Theo kết quả bình chọn của Tạp chí du lịch Travel+Leisure, thành phố cổ Hội An nhận được 90,39 điểm trên thang điểm 100, nhờ “cư dân địa phương thân thiện, văn hóa, di sản và ẩm thực phong phú”.
Về ẩm thực, khi đến tham quan phố cổ Hội An, những món ăn đặc sản của địa phương khiến du khách không thể không thưởng thức là món cơm gà, cao lầu, bánh mỳ, mỳ Quảng, bánh đập hến xào...
Cơm gà
Là một trong các món ăn vô cùng phổ biến và thân thuộc với nhiều du khách khi đi du lịch, cơm gà Hội An đang mang một dáng vẻ gì đó rất đặc trưng mà người ta dễ dàng nhận ra khi thưởng thức.
Với thành phần chủ yếu là những chú gà ta thơm ngon béo ngậy cùng cơm trắng, món cơm gà khi ăn cùng với dưa muối hoặc dưa góp sẽ vô cùng phù hợp. Đó chắc hẳn sẽ là món ăn đặc sản Hội An được nhiều người yêu thích nhất.
Giá cả món cơm gà ở Hội An cũng rất bình dân, chỉ khoảng 30 ngàn đồng/dĩa “bao ngon, bao no”. Nếu muốn ăn thêm gà thì du khách phải trả thêm. Trong khu phố cổ, muốn ăn cơm gà cũng rất đơn giản, vì có rất nhiều quán sẵn sàng phục vụ du khách với ít phút đi bộ.
Cao lầu
Nhắc tới cao lầu chắc hẳn không ai còn cảm thấy xa lạ gì với món ăn này, nếu nói Hội An có đặc sản nào là ấn tượng nhất thì có lẽ không đâu xa lạ đó chính là món đặc sản cao lầu của vùng đất nơi đây. Là món ăn độc đáo gắn liền với phố cổ Hội An.
Tuy món ăn này đã có từ rất lâu về trước nhưng trải qua thời kỳ cùng sự biến đổi của môi trường xã hội nhưng người ta vẫn giữ được những nét truyền thống cùng các hương vị rất đặc trưng riêng biệt mà không nơi nào có. Nếu bạn có dịp ghé thăm nơi nãy hãy nếm thử một lần nhé. Chắc chắn bạn sẽ không cảm thấy hối tiếc.
Mới nhìn cao lầu trông giống như mì nhưng không phải mì. Người ta ít biết đến cao lầu không phải vì nó không ngon mà vì món ngon này khiêm nhường. Nhiều người cho rằng món này của người Hoa, nhưng Hoa kiều ở đây lại không công nhận nó. Còn người Nhật thì cho rằng nó giống mỳ udon của họ nhưng khác về hương vị và cách chế biến.
Tinh túy của món cao lầu là sợi mì, thường được chế biến rất công phu. Đầu tiên, gạo thơm đem ngâm vào nước tro, mà phải là tro nấu củi lấy ở tận Cù lao Chàm, khi ngâm mới tạo ra được sợi mì có độ giòn, dẻo, và khô.
Sau đó lọc kỹ, xay thành bột; nước xay gạo phải là nước ở giếng Bá Lễ do người Chăm làm cách đây cả ngàn năm, mới được nước ngọt, không bị phèn và mát lạnh. Tiếp tục dùng vải bòng nhiều lần cho bột dẻo, khô, cán thành miếng vừa cô, xắt thành từng sợi, đem hấp nhiều lần rồi phơi khô để làm sợi mì. Qua nhiều lần xử lý như vậy nên dù cao lầu có để qua đêm cũng không sợ ôi thiu.
Người ta thường ăn cao lầu với giá trụng nước sôi nhưng không được quá mềm. Thêm ít rau sống, được lấy ở làng rau truyền thống Trà Quế nổi tiếng ở Hội An. Giá trụng đổ ra tô, xếp mì lên trên, thêm vài lát thịt xíu rồi đổ tép mỡ (da heo chiên giòn) và một muỗng mỡ heo rán để sẵn bên lò nước.
Với thịt xíu, chỉ dùng thịt heo cỏ, thịt săn chắc, thơm, vừa mỏng da vừa nhiều nạc và nước của nó mới có vị ngọt. Khi ăn, cao lầu cho cảm giác sựt sựt của sợi mì, đủ mùi vị chua, cay, đắng, chát, ngọt của rau sống, hương vị của mắm, bột thơm, nước tương… và tép mỡ vỡ tan trong miệng.
Mì Quảng
Mì Quảng cũng như phở, bún đều được chế tác từ gạo nhưng lại có sắc thái và hương vị riêng biệt. Ðúng như tên gọi, mì này nguyên có nguồn gốc xuất phát từ xứ Quảng Nam. Ðể làm mì, người ta dùng gạo ngâm nước cho mềm, đem xây thành nước bột mịn, không đặc không lỏng, pha thêm ít phèn sa để cho sợi mì giòn, cứng rồi đem tráng thành lá mì.
