2016 đã sắp qua đi để lại một năm có rất nhiều sự kiện kinh tế xã hội có cả vui, buồn, đầy hy vọng... đối với nước ta.
2016 sắp qua đi để lại một năm có rất nhiều sự kiện đối với nước ta. Bức tranh toàn cảnh của hệ thống kinh tế - xã hội Việt Nam có những điểm sáng không thể không nhắc tới.
1. Thông điệp từ Chính phủ kiến tạo
Năm nay, Đại hội lần thứ XII của Đảng đã bầu ra ông Nguyễn Phú Trọng trở thành Tổng bí thư. Đây đã là lần thứ hai ông Nguyễn Phú Trọng tại nhiệm ở vị trí này. Nửa năm sau, Quốc hội đã bầu và phê chuẩn 27 thành viên Chính phủ với 23 gương mặt mới, do ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng.
Trong những bài phát biểu đầu tiên của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra cụm từ “chính phủ kiến tạo và phục vụ”, với những cam kết đầy tự tin về việc xây dựng một chính phủ có quyết tâm đổi mới, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp; phát huy và bảo đảm tính dân chủ; chăm lo đời sống vật chất tinh thần của người dân.
2. Sản xuất công nghiệp dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế
Dù trong năm qua, mức tăng trưởng đã không đạt như mục tiêu nhưng nếu nhìn nhận chung tất cả các ngành đóng góp vào nền kinh tế, chúng ta có thể thấy điểm sáng ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
Cụ thể, trong 11 tháng năm 2016, sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,3%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 11% và khai khoáng giảm 6,3%. Một số sản phẩm công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm trước như ti vi, thép cán, ô tô, sắt thép thô, thức ăn gia súc, xi măng. Ngoài ra, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân ở 11 tháng 2016, là 66,9%, đã giảm so với mức 72,9% năm 2015.
Có thể thấy, là không sai khi nói ngành công nghiệp chế biến chế tạo chính là động lực tạo sự tăng trưởng cho nền kinh tế trong năm qua.
3. Môi trường kinh doanh cải thiện rõ rệt
Có thể kể đến một vài ví dụ về việc môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã được cải thiện trong năm vừa qua như việc ngành thuế đã cắt giảm từ 385 thủ tục xuống còn 300 thủ tục hành chính thuế; sửa đổi, bổ sung 51/70 quy trình, quy chế quản lý thuế; mở rộng khai thuế điện tử cho doanh nghiệp và cá nhân; ký thỏa thuận với 45 ngân hàng thương mại để triển khai nộp thuế điện tử, rút ngắn thời gian nộp thuế xuống còn 110 giờ. Kết quả, hiện, hiện có trên 71% người nộp thuế được hỏi hài lòng với kết quả cải cách của cơ quan thuế trong những năm qua.
Gần đây nhất, báo cáo môi trường kinh doanh năm 2016 do Ngân hàng Thế giới thực hiện cũng cho thấy, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam 2016 đã tăng tới 9 bậc, xếp thứ 82 trong 189 quốc gia được xếp hạng
Một con số số rất ấn tượng khác trong 11 tháng, cả nước đã có 101.683 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nâng số doanh nghiệp hoạt động vào thời điểm cuối tháng 11 là cao nhất trong 6 năm trở lại đây.
4. Thị trường chứng khoán Việt Nam lên đỉnh 8 năm
Những ngày giữa tháng 7/2016, chỉ số VnIndex có mức tăng ấn tượng 30% so với thời điểm đáy đầu năm 2016, đạt số tuyệt đối cao nhất kể từ thời điểm quý 1/2008. Điều này càng đặc biệt hơn khi cách đó mới một tháng, sự kiện Brexit xảy ra đã phủ sắc đỏ lên toàn cầu.
Đây là một minh chứng rõ ràng cho sự sôi động của thị trường chứng khoán Việt Nam sau đúng 15 năm ngày thành lập. Còn nhớ, ngay trước khi phá đỉnh, chứng khoán Việt Nam cũng từng được đánh giá là một trong 5 thị trường thế giới có mức tăng trưởng cao nhất và có mức sinh lời lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á.
5. Cán cân thương mại có chiều hướng khả quan
Tính đến hết tháng 11/2016, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 159,5 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 156,6 tỷ USD. Vậy, cán cân thương mại của cả 11 tháng hiện đang dừng ở mức xuất siêu 2,9 tỷ USD.
Đây quả là một tin vui bởi lẽ chỉ trong 10 tháng đầu năm, lạm phát đã có mức tăng trưởng 2,27% so với năm ngoái. Ông Pieter Pennings, Giám đốc CEL Consulting từng cho rằng, dù có sức ép lạm phát kèm theo việc GDP tăng trưởng chậm lại nhưng bù lại thị trường xuất nhập khẩu Việt Nam vẫn có những tín hiệu khả quan.
