Nằm lặng lẽ bên bờ sông Hậu, làng Châu Giang với các thánh đường trắng như một chốn yên bình bên sự nhộn nhịp của thành phố vùng biên Châu Đốc.
Làng người chăm Châu Giang thuộc huyện An Phú, là nơi sông Mekong đổ vào đất Việt và chia tách thành hai nhánh sông Tiền, sông Hậu. Đây cũng là nơi tập trung cộng đồng người Chăm lớn nhất ở An Giang. Từ thành phố Châu Đốc, chỉ mất hơn 5 phút đi phà là bạn đã có mặt tại xã Châu Giang.
Với cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi lớn, An Giang có rất nhiều thánh đường và tiểu thánh đường; nổi bật nhất trong số đó là thánh đường Mubarak được công nhận là di sản quốc gia. Từ bến phà Châu Giang, bạn rẽ tay trái là có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của công trình này.
Trên đường, bạn có thể bắt gặp rất nhiều người dân địa phương mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt hàng ngày. Nam giới thường mặc xà rông, nữ giới mặc abaja và quấn khăn hijab.
Phần lớn nhà thờ Hồi giáo được sơn màu xanh và trắng. Huyện An Phú và Châu Giang còn là nơi tập trung của nhiều cơ quan, trung tâm giáo hội, trường học của người theo đạo Hồi.
Chiều đến, du khách có thể bắt gặp các hàng rong với món ăn đặc trưng của An Giang. Đó là những thức quà vặt dân dã như bánh tằm, chuối hấp, xôi sắn.. Bạn có thể mua một bọc 3.000 - 5.000 đồng để thưởng thức trên đường khám phá.
Masjid Jamiul Azhar là một trong những thánh đường lớn nhất tại An Giang, thuộc địa phận xã Châu Phong. Được xây dựng từ năm 1959, thánh đường trải qua nhiều đợt trùng tu và lớn nhất là vào năm 2012. Với mái vòm, biểu tượng trăng lưỡi liềm và các kiến trúc rõ nét Hồi Giáo, công trình này được coi là một trong những thánh đường Hồi giáo đẹp nhất Việt Nam.
Người đàn ông trong trang phục truyền thống sau buổi lễ chiều. Với người Hồi giáo, một ngày có 5 thời điểm làm lễ: trước khi mặt trời mọc, trước giữa trưa, xế chiều, tối và trước khi đi ngủ.
Một trong năm điều răn với người Hồi giáo là phải hành hương tới thánh địa Mecca một lần trong đời. Tuy nhiên, với cộng đồng Hồi giáo tại Việt Nam, nhiều người chọn những chuyến hành hương tới các nhà thờ Hồi giáo lớn tại An Giang.
Điểm độc đáo của thánh đường Jamiul Azhar là trước cửa có một nghĩa trang. Theo người dân địa phương, đây là nơi an táng của nhiều người Hồi giáo trên khắp Việt Nam.
Theo Minh Đức