Trong một danh sách dài những nông dân có tài năng đặc biệt, sáng tạo đặc biệt, áp dụng được vào thực tiễn, phục vụ cho người dân, tôi chọn gặp anh Phạm Văn Hát (Ngọc Kỳ, Tứ Kỳ, Hải Dương) - người nông dân sáng chế robot khiến người Israel thán phục.
Trí tuệ nông dân
Dọc đường dẫn về quê anh Hát là cánh đồng hoa màu trải rộng, những thửa ruộng su hào, bắp cải, súp lơ… đang lên xanh mơn mởn. Tôi biết rằng: Trên cánh đồng mơn mởn ấy một phần là thành quả mà anh Hát đóng góp cho quê hương mình. Gặp anh Hát, cảm thấy như hình ảnh người nông dân thời đại mới hội tụ đầy đủ ở con người này. Chân chất nhưng hoạt bát, luôn đam mê sáng tạo, dám nghĩ dám làm và cảm tưởng như có một chút “máu liều” là điều tôi thấy ở người nông dân mới chỉ học hết lớp 7.
Để có những thành công như hôm nay, ít ai biết rằng, anh đi lên từ thất bại.
Vào năm 2006, cái máu làm giàu nổi lên, anh đã tự thân tìm hiểu về dự án trồng rau an toàn, một phương thức hoàn toàn mới ở thời điểm đó. Một số lý do chủ quan, dự án không thể tiếp tục, anh mang món nợ hơn 2 tỉ đồng. Giải pháp duy nhất là anh phải xuất khẩu lao động để trả nợ. Anh sang Israel lao động vào năm 2010.
Nông dân Phạm Văn Hát
Israel là một đất nước có nền nông nghiệp phát triển nhưng nhiều giai đoạn làm việc lại vẫn thủ công. Lúc đó anh được bố trí làm việc cho một trang trại, công việc là cuốc hố, rải phân cho đều để trồng rau. Công việc quá vất vả, nhiều đêm nằm vắt tay lên trán nghĩ cách làm sao cho đỡ khổ, anh đã sáng kiến ra máy rải phân.
Nói về cơ duyên sáng chế đầu tiên ấy, anh Hát kể: “Ban đầu gian nan vì tôi không biết tiếng Anh, tất cả giao tiếp với chủ là nhờ công cụ google, rất may là chủ cũng hiểu ý rồi tạo nhiều điều kiện cho tôi thực hiện”.
Thế là sau gần 6 tháng tự mày mò nghiên cứu, cuối cùng anh Hát đã sáng chế ra chiếc máy rải phân tự động. “Nếu như trước, một ngày chủ phải dùng 25 nhân công lao động để rải phân cho khoảng 2ha ruộng thì khi có máy của tôi chỉ cần 2-3 người làm. Để chế ra được chiếc máy, tôi đã phải thử đi, thử lại đến cái thứ 3. Còn nhớ lúc sản phẩm hoàn thành, mặc dù trời sắp tối, ông chủ vẫn đem máy ra cánh đồng thử. Máy chạy đến đâu, rải lên luống một lớp phân đều đến đấy. Quá bất ngờ và cảm kích, ông chủ ôm chầm lấy tôi rồi cầm luôn bình sơn xịt lên máy dòng chữ “Máy của Hát”. Với thành công này, tôi được chủ ghi nhận và thưởng cho 5.500USD” - anh Hát vui vẻ kể.
Sau thành công đều tiên. Hát về nước để trực tiếp chế tạo nông cụ cho quê mình. Về quê nhà, anh Hát thấy người dân trồng màu nhiều, việc cày cuốc, làm luống trồng rau rất vất vả. Anh bắt đầu nghĩ đến việc phải sáng chế ra một chiếc máy đánh luống. Ngay lập tức anh Hát bắt tay làm, rất nhanh, chỉ mấy tháng sau, máy đánh luống của anh Hát ra đời.
Rồi có lần đi qua vùng trồng cà rốt, thấy bà con phải gieo hạt bằng tay, tỷ mẩn từng chút một. Có nơi đã có máy nhưng phải dùng tay kéo, hạt giống tra ra không đều, phải đi tra bổ sung. Anh Hát đã nghĩ là phải chế tạo ra một “robot đặt hạt tự động”. Cứ thế, lần lượt các máy thu hoạch lá, máy cày, máy thái củ quả… được ra đời. Tiếng lành đồn xa, bà con nông dân không chỉ ở Hải Dương mà cả ở khắp tỉnh thành trong cả nước biết tiếng đều tìm về anh Hát để đặt máy. Đến nay, sau hơn 4 năm về khởi nghiệp trên quê hương, anh Hát đã cho ra đời 14 đầu nông cụ phục vụ nông nghiệp.