Khi chín vớt ra đặt lên vỉ cho nguội, thoa sơ lớp dầu phụng cho mì khỏi dính, sau đó xắt thành sợi. Nước nhưn (nhân) mì tiếng địa phương còn gọi là nước lèo được làm bằng tôm, thịt heo, hoặc bằng thịt gà, có khi được làm bằng cá lóc, thịt bò… rất là đa dạng nhưng phổ biến hơn cả là nhưn tôm, thịt heo, bò hoặc thịt gà.
Muốn làm nhân tôm và thịt, người ta làm tôm sống, bỏ dầu, một số con đem giã dập, một số để nguyên con. Thịt ba chỉ xắt mỏng cho vào với tôm ớp gia vị rồi đa lên bếp tô cho thấm. Lại cho thêm mấy củ hành, đổ vào nồi nấu cà chua, thơm để lấy vị thơm, ngọt cho nước lèo.
Ðối với nhưn thịt gà thì sau khi đã làm sạch, chặt thành từng miếng nhỏ trộn ướp với tiêu, hành, tỏi, đa lên bếp tô cho thấm, rồi nấu thêm với các loại cà chua, thơm, hành đến khi chín thành nước lèo. Nước nhưn mì không cần nhiều màu mè, không cần nhiều gia vị mà phải ngọt.
Cái ngọt này đặc biệt khác với vị ngọt của nước phở nấu bằng xương bò, nước lèo của bún hầm xương heo. Rau sống để ăn với mì thông thường là loại rau đắng, diếp cá, húng, quế, cải, hành, ngò… của vùng rau Trà Quế nổi tiếng nằm ở phía Ðông Bắc phố cổ Hội An, ăn mì Quảng phải kèm rau sống Trà Quế mới thật đúng “tông”. Chỉ có rau ở vùng này mới thể hiện hết cái nhiều mùi vị hương thơm cay, chát, ngọt, đắng… làm tăng thêm hương vị của tô mì Quảng.
Bánh mì
Vốn đã rất nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn trên thế giới, bánh mì Hội An từ lâu đã trở thành một món ăn đặc sản độc đáo trong mắt những khách du lịch khi tới đây, nhờ bàn tay khéo léo của các chủ cửa hàng, những chiếc bánh mì thơm ngon sẽ làm cho những người thưởng thức cảm nhận được hương vị thơm ngon hấp dẫn mà không đâu sánh bằng.
Giờ cao điểm, dễ dàng gặp cảnh xếp hàng để được thưởng thức bánh mì tại một số cửa hàng, thương hiệu đã có tên tuổi ở Hội An. Dù trưa nắng gắt hay mưa gió nhưng để thưởng thức bánh mì Hội An, du khách cũng rất… chịu khổ.
Bánh đập hến xào
Bánh đập (hay còn gọi là bánh chập) là loại bánh dân dã mà người dân xứ Quảng nào cũng biết. Nó là sự kết hợp hài hòa giữa hai loại bánh tráng nướng và bánh tráng ướt với một số nguyên liệu khác để tạo nên hương vị mới lạ. Miếng bánh đập dòn rụm tan trong miệng ăn kèm với hến xào vừa miệng là món ăn chơi cực hấp dẫn ở Hội An.
Bánh đập hến xào
Bánh được tráng từ loại gạo dẻo thơm ngon, một phần làm bánh tráng nướng, một phần làm bánh tráng ướt. Với bánh tráng nướng, bánh được tráng cực kỳ mỏng, rồi mang đi phơi khô và nướng trên bếp than, sau đó bỏ vào bao cột kín để giữ được độ giòn lâu và dùng làm dự trữ. Bánh tráng ướt, chỉ khi nào ăn mới làm.
Bánh đập được tạo nên từ hai loại bánh này. Ghép một miếng bánh ướt với một miếng bánh tráng giòn, trên nửa lớp bánh ướt phết dầu mỡ hành. Tùy theo sở thích, người ta có thể cho thêm mì lá vào cùng với lớp bánh tráng ướt.
Tiếp đó dùng tay đập nhẹ nhẹ lên bánh để hai miếng bánh dính lại với nhau, phần bánh tráng nướng bị vỡ và phần bánh ướt sẽ kết dính các vụn bánh nướng lại, giúp cho miếng bánh tráng nướng không cứng cũng không bị mềm nhũn mà ươn ướt, dẻo dẻo. Sau đó gập đôi bánh lại là đã có một chiếc bánh đập. Bánh đập phải thật mỏng ăn mới ngon.
Ăn bánh đập cũng như ăn bánh xèo, phải có nước mắm nêm (mắm cái) và tương ớt cay. Mắm pha với một chút đường, trái dứa (thơm) bằm nhỏ, một chút hành phi dầu, thêm tỏi và ớt sừng xanh đặc hiệu của xứ Quảng, loại ớt này khi giằm vào mắm thì dậy mùi thơm đặc trưng. Như thế là đã có một chén nước chấm hoàn thiện. Chén nước chấm chỉ đơn giản vậy thôi nhưng ngon đến lạ.
Dãy hàng quán ở Cẩm Nam (từ phố cổ Hội An qua cầm Cẩm Nam) luôn luôn chào đón du khách đến thưởng thức bánh đập hến xào bất kể mùa nào trong năm.
Theo Công Bính
(Dân trí)