Đến với Mộc Châu, du khách không những được hòa mình trong không gian tươi đẹp đầy sắc màu của hoa lá, cây cỏ mà còn có cơ hội thưởng thức nét văn hóa ẩm thực vô cùng độc đáo nơi đây
Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản thường thấy trong bữa ăn của người Thái đen. Món thịt này thường được làm từ bắp của những chú trâu, bò nhà thả rông trên các vùng núi đồi Tây Bắc. Khi làm, người ta lóc các thớ thịt ra thành từng miếng kiểu con chì và thái dọc thớ, rồi hun bằng khói của than củi từ các núi đá.
Với miếng thịt trâu thành phẩm, mùi khói gần như vẫn còn nguyên, song lại không gây khó chịu. Các kỹ thuật chế biến đều là bí quyết gia truyền, song sản phẩm khá thuần nhất. Người làm dùng cách tẩm ướp thịt với các gia vị khác như ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén - một loại hạt tiêu rừng của người dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc. Các gia vị này thậm chí còn thấy nguyên trên từng thanh thịt. Miếng thịt khô nhưng vẫn giữ nguyên mùi vị đặc trưng, nhất là độ ngọt của thớ thịt.
Khi ăn người ta xé nhỏ dọc theo thớ, có thể ăn ngay hoặc được coi là món nhậu chính uống cùng rượu ngô. Món này được chế biến hoàn toàn tự nhiên, không có chất bảo quản nhưng vẫn để dự trữ được khoảng 1 tháng.
Bê chao
Nếu có dịp đi du lịch Mộc Châu, dừng chân thưởng thức món bê chao chắc chắn bạn sẽ khó có thể quên hương vị đậm đà của một món ăn mang đậm chất Tây Bắc này.
Những chú bò non ở Mộc Châu khi mới sinh ra (gọi là bê) được xác định giới tính, nếu là bê cái sẽ giữ lại nuôi để lấy sữa, còn bê đực không cho sinh sản sẽ bị loại. Khi bê con bị loại, người dân ở cao nguyên Mộc Châu đã biến nó thành một món ăn giàu chất dinh dưỡng, ngon và hấp dẫn - món bê chao.
Bê chao ăn nóng, phần bì phồng lên lấm tấm trắng, khẽ cắn vào thì thấy giòn, nhưng nhai kỹ vẫn có một chút dai vương vấn. Một thứ gia vị đi kèm không thể thiếu là nước tương. Nước tương đặc sánh, ngả màu vàng đất được bỏ thêm gừng, sả băm nhỏ cho dậy mùi, trọn vị.
Cá suối Mộc châu
Cá suối có nhiều loại như: Cá trắng thân dẹt như cá mương, cá hoa, cá bống, lại có loài cá có màu đen lẫn với màu rêu đá.
Cá suối Mộc châu thường không lớn, chỉ bằng ngón tay, to lắm cũng chỉ như cán dao. Điều đặc biệt là cá suối không hề có vị tanh. Cá bắt được, nhóm lửa nướng sơ ngay bên bờ suối để có thể để dành ăn lâu dài hoặc đem lên bán cho các nhà hàng trên thị trấn.
Cải mèo
Rau cải Mèo của Mộc Châu được người dân địa phương nấu bằng nhiều cách: xào, nấu, luộc hoặc dùng để ăn lẩu. Thông thường, chế biến một cách đơn giản nhất, chỉ cần thái nhỏ, đập gừng đổ nước vào đun sôi là có một bát canh mát, rất hợp cho thực khách uống rượu. Kỳ công hơn, rau có thể nấu cùng với thịt gà băm rối, không quên bỏ gia vị gừng, nêm vừa mắm, muối, người thưởng thức sẽ cảm nhận được một hương vị thật độc đáo. Chất ngọt của thịt gà quện với cái ngọt mát, ngăm ngăm đắng của rau cải làm cho người ăn cảm thấy không bị ngán.
Rau cải Mèo còn hấp dẫn nếu được xào với thịt bò, đặc biệt là thịt hun khói. Những sợi rau giòn, dai hơi nhặng đắng kết hợp với món thịt hun có vị đậm đà rất riêng tạo nên nét đặc sắc cho ẩm thực vùng cao. Nhiều người còn dùng cải Mèo trong danh sách các loại rau để ăn lẩu.
Xôi ngũ sắc
Để làm ra xôi ngũ sắc cần chuẩn bị khá công phu. Gạo nếp nương loại ngon được chia làm 5 phần và trộn với các loại lá cây rừng khác nhau để nhuộm màu. Tùy thuộc vào mỗi loại lá và cách pha chế để tạo ra 5 màu khác nhau. Xôi sau khi đồ rất mềm, dẻo, thơm và bắt mắt. Bạn có thể thưởng thức món ăn này trong các phiên chợ ở Mộc Châu. Chỉ khoảng 10.000 đồng là bạn đã có thể no bụng rồi.
Ốc đá ở Suối Bàng
Du lịch Mộc Châu thưởng thức Ốc đá ở Suối Bàng thường chỉ xuất hiện từ tháng 4 đến cuối tháng 8. Những tháng còn lại chúng vùi mình trong những lớp lá dày hoặc nằm im dưới đất.
Mọi người thường nấu canh, hoặc đơn giản nhất là luộc với xả, ớt chấm mắm ớt. Con ốc khều ra quệt qua tí nước chấm bỏ vào miệng thấy cay cay đầu lưỡi, ốc chạm vào răng lại thấy giòn giòn, vị ngọt mát lan d.n xuống cuống họng. Cái ngon ngọt, mát giòn của ốc đá là thế, không tanh mà còn có vị hăng, thơm của lá rừng.
Theo Minh Anh - Dân trí