Đi lên từ… đất
Nhìn cơ ngơi của anh, ít ai ngờ gần chục năm trước món nợ gần 2 tỉ “treo trên đầu”. Theo anh Hát, từ ngày về nước, sáng chế được nhiều nông cụ cho bà con nông dân, thu nhập gia đình cũng được cải thiện. Trung bình mỗi chiếc máy gieo hạt anh bán được 25 triệu đồng/chiếc, các nông cụ khác tùy từng đơn đặt hàng thu nhập cũng từ 40-65 triệu đồng/máy. Máy tiện dụng, cho hiệu quả cao, tiếng lành đồn xa… người dân từ Đồng Tháp, Tây Ninh cũng tìm đến, thậm chí còn có cả các doanh nghiệp lớn. Nhờ vậy, thu nhập của gia đình đã ổn định.
Quan sát chiếc máy mà anh Hát tâm đắc nhất là robot gieo hạt tự động, tôi băn khoăn rằng, một người nông dân mới học hết lớp 7 như anh, chưa được biết về những khái niệm như lập trình, bộ vi xử lý… Vậy mà lại chế tạo ra được “robot” thì thật lạ kỳ. Như hiểu được thắc mắc này, anh Hát nói: Đó cũng là cái khó của những nhà sáng chế “chân đất” như tôi. Nhiều khi ý tưởng đã thông mà không biết dùng từ diễn đạt thế nào cho chuẩn để thể hiện ý tưởng của mình, mọi thứ đều phải tự mày mò, làm đi làm lại.
Theo anh Hát thì sáng chế được máy cho người nông dân thì mình phải hiểu được thị hiếu của người dân. Máy phục vụ cho nông nghiệp thứ nhất phải rẻ, thứ hai là phải dễ sử dụng, để người trình độ thấp vẫn có thể dùng. Anh Hát cũng bảo: Những nhà sáng chế nông dân như tôi phải gắn bó với từng nắm đất, thửa ruộng... mới hiểu được người nông dân cần một chiếc máy như thế nào.
Hỏi khó khăn của một nhà sáng chế “chân đất” là gì? Bỗng nhiên giọng anh Hát trùng xuống. Anh Hát nói: “Khó khăn nhiều, phần vì ít vốn, phần nữa là gặp quá nhiều thủ tục nhiêu khê trong việc được cấp bằng sáng chế. Kinh phí không có, có khi tôi phải thế chấp cả sổ đỏ để vay tiền ngân hàng, rồi linh kiện thì phải tìm đặt tận các làng nghề ở Bắc Ninh, Bắc Giang… Như robot gieo hạt tự động, tôi phải mất gần 1 năm lên ý tưởng. Rồi cũng gần 1 năm thử nghiệm, bao lần thất bại là bấy nhiêu tốn kém. Nhiều đêm tôi, mất ăn mất ngủ bởi tiền trong nhà cứ lần lượt… “đội nón ra đi”.
Anh Phạm Văn Hát lắp ráp máy gieo hạt tự động
Những phân trần của nông dân Phạm Văn Hát cũng khiến người viết bài này nhớ đến những băn khoăn của ông Nguyễn Sỹ Cương, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội từng nói rằng: Nước ta có rất nhiều sáng chế của nông dân đang được áp dụng vào cuộc sống, giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhưng đáng tiếc là những phát minh, sáng chế vô cùng hữu ích này lại không nhận được đồng nào hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.
Liệu rằng, điều này có quá thiệt thòi cho người nông dân? Đã vậy, theo anh Hát thì những khó khăn này chưa nhằm nhò với việc được công nhận sáng chế. Theo anh Hát thì thủ tục cấp bằng sáng chế quá nhiêu khê, nguyên chuyện làm hồ sơ với những người học hành tử tế còn khó làm chuẩn chứ đừng nói những nông dân.
