Năm 2017 sắp khép lại với nhiều sự kiện, dấu ấn đáng nhớ trong lĩnh vực CNTT. Dưới đây là bình chọn của Dân trí về những sự kiện tiêu biểu nhất trong năm.
1. Thủ tướng trao giải nhất Nhân tài Đất Việt 2017
Sản phẩm "Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng cơ thể người phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khối ngành khoa học sức khỏe" thuộc hệ thống sản phẩm CNTT Tiềm năng của nhóm tác giả trường ĐH Duy Tân đã xuất sắc đoạt Giải Nhất lĩnh vực CNTT Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017. và vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao bằng khen.
Tại buổi trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao giải thưởng NTĐV. Thủ tướng nhấn mạnh: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia", thịnh suy của đất nước phụ thuộc vào những "hiền tài".
Thủ tướng cũng kêu gọi tất cả mọi người chung tay vì một xã hội học tập và sáng tạo không ngừng chính là môi trường lý tưởng cho sự phát triển của một Chính phủ kiến tạo và hành động. Những quyết tâm của Chính phủ cần phải được hiện thực hóa bằng những giải pháp sáng tạo, những kế hoạch, phương án hàm chứa trí thức thời đại và trí tuệ Việt Nam.
Nhân tài Đất Việt do báo Dân trí và tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT đồng tổ chức đã bước qua năm thứ 13, khẳng định vị thế, vai trò của một Giải thưởng tầm cỡ Quốc gia. Ngoài Công nghệ thông tin, Nhân tài Đất Việt còn trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả trong những lĩnh vực Y dược, Khoa học công nghệ và Môi trường.
2. Kỉ niệm 20 năm Internet vào Việt Nam
Vào ngày 19/11/1997, Internet đã chính thức đặt chân vào Việt Nam và sau 20 năm, theo thống kê nhanh cho thấy, người dùng Internet tại Việt Nam đã đạt gần 50 triệu, chiếm tỷ lệ 53% trên tổng số dân. Mức tăng trường này cao hơn mức trung bình của thế giới (46,64%) và cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (48,2%). Hiện Việt Nam nằm trong top những quốc gia và vũng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại châu Á.
Từ khi có Internet, Việt Nam đã sự thay đổi đáng kể, trong đó là sự chuyển hóa của xã hội, việc tiêu dùng thông tin, các mô hình dịch vụ, ứng dụng trên Internet đem lại sự thay đổi trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như tri thức, y tế… kể cả nông thôn và thành phố. Internet như một làn gió mới, đầy tích cực cũng như đóng vai trò không nhỏ cho tiến trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.
Đặc biệt sắp tới là xu thế 4.0 cũng như kết nối toàn cầu mạnh mẽ, rộng rãi thì Internet là một công cụ có thể nói là có lợi, để cho Việt Nam rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển trong xu thế hội nhập.
3. Các nhà mạng đồng loạt triển khai mạng 4G
Cuối năm 2016, đồng loạt các nhà mạng được cấp phép mạng 4G trên băng tần 1.800 MHz. Đến đầu năm 2017, các nhà mạng bắt đầu triển khai mạng di động thế hệ thứ 4, trong đó Viettel là nhà mạng đầu tư mạnh mẽ nhất với kỷ lục xây dựng gần 36.000 trạm thu phát sóng 4G khắp các tỉnh thành trên cả nước chỉ trong 6 tháng. Hiện tại nhà mạng quân đội đã phủ sóng 4G tới 95% dân số cả nước.
Nhà mạng VNPT và MobiFone cũng đồng loạt triển khai mạng 4G với tốc độ phủ sóng chậm hơn với quy mô phủ sóng theo từng địa phương. VNPT cho biết trong năm nay sẽ xây dựng khoảng 15.000 trạm thu phát sóng 4G, phủ sóng tất cả các khu vực trọng điểm tại 63 tỉnh thành trên cả nước. Trong khi đó, MobiFone đã xây dựng được 4.500 trạm phát sóng 4G và dự kiến sẽ sẽ là 30.000 trạm phát sóng 4G giai đoạn 2017 - 2018.
Triển khai 4G được xem là bước ngoặt quan trọng đối với ngành viễn thông Việt Nam.
4. Việt Nam mạnh tay với Google và Facebook
Trong năm 2017, Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) liên tiếp thể hiện quan điểm cứng rắn trong việc đấu tranh với nội dung xấu, độc hại, xúc phạm cá nhân, chia rẽ, gây hằn thù dân tộc và giả mạo các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhà nước trên internet. Đặc biệt, Bộ TT&TT đã yêu cầu yêu cầu Youtube và Google hạ chặn được hơn 4.500 clip có nội dung độc hại, sai sự thật. Bộ TT&TT cũng đã yêu cầu Google thực hiện đúng quy định cung cấp thông tin trên mạng theo hướng dẫn tại Thông tư 38/2016/TT-BTTTT.
Ngoài Google, Facebook cũng đã gỡ bỏ 107/107 tài khoản giả mạo, 394 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, 159 tài khoản nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.