Năm nhóm hàng xuất siêu nhiều nhất chiếm khoảng 70% tổng giá trị xuất siêu, bao gồm hàng dệt may, diện thoại và linh kiện, giày dép, hàng thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Có thể thấy ngay những hàng xuất siêu mạnh nhất của Việt Nam phần lớn là hàng thành phẩm gia công, lắp ráp.
6. Xu hướng hiện đại hóa bán lẻ
Thị trường bán lẻ Việt Nam có một năm “thay da đổi thịt” khi đã chứng kiến nhiều xu hướng mua sắm hàng hóa mới xuất hiện.
Khu vực thành thị chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của các kênh mua sắm mới như cửa hàng bách hóa (tăng 11%) và cửa hàng tiện lợi (tăng 34%).Với tiềm năng lớn của ngành bán lẻ, có thông tin cho rằng 7-Eleven gia nhập thị trường Việt Nam.
Các kênh bán hàng mới phát triển cũng phần nào khiến kênh truyền thống sụt giảm thị phần. Tại nông thôn, chỉ riêng trong tháng 10, kênh chợ truyền thống ghi nhận giảm giá trị với tốc độ 8%, tăng 4% so với tháng 9.
Ngoài việc thay đổi cơ cấu kênh mua sắm, xu hướng hiện đại hóa bán lẻ còn thể hiện ở điểm người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các thực phẩm là hữu cơ sạch và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
7. Điều hành chính sách tiền tệ một cách vững vàng từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN)
Dù 2016 là một năm tài chính thế giới có nhiều biến động do có nhiều sự kiện chính trị xảy ra nhưng các chính sách tiền tệ được thực hiện trong năm nay vẫn đã theo kịp được những biến chuyển của thế giới.
Trước hết là tỷ giá, cho dù đồng USD đã tăng mạnh trong năm qua nhưng tỷ giá vẫn đã gần như không đổi, thể hiện một chính sách điều hành tỷ giá ổn định của NHNN. Hồi 31/12/2015, Vietcombank niêm yết tỷ giá USD/VND chiều bán ra là 22.550 đồng/USD. Cuối tháng 11/2016, cũng tỷ giá này nhưng chỉ ở mức 22.600 đồng/USD.
Hiện nay, mặt bằng lãi suất bình quân của cả nền kinh tế là khá thấp, không chỉ thấp so với những năm trước mà còn thấp hơn mặt bằng huy động vốn chung của cả khu vực Đông Nam Á, qua đó tạo điều kiện cho nguồn vốn tín dụng cuối năm được dồi dào.
Thêm vào đó, thị trường tài chính còn có nhiều tin vui khác như việc thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt, thanh khoản của các tổ chức tín dụng cũng đã tiếp tục được đảm bảo. Đây đều là những tín hiệu đáng mừng cho thấy sự điều hành của NHNN đang đi đúng hướng.
8. Tổng thống Mỹ Obama tới thăm Việt Nam
Hồi cuối tháng 5, Tổng thống Mỹ - ông Barack Obama đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên trong hai nhiệm kỳ của mình.
Theo giới chuyên môn, chuyến thăm này của ông Obama có mục đích là nhằm để củng cố chính sách xoay trục sang châu Á, thắt chặt quan hệ về an ninh, kinh tế với Việt Nam - một đối tác đang ngày càng có vai trò quan trọng đối với Mỹ.
Đặc biệt, trong chuyến thăm, ông Obama cũng đã tuyên bố sẽ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam. Đây là một quyết định được đánh giá mang tính bước ngoặt trong mối quan hệ Việt - Mỹ, góp phần nâng cao và làm sâu sắc thêm niềm tin chiến lược giữa đôi bên, đưa quan hệ đối tác toàn diện đi vào thực chất.
9. Nông- Lâm- Thủy sản khó khăn nhất trong vòng 6 năm
Nông nghiệp đã thoát khỏi tăng trưởng âm, đạt 0,05% trong 9 tháng qua nhưng tổng thể tăng trưởng của khu vực nông- lâm- thủy sản đang thấp nhất trong 6 năm qua, chỉ đạt 6,19%. Cả năm, GDP từ nông nghiệp chỉ tăng trưởng 1,2%.
Nhóm ngành này có mức tăng trưởng kém chính là do đã phải chịu đựng một năm có nhiều sự thay đổi từ môi trường mà cơn hạn hán ở miền Nam chính là ví dụ điển hình. Giám đốc World Bank tại Việt Nam, ông Ousmane Dione đưa ra khuyến nghị rằng nông nghiệp Việt Nam cần thay đổi cách làm để vượt qua những thách thức về biến đổi khí hậu, qua đó thoát khỏi cảnh tăng trưởng đang giảm sâu như hiện nay.
Vượng Lê
Theo Trí Thức Trẻ