Với giá rẻ, mẫu mã đẹp, nhiều trái cây Trung Quốc đang đội lốt hàng Việt bán đầy đường và chợ truyền thống ở Sài Gòn.
1. Nho xanh không hạt
Thời gian gần đây nho xanh không hạt gắn mác Ninh Thuận được bán đầy chợ và đường phố TP HCM với giá 50.000-60.000 đồng một kg. Các thương lái cho biết sản phẩm được họ nhập từ Chợ đầu mối Thủ Đức và mỗi ngày bán ra thị trường cả trăm kg.
Trong khi các tiểu thương khẳng định nho xanh không hạt có xuất xứ từ Ninh Thuận thì trao đổi với VnExpress, chủ vựa nho Ba Mọi ở Ninh Thuận cho rằng hiện tại Ninh Thuận chỉ còn bán loại nho đỏ. Riêng nho xanh, toàn vùng đã hết hàng gần hai tháng nay. Do vậy, nho bán trên thị trường hoàn toàn không phải là hàng Ninh Thuận.
Vị này cũng cho biết thêm, ở Việt Nam công ty của ông cũng đã thử nghiệm trồng nhiều loại nho không hạt, nhưng vì điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp nên 100% sản phẩm làm ra là nho có hạt. Nho xanh không hạt chủ yếu là hàng Trung Quốc.
Cũng xác nhận nho xanh bán trên thị trường đa phần là hàng Trung Quốc, ban quản lý Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, hơn tháng nay hàng Ninh Thuận đã hết. 100% nho xanh không hạt bán nhập về chợ đầu mối là nho ngoại và chủ yếu là xuất xứ Trung Quốc. Giá bán tại chợ đầu mối dao động 30.000-35.000 đồng một kg. Thời gian gần đây, lượng trái cây ngoại tăng nên hàng về chợ đạt 2.500-2.700 tấn một đêm.
2. Mận tím
Hơn một tháng nay mận gắn mác Hà Nội trái to, ngon ngọt giá chỉ 35.000 đồng một kg bán khá nhiều trên các tuyến đường cũng như chợ truyền thống TP HCM.
“Mỗi ngày tôi bán được khoảng gần 50kg, loại này cơm dày, ngọt, ít hư hỏng nên để được lâu, giá lại rẻ rất phù hợp với túi tiền người tiêu dùng. Trái mận to mọng này chỉ rộ vào mùa từ tháng 6 đến tháng 8”, chị Hoa tiểu thương chợ Hòa Bình nói.
Mặc dù các tiểu thương xe đẩy và chợ khẳng định mận tròn, màu đỏ tím đậm, trái to là hàng Hà Nội, nhưng theo lãnh đạo Phòng trồng trọt Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, địa phương không hề trồng loại cây này, vốn chỉ thích hợp với khí hậu ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Lạng Sơn... Tuy nhiên, cán bộ ngành nông lâm ở các tỉnh này cũng khẳng định không hề trồng loại mận tím.
Tại TP HCM, đại diện Chợ nông sản đầu mối Thủ Đức cho biết, các loại mận đổ về chợ khá nhiều. Ngoài mận hậu của Lào Cai, Lạng Sơn thì các giống mận khác đa phần có nguồn gốc Trung Quốc và bán với giá khá rẻ. Sở dĩ tiểu thương treo mác đặc sản miền Bắc nhằm để dễ bán hàng.
Về vấn đề an toàn vệ sinh, đại diện này cho biết, các lô hàng nhập về đều được các trạm kiểm dịch thu mẫu để kiểm tra hóa chất và dư lượng bảo vệ thực vật, nên chất lượng sản phẩm vẫn nằm trong ngưỡng cho phép.
3. Lê vàng
Không chỉ nho, mận mà lê Trung Quốc cũng đột lốt hàng Việt nhiều năm nay. Tại Việt Nam, lê thường được trồng ở các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Thái Nguyên, thường có hoa vào mùa xuân, thu hoạch vào mùa thu. Tuy nhiên, lượng hàng không nhiều nên thương lái đã nhập thêm hàng từ Trung Quốc.
Chị Hạnh, tiểu thương ở chợ Hòa Bình (quận 5) cho biết, lê Việt hàng không nhiều mà mẫu mã lại không đẹp nên chị đành chọn hàng Trung Quốc để tránh hư hao. Giá bán mỗi kg là 25.000 đồng. Mỗi ngày chị lấy khoảng 40kg lê Trung Quốc, nhưng chỉ tới trưa là hết hàng.
Lê Trung Quốc to tròn, quả đồng đều trông rất đẹp mắt, thường được bọc trong lưới xốp để tránh dập nát. Trong khi đó lê Việt Nam thon dài hơn, cầm chắc tay. Về màu sắc, hàng Trung Quốc sáng bóng, da căng có màu xanh hoặc vàng tươi, bắt mắt hơn so với các giống lê khác. Còn hàng của Việt Nam có vỏ ngoài sần sùi và màu vàng đậm. Ngoài ra, khi bổ trái lê Trung Quốc ruột thường bị thâm đen, lỗ chỗ như kim châm không được trắng ngon như bình thường, nhưng thời gian bảo quản lâu hơn hàng Việt.
4. Đào
Cùng với mận, đào gắn mác Sapa có giá 20.000-40.000 đồng một kg cũng được rao bán rầm rộ. Anh Hoàng, chủ sạp ở chợ Văn Thánh (Bình Thạnh) cho biết: “Loại này ăn giòn, ngọt, thơm nên mỗi ngày tôi cũng bán được gần cả tạ. Đào Sapa khá hiếm nên nếu không mua sớm thì chỉ vài ngày nữa là hết mùa”, anh Hoàng nói.
Trong khi các tiểu thương một mực khẳng định đó là đào Sapa thì tại Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, ban quản lý ở đây cho biết đa phần hàng nhập từ Trung Quốc.
Trước đó, trao đổi với VnExpress, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, mùa đào ở Sapa đã thu hoạch từ hồi tháng 5 và kết thúc vụ vào đầu tháng 7. Do vậy, các sản phẩm hiện nay đang gắn mác "Sapa" là không đúng. Bởi lẽ, số lượng đào và mận tại Lào Cai rất ít, mẫu mã không được đẹp như những sản phẩm đang bán ở Hà Nội và TP HCM.
"Lào Cai chỉ có trên 400ha đào. Sản lượng mỗi năm khoảng 6.000 tấn, chỉ đủ cung cấp trên địa bàn và một số tỉnh lân cận ngay trong vụ mùa", vị này nói.
Thông thường, đào Trung Quốc có mẫu mã đẹp hơn đào Sapa, với vỏ trơn láng, nhẵn mịn, lông ít hoặc không có và kích thước khá lớn. Trong khi đó, đào Sapa trái nhỏ, nhiều lông, trước khi ăn phải rửa sạch hết lông bám bên ngoài.
Hồng Châu / VnExpress