Bộ TT&TT cho biết đã đàm phán Google và Facebook để đồng ý thiết lập cơ chế giữa Bộ và Google trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu, vi phạm quy định pháp luật Việt Nam trên Youtube và các nền tảng khác của Google như: blogspot hay các trang web sử dụng hạ tầng của Google. Trong thời gian tới, Google cho biết sẽ tiếp tục gỡ bỏ các video độc hại từ yêu cầu của Bộ TT&TT. Facebook cũng cam kết sẽ thiết lập một kênh riêng phối hợp trực tiếp với Bộ nhằm giúp Facebook ưu tiên đáp ứng các yêu cầu từ phía Bộ cũng như các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
5. Mã độc Wannacry khiến hệ thống CNTT ở Việt Nam tê liệt
Giữa tháng 5/2017, một loại mã độc có tên WannaCry xuất hiện trên và bùng phát mạnh mẽ. Đây được xem là một trong những loại mã độc tống tiền nguy hiểm nhất lịch sử. Ngay khi mã độc WannaCry xuất hiện và lây lan tại Việt Nam, trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) đã phải phát đi cảnh báo trên toàn quốc về loại mã độc này.
Nhiều cơ quan nhà nước trên toàn Việt Nam cũng phải đưa ra cảnh báo về WannaCry khi loại mã độc này lây nhiễm trên nhiều hệ thống máy tính tại các cơ quan nhà nước. Theo thống kê ước tính toàn Việt Nam đã có hơn 1.900 máy tính bị lây nhiễm WannaCry, trong đó khoảng 1.600 máy tính được ghi nhận tại 243 cơ quan, doanh nghiệp và khoảng 300 máy tính là của người sử dụng cá nhân.
6. Cáp quang liên tục gặp sự cố năm 2017
Cáp quang biển liên tục đứt là sự kiện "ám ảnh" đối với người dùng trong nước trong năm qua, đặc biệt là các doanh nghiệp khi đường truyền Internet đi quốc tế bị gián đoạn. Tính riêng trong năm 2017, cáp quang biển AAG đã gặp sự cố đến 4 lần, khiến cho lưu lượng internet đi quốc tế bị ảnh hưởng trong thời gian dài. Đáng chú ý, sự cố gần nhất diễn ra vào tháng 9, do ảnh hưởng của cơn bão số 10 khiến cho đường truyền Internet bị gián đoạn gần 1 tháng mới có thể khắc phục được.
Bên cạnh AAG, tuyến cáp quang biển Liên Á và tuyến cáp quang biển quốc tế SMW-3 cũng gặp chung tình trạng trong năm qua.
Được biết, AAG là hệ thống cáp quang biển có chiều dài 20.000 km với tổng chi phí đầu tư khoảng 560 triệu USD, dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ.
7. Jack Ma đến Việt Nam, thúc đẩy thương mại điện tử
Trong bối cảnh chính phủ và các công ty lớn đều hướng tới cuộc Cách mạng 4.0 mà góp phần quan trọng trong đó là nền tảng thương mại điện tử, thì sự kiện Jack Ma - ông trùm của Alibaba tới Việt Nam, đã giành được sự quan tâm lớn từ cộng đồng khởi nghiệp, cũng như các bạn trẻ đang nung nấu ý tưởng làm giàu từ kinh doanh online.
Sau 2 ngày ở tại Việt Nam, gặp gỡ và tiếp kiến Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc, trò chuyện với các chính sách, doanh nhân Việt Nam, và đặc biệt là đối thoại mở với hơn 3.000 sinh viên tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia, tỷ phú Jack Ma đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp trong lòng người hâm mộ với sự nhiệt thành, cởi mở, sẵn sàng chia sẻ, và kiến thức sâu rộng ẩn chứa bên trong một con người có dáng vẻ bình dị.
Jack Ma đánh giá Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển thương mại điện tử và khoa học công nghệ, còn giới trẻ thì tràn đầy sức sống, có suy nghĩ rất lý thú, và đặc biệt nhạy bén với những chuyển dịch của ngành công nghệ số.
8. Bắt đầu thử nghiệm chuyển mạng giữ số
Theo kế hoạch của Bộ TT&TT, các nhà mạng sẽ phải triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số di động (Mobile Number Portability) từ ngày 31/12/2017. Tuy nhiên trước đó, một số nhà mạng như Viettel, Vinaphone, MobiFone đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm.
Chuyển mạng giữ số là dịch vụ cho phép người dùng của một nhà mạng viễn thông chuyển sang dùng dịch vụ của một nhà mạng khác nhưng vẫn giữ nguyên số thuê bao. Dịch vụ này sẽ giúp người dùng di động có nhiều lựa chọn hơn, tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn cũng như giúp các nhà mạng cung ứng dịch vụ tốt có thêm thị phần.
Dự kiến quy trình chuyển mạng di động giữ nguyên số gồm 7 bước như sau: Tiếp nhận yêu cầu chuyển mạng; Kiểm tra điều kiện chuyển mạng của thuê bao; Lập lịch chuyển mạng; Thực hiện chuyển mạng; Cập nhật thông tin định tuyến sau chuyển mạng; Đồng bộ cơ sở dữ liệu thông tin định tuyến và thông tin thuê bao chuyển mạng; Thông báo cho khách hàng thông tin về quá trình chuyển mạng.
Dân trí