Năm 2015 là năm kỷ lục của Đồng Nai về xuất siêu với hơn 1,4 tỷ USD. Trong đó, có những mặt hàng xuất siêu rất cao, như: giày dép, xơ sợi dệt, sản phẩm gỗ, dệt may, gốm sứ.
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai đều có xuất siêu lớn. Dẫn đầu là giày dép xuất siêu gần 2 tỷ USD, tiếp đến là sản phẩm gỗ với khoảng 860 triệu USD, dệt may hơn 840 triệu USD, xơ sợi dệt hơn 670 triệu USD, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện gần 300 triệu USD. Tuy nhiên, có nhiều mặt hàng Đồng Nai lại nhập siêu cao là: bắp, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc trừ sâu và nguyên liệu, hóa chất... khiến tỷ lệ xuất siêu của tỉnh bị giảm xuống.
* Ba thị trường xuất siêu lớn
Năm 2015, 3 thị trường có kim ngạch xuất khẩu và xuất siêu lớn của tỉnh là Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước trong khối ASEAN. Trong đó, các doanh nghiệp Đồng Nai xuất khẩu sang Hoa Kỳ hơn 4 tỷ USD, nhập khẩu chỉ gần 1 tỷ USD nên đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh và có tỷ lệ xuất siêu cao nhất với trên 3 tỷ USD. Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của tỉnh với kim ngạch gần 1,3 tỷ USD và hiện Đồng Nai đang xuất siêu vào thị trường này hơn 700 triệu USD. Trong thị trường ASEAN, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu xuất vào 6 nước là: Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Philippines, Singapore và Malaysia, với kim ngạch xuất khẩu hơn 1,5 tỷ USD, nhập khẩu hơn 600 triệu USD.
Công nhân sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty cổ phần tổng hợp gỗ Tân Mai (TP.Biên Hòa).
Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH Hố Nai (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết: “Xuất khẩu mặt hàng bàn ghế vào thị trường Hoa Kỳ hơn 1 năm qua khá tốt, chiếm hơn 90% doanh thu. Công ty nhận được nhiều đơn hàng lớn và có đơn hàng phải từ chối vì không đáp ứng kịp. Cũng theo ông Quý, thời gian qua một số tập đoàn bán lẻ, doanh nghiệp Hoa Kỳ đã tìm đến công ty xem nhà xưởng, quy trình sản xuất với ý định sẽ đặt hàng với số lượng lớn để đón đầu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiện công ty đang đề nghị một số doanh nghiệp trong Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cùng liên kết mới đáp ứng đủ các đơn hàng lớn.
“Xuất khẩu giày dép năm 2015 và năm 2016 sẽ tiếp tục thuận lợi, vì công ty đã nhận được đơn đặt hàng sản xuất đến cuối năm 2017. Để đáp ứng được các đơn hàng lớn, công ty tuyển thêm lao động, mở rộng và tăng công suất lên gần 3 triệu đôi giày/tháng” - ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Đối ngoại Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam ở Khu công nghiệp Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) nói. Công ty này dự kiến trong thời gian tới tuyển thêm lao động để tiếp tục nâng công suất. Thị trường xuất khẩu giày dép của Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam tập trung ở thị trường Hoa Kỳ, châu Âu.
* Hứa hẹn kỷ lục mới
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tham tán thương mại tại một số thị trường lớn thì xuất khẩu năm 2016 sẽ tốt hơn, vì Việt Nam có lợi thế về các FTA đã ký kết và TPP dự tính sẽ hiệu lực vào đầu năm 2018.
Ông Đào Trần Nhân, Tham tán công sứ thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho biết: “Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ sẽ tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao. Hoa Kỳ sẽ vẫn là thị trường xuất khẩu, xuất siêu lớn nhất của cả nước cũng như Đồng Nai. Tới đây, TPP ký kết và có hiệu lực sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Đồng Nai mở rộng xuất khẩu vào thị trường này và 10 nước cùng tham gia TPP”. Cũng theo ông Nhân, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu giày dép vào Hoa Kỳ khoảng 3,5 tỷ USD, thuế phải đóng khoảng 450 triệu USD. Tới đây khi TPP có hiệu lực, thuế về 0% thì 450 triệu USD thuế doanh nghiệp sẽ được hưởng. Ngoài ra, các mặt hàng dệt may, sản phẩm gỗ cũng hưởng các ưu đãi tương tự.
Mặt hàng doanh nghiệp Đồng Nai xuất khẩu vào thị trường ASEAN nhiều là: dệt may, giày dép, máy tính, linh kiện điện tử, sản phẩm gỗ. Nhập khẩu từ thị trường ASEAN chủ yếu là nguyên liệu gỗ, rau quả, hàng điện máy. |
Thị trường Nhật Bản cũng là thị trường nhiều hứa hẹn cho doanh nghiệp Đồng Nai trong năm 2016. “Trái cây, dệt may, sản phẩm gỗ là những mặt hàng thế mạnh của Đồng Nai có thể tăng xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, Nhật Bản đòi hỏi cao và rất khắt khe về chất lượng nên hàng hóa muốn vào thị trường này đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng doanh nghiệp Đồng Nai có thể hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản để hàng hóa dễ vào thị trường này. đồng thời được giá cao” - ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán công sứ thương mại Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ.
Theo ông Dương Minh Dũng, Phó giám đốc Sở Công thương, thị trường thế giới đang trên đà phục hồi nên xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Đồng Nai sẽ khá thuận lợi. Dự tính năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng 10% so với năm 2015, song xuất siêu có khả năng không tăng, vì năm 2015 nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Đồng Nai đang trong giai đoạn xây dựng nhà xưởng, nhập máy móc về lắp ráp để sản xuất. Tuy nhiên, đây sẽ là tiền đề để xuất siêu những năm tới sẽ đạt kỷ lục cao hơn nhiều so với năm 2015.
Uyển Nhi / baodongnai.com.vn