Báo cáo mới đây của Nielsen cho khu vực nông thôn tăng trưởng nhanh hơn khu vực thành thị và tiếp tục là vùng đất tiềm năng cho nhiều nhà sản xuất.
Khu vực nông thôn tiếp tục là vùng đất tiềm năng cho nhiều nhà sản xuất. |
Theo báo cáo Market Pulse Quý II của Nielsen Việt Nam, sau mức cao kỷ lục trong quý trước, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trên toàn quốc đã tăng trưởng chậm lại trong quý II năm nay.
Trong quý này, mức tăng trưởng của ngành hàng FMCG toàn quốc đạt 5,8% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ vào mức tăng 5% của sản lượng.
Báo cáo cho thấy tất cả các ngành hàng lớn đều đạt tăng trưởng trong quý II. Cụ thể, ngành hàng thực phẩm và ngành hàng sữa & các sản phẩm từ sữa cùng đạt mức tăng 8.1%, sản phẩm chăm sóc nhà cửa tăng 5,7%, ngành hàng đồ uống tăng 5,4%, sản phẩm chăm sóc cá nhân cải thiện 5% và thuốc lá tăng thấp nhất ở mức 4,7%.
Tuy nhiên, so với quý trước, mức tăng trưởng ở các nhóm ngành hàng lớn đều thấp hơn so với quý trước.
Ngành hàng đồ uống vẫn là ngành hàng có mức đóng góp cao nhất trong tổng doanh số FMCG trong quý này, ở mức