc chắn sẽ còn giảm sút.
“Kỳ vọng lợi tức phát hành trái phiếu bây giờ tốt như thời điểm cuối năm ngoái là rất khó đạt được”, một chuyên gia nói.
Ông cho rằng Bộ Tài chính nên tính toán việc bán trái phiếu ra thị trường quốc tế ngay trong quí 2, chậm nhất là trước kỳ nghỉ hè của các nhà đầu tư. Và vì lợi suất trái phiếu còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, ngay cả với các điều kiện không thuận lợi so với cuối năm 2015, Bộ Tài chính vẫn nên tiến hành ngay bởi càng để lâu rủi ro cho ngân sách càng lớn.
Những khe cửa hẹp
Vậy ngoài trái phiếu quốc tế, Bộ Tài chính còn những khe hở nào để huy động vốn cho ngân sách vốn rất khó khăn về nguồn thu năm nay?
Thứ nhất, thị trường trái phiếu nội tệ trong nước tuy vẫn là nơi huy động ngân sách mạnh nhất kể từ đầu năm song sẽ yếu đi. Các số liệu tháng 3 cho thấy, tỷ lệ trúng thầu đã giảm từ 96,6% trong tháng 2 xuống chỉ còn 76,2%. Gần đây nhất trong phiên đấu thầu ngày 30-3 vừa qua, tỷ lệ trúng thầu đối với trái phiếu kỳ hạn 5 năm chỉ đạt 40% ( 2.000 tỉ đồng trên 5.000 tỉ đồng gọi thầu), giảm gần một nửa so với tháng trước, trong khi lợi suất trái phiếu đã tăng từ 6,35% lên 6,38% trong một tuần.
Trong bối cảnh Bộ Tài chính đã sử dụng gần hết hạn mức 30% cho tổng khối lượng trái phiếu dưới 5 năm được phát hành trong năm nay, nhu cầu tín dụng của các nhà băng dự báo tiếp tục tăng trưởng trong khi tỷ lệ cho vay trên huy động tiền gửi của các ngân hàng đều đã đến ngưỡng theo qui định, có thể dự đoán tỷ lệ trúng thầu trái phiếu chính phủ rất có khả năng sẽ giảm dần trong thời gian tới.
Thứ hai, theo giới tài chính, trong trường hợp thị trường trái phiếu tiền đồng gặp khó khăn, Bộ Tài chính có thể phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước hoặc tiếp tục vay ngoại tệ của các ngân hàng thương mại trong nước như đã thực hiện năm 2015 với các khoản vay hàng tỉ đôla Mỹ từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank).
Với việc Ngân hàng Nhà nước siết đối tượng cho vay ngoại tệ từ ngày 1 tháng 4 vừa qua, các ngân hàng thương mại sẽ có thêm nguồn vốn ngoại tệ để cho ngân sách vay, thay vì phải gửi tại các ngân hàng nước ngoài với lãi suất rất thấp.
“Vì tâm lý kỳ vọng tỷ giá VND/USD tăng lên vẫn cao, nên người dân vẫn tích trữ ngoại tệ, vốn huy động ngoại tệ vào ngân hàng vẫn có khả năng tăng. Ngân hàng huy động được mà không cho vay ra thì để làm gì? Ngân hàng không thể lãng phí nguồn vốn này và chịu thiệt khi chỉ cất két sắt”, lãnh đạo một ngân hàng phân tích.
Thứ ba, nếu Bộ Tài chính mạnh dạn phát hành trái phiếu trong nước bằng ngoại tệ (điều này từng được nhắc đến trong quá khứ), một phần tiền gửi ngoại tệ của dân cư vốn không được hưởng lãi suất kể từ đầu năm sẽ có thể chuyển sang mua trái phiếu, nếu được phép. Theo qui định hiện hành, việc phát hành trái phiếu trong nước bằng đồng tiền tự do chuyển đổi thực hiện theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tất nhiên, lợi ích kinh tế phải được cân nhắc cho ngân sách nhà nước, cho người gửi tiền và các ngân hàng.
Gia Anh / thesaigontimes.vn