“Tôi thấy quy trình làm thủ tục đăng ký sáng chế cho nông dân chúng tôi quá rườm rà. Như khi làm thủ tục cấp bằng sáng chế cho robot gieo hạt tự động, tôi đã phải làm hồ sơ lại rất nhiều lần, hồ sơ bắt miêu tả từng chi tiết, thậm chí còn bắt minh họa vẽ 3D… Tôi cũng không phải đến nỗi không am hiểu nhưng thực sự cầu kỳ vậy thì tôi thấy nản quá” - anh Hát phân trần.
Nhà khoa học ở đâu?
Không phải Việt Nam không quan tâm đến sáng chế, hằng năm chúng ta dành đến 2% tổng chi ngân sách cho khoa học - công nghệ, trong đó có chi phí dành cho sáng chế mới. Số tiền không phải là ít. Thế nhưng, rất nhiều sáng chế đã được vẽ ra nhưng mãi mãi chỉ nằm… trên giấy. Trong khi sáng chế của nông dân lại chưa được quan tâm đúng mức.
Xin nhắc năm 2015, tại Hội chợ Công nghệ và thiết bị quốc tế Việt Nam - Techmart do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức đầu tháng 10-2015, chúng ta đã từng vui mừng với con số nhà sáng chế không chuyên tham dự đông nhất từ trước đến nay, lên tới 57 người. Tại khu trưng bày “Nông dân sáng tạo và phát triển” rất đông du khách đã ghé thăm những gian hàng của các nhà sáng chế “chân đất” này. Ở đó, có những sáng chế ấn tượng như máy cấy lúa không động cơ của nông dân Trần Đại Nghĩa (Tiền Hải, Thái Bình), nông cụ “8 trong 1” của Tạ Đình Huy (Chương Mỹ, Hà Nội) hay chiếc máy cuốn rơm và thu hoạch bắp - lúa liên hợp của nông dân Phan Tấn (tỉnh Đồng Tháp)… Mỗi người đến với sáng chế của mình bằng một lý do riêng, nhưng đồ rằng họ cùng chung một tình yêu, một niềm đam mê là... sáng chế.
Trong khi, con số nông dân sáng chế ngày một tăng lên như vậy thì các nhà khoa học ở đâu?
Đã một thời gian dài những câu hỏi: “Trong hơn 1.700 giáo sư Việt Nam, sao không có sáng chế?” liên tục được đặt ra. Và một thực tế là chúng ta có hàng trăm trường đại học, hàng nghìn cơ sở nghiên cứu, hàng chục nghìn cán bộ nghiên cứu, hàng chục nghìn tiến sĩ. Nhưng người sáng chế ra chiếc máy mang tính ứng dụng cao đối với sản xuất nông nghiệp lại đều là… nông dân.
Về điều này nông dân Phạm Văn Hát cho rằng: Nhà khoa học chẳng bao giờ lội xuống ruộng với người dân nên cho ra đời những máy móc to uỳnh bổ ngửa lại rất đắt.
Theo anh Hát thì sáng chế ứng dụng được là vậy nhưng những nông dân sáng chế như anh cảm thấy mình vẫn bị lạc lõng. Sản xuất theo kiểu tự cầu, tự cung, muốn hướng đến sản xuất chuyên nghiệp để đông đảo bà con nông dân được tiếp cận nông cụ cũng rất khó. Chúng ta đã từng có nhiều sáng chế của người Việt được nước ngoài ghi nhận. Như trường hợp của nông dân Trần Quốc Hải (Tây Ninh), ngoài chế tạo, sửa xe bọc thép cho quân đội Campuchia anh còn chế tạo máy bay thủ công. Chiếc máy bay này đã được một số tổ chức khoa học thế giới ghi nhận và đem đi triển lãm. Để thấy, những sáng chế của nông dân rất được trân trọng. Vậy mà ở Việt Nam thì bị thờ ơ, thậm chí còn… chết yểu.
Chính vì thế, để khuyến khích nông dân sáng chế, thì cần phải giảm thiểu khâu hành chính trong thủ tục cấp bằng sáng chế. Theo anh Hát thì thời đại của công nghệ, không đáng phải mất quá nhiều thời gian để phát hiện đạo ý tưởng. Còn về sản phẩm của mình, anh Hát cho rằng: “Máy của chúng tôi hợp với thực tiễn, nhỏ gọn, thích hợp trên mọi địa hình và hơn cả là giá cả phải chăng. Nếu được các trường nghiên cứu mua ý tưởng, hay được Nhà nước sản xuất đại trà… thì người được lợi ở đây là bà con nông dân!”.
Huyền Anh
Nguồn: Năng lượng Mới 497