Báo cáo của Nielsen Việt Nam cho thấy ngành đồ uống vẫn là động lực tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh, và khu vực nông thôn vẫn tạo nhiều cơ hội mà các nhà sản xuất vẫn chưa khai thác hết.
Ảnh minh họa. |
Theo báo cáo hàng quý Market Pulse của Nielsen – công ty đo lường hiệu quả kinh doanh toàn cầu, tăng trưởng toàn quốc của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong quý III/2017 ở Việt Nam đạt 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu đến từ tăng trưởng sản lượng (5,8%).
Theo báo cáo của Nielsen, khi xem xét kĩ ở các nhóm ngành hàng lớn trên toàn quốc, ngành hàng đồ uống tiếp tục là ngôi sao sáng với mức tăng trưởng ấn tượng 8,5%, trong đó tăng sản lượng đạt 6,4%.
Thuốc lá cũng cho thấy dấu hiệu tích cực trong quý này khi tăng 5,9%. Trong khi đó, tất cả các ngành hàng còn lại đều cho thấy sự trì trệ trong tăng trưởng.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng thị trường nông thôn tiếp tục là mảnh đất giàu tiềm năng với các doanh nghiệp. Tăng trưởng trong quý này của khu vực nông thôn đạt 7,6%, chủ yếu nhờ tăng trưởng sản lượng, và tiếp tục đóng góp 54% trong tổng doanh số của ngành hàng FMCG toàn quốc.
Trong khi đó, mức tăng trưởng của ngành hàng FMCG tại khu vực thành thị chỉ đạt 4,7% trong quý này.
“Trong quý 3 vừa qua, chúng ta có thể nhìn thấy những dấu hiệu tích cực từ niềm tin người tiêu dùng. Những chuyển biến tích cực này chính là kết quả của sự lạc quan khả năng tài chính cá nhân cũng như mức độ sẵn sàng chi tiêu của người Việt.
Tuy nhiên, thị trường FMCG trong hai năm qua liên tục cho thấy những biến động. Và trong quý này, sự biến động này lại một lần nữa thể hiện thông qua sự trì trệ của các nhóm ngành hàng lớn mặc dù tổng thể ngành FMCG vẫn tăng trưởng tích cực trong quý này”, ông Nguyễn Anh Dũng, Trưởng Bộ phận dịch vụ đo lường bán lẻ thuộc Nielsen Việt Nam, bình luận.
Cũng theo ông Dũng, khu vực nông thôn vẫn tạo nhiều cơ hội mà các nhà sản xuất vẫn chưa khai thác hết. “Các nhà sản xuất cần phải có những chiến lược kinh doanh mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng đến từ nông thôn, và tận dụng lợi thế của kênh bán hàng truyền thống là điều rất quan trọng tại nông thôn”.
“Vì cộng đồng nông thôn Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, chuyển đổi và dần trở thành trọng tâm đối với các doanh nghiệp, nên việc hiểu rõ họ là ai, họ mua sắm những gì, đâu là nơi họ mua sắm nhiều nhất cũng như cách thức họ mua sắm như thế nào sẽ điều kiện tiên quyết cho sự thành công trong tương lai”, ông Dũng nói thêm.
Anh Minh / BizLIVE