Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) vừa đưa ra một số thông tin liên quan đến diễn biến thị trường mặt hàng chuối tại Trung Quốc để các doanh nghiệp, hộ nông dân Việt Nam nắm và chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo số liệu sản xuất và kỹ thuật ngành chuối Trung Quốc cho thấy diện tích trồng và sản lượng chuối của Trung Quốc thời gian qua đã giảm 25% (từ khoảng 430 nghìn hécta và sản lượng 12 triệu tấn của năm 2015 xuống còn hơn 320 nghìn hécta, sản lượng 9 triệu tấn vào năm 2016).
Bên cạnh nguồn cung chuối nội địa, Trung Quốc còn nhập khẩu chuối từ một số nước láng giềng lân cận như Việt Nam, Lào, Myanmar với giá nhập khẩu trung bình dao động quanh 4 nhân dân tệ/kg tùy chủng loại và chất lượng.
Các doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển bền vững và phòng tránh rủi ro về mặt pháp lý cần xuất khẩu hàng hóa theo chính ngạch. Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+ |
Lượng chuối Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam năm 2017 đạt gần 51 nghìn tấn, kim ngạch đạt 24,3 triệu USD. Tính đến hết tháng 1/2018, lượng chuối nhập khẩu từ Việt Nam là 5.132 tấn với kim ngạch là 2,8 triệu USD.
Giá bán lẻ mặt hàng chuối tại Trung Quốc từ đầu năm 2018 không ổn định, cụ thể từ tháng 1 đến tháng 2, giá dao động từ 3- 3,5 nhân dân tệ/kg, sau Tết Âm lịch đến nay giá chuối giảm khoảng 40%, còn khoảng từ 1,5-2,5 nhân dân tệ/kg. Riêng chuối nhập khẩu có giá bán lẻ cao hơn chuối nội địa.
Ngoài ra, tại các tỉnh giáp biên giới Việt Nam như Quảng Tây, Vân Nam giá chuối bán lẻ cũng có biến động tương tự. Thời điểm trước và sau Tết giá khá cao, khoảng trên 4 nhân dân tệ/kg; đầu tháng 3, giá giảm mạnh khoảng 40-50%, chỉ còn hơn 2 nhân dân tệ/kg. Ở thời điểm hiện tại giá bán lẻ chuối tại Quảng Tây đã trở lại khoảng 4 nhân dân tệ/kg.
Tính đến thời điểm ngày 13/3/2018, giá chuối nhập khẩu từ Việt Nam, Lào và Myanmar tại khu vực Vân Nam tăng nhẹ, mức tăng từ 0,1- 0,2 nhân dân tệ/kg.
Riêng khu vực Hà Khẩu, Kim Bình (giáp Lào Cai và Lai Châu), giá dao động từ 2,1-2,8 nhân dân tệ/kg đối với chuối chất lượng tốt và từ 1,7-2,1 nhân dân tệ/kg đối với chuối có chất lượng trung bình. Nguồn cung và giá chuối tại thị trường Trung Quốc thường diễn biến theo quy luật như sau:
Trong hai tháng đầu năm thường được giá do ảnh hưởng nhu cầu tiêu thụ của Tết Âm lịch, giá chuối bán lẻ dao dộng từ 3-5 nhân dân tệ/kg, với chuối chất lượng cao hoặc nhập khẩu giá có thể cao hơn.
Tháng 3 giá chuối trên thị trường thường giảm do nguồn cung tăng từ địa phương chuyên canh chuối như Vân Nam, Hải Nam khi thời tiết ấm dần lên; bên cạnh đó nguồn cung từ Myanmar, Lào cũng vào vụ.
Đến tháng 4 và 5 giá thường ổn định và có thể tăng nhẹ do thời điểm này nhu cầu tiêu thụ chuối khá ổn định. Tuy nhiên, từ trung tuần tháng 5 trở đi, chuối tại Vân Nam, Lào, Myanmar vào cuối vụ; nguồn cung chuối chất lượng cao ra thị trường giảm và chủ yếu là từ Hải Nam.
Kể từ tháng 6 đến tháng 9 khu vực chuối tại Hải Nam vào cuối vụ, khu vực Quảng Đông, Phúc Kiến thay thế trở thành nguồn cung chính bởi thời điểm này vào mùa mưa bão nên giá chuối dao động theo diễn biến thời tiết. Vì thế người nông dân cũng thường có xu hướng cố gắng thu hoạch sớm trước mùa mưa bão.
Giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 11 chủ yếu là nguồn cung chuối từ Quảng Tây. Với chất lượng được đánh giá khá cao do không bị ảnh hưởng của bệnh vàng lá hay thời tiết nên giá chuối Quảng Tây tương đối cao và ổn định.
Tuy nhiên, dù đã ban hành một số chính sách hỗ trợ đối với ngành trồng trọt nhưng diện tích trồng chuối trong năm 2018 của Quảng Tây dự kiến vẫn giảm khoảng 40%.
Riêng từ tháng 12 đến đầu năm tiếp theo là thời điểm nguồn cung và chủng loại hoa quả (trong đó có chuối) tại Trung Quốc đều thiếu do thời tiết giá lạnh nên giá cả thường tăng cao.
Chính vì vậy, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp nên thông qua hệ thống các Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại tại Trung Quốc khi xuất khẩu sang thị trường này.
Bởi hiện nay Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu qua con đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, việc xuất khẩu này lại thường không có tính ổn định, giá trị mỗi giao dịch nhỏ và sẽ gặp rất nhiều rủi ro nếu đối tác Trung Quốc buông hợp đồng.
Vì thế, về lâu dài, các doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển bền vững và phòng tránh rủi ro về mặt pháp lý cần xuất khẩu hàng hóa theo chính ngạch.
Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)