Hai nghịch lý đang diễn ra hiện nay là giá lúa gạo trong nước vẫn tăng dù xuất khẩu gạo ảm đạm, tồn kho nhiều và VFA vẫn tiếp tục kiến nghị tạm trữ lúa gạo.
ĐBSCL đã thu hoạch 20% diện tích lúa Đông Xuân và dự kiến cuối tháng 2/2017 sẽ bước vào đợt thu hoạch rộ. Việc thu hoạch diễn ra khi có 2 nghịch lý đang tồn tại trong thị trường lúa gạo.
Thứ nhất, trong khi xuất khẩu gạo những tháng đầu năm nay khá ảm đạm và tồn kho tới 1 triệu tấn (theo VFA) thì giá lúa gạo ở trong nước vẫn liên tục tăng lên.
Thứ hai, giá tăng nhưng VFA vẫn kiến nghị tạm trữ lúa gạo vụ Đông Xuân để đảm bảo mức lãi tối thiểu 30% cho bà con nông dân. Những nghịch lý này đã và đang là thách thức cho việc xuất khẩu gạo đầu năm nay.
Giá lúa IR50404 tươi bán tại ruộng đang ở mức 4.600 VND/kg, cao hơn 300 đồng so với trước Tết Nguyên đán do các DN đẩy mạnh thu mua để đảm bảo hợp đồng 250.000 tấn gạo sang Philippines. Theo các chuyên gia, kịch bản lúa gạo hiện nay không khác năm 2016. Sau khi DN thu mua đủ gạo, giá sẽ thay đổi. Nhất là khi hầu hết dự báo, kể cả của Bộ Nông nghiệp Mỹ đều cho rằng, giá gạo thế giới năm nay mới xuống đáy chứ không phải năm 2016.
Vậy còn chương trình tạm trữ lúa gạo vụ Đông Xuân có nên thực hiện trong bối cảnh hiện nay? Nhiều DN cho rằng, những can thiệp mang tính mệnh lệnh hành chính sẽ chỉ làm khó thêm cho thị trường.
Đầu năm nay, lô gạo chính ngạch đầu tiên đã được xuất sang Trung Quốc đánh dấu bước ngoặt khi thị trường được xem là dễ tính nhất thế giới này đã bắt đầu siết chặt chất lượng. Những thách thức này cho thấy đã đến lúc ngành lúa gạo Việt Nam phải thay đổi.
Một con số cũng đáng lưu ý là tồn kho gạo thế giới liên tục trong 3 năm nay duy trì mức 120 triệu tấn, gấp 3 lần nhu cầu thương mại gạo toàn cầu. Vì thế, việc mở rộng sản xuất trong những vụ tiếp theo là điều cần cân nhắc cẩn trọng trong thời gian tới.
Theo Đỗ Thủy
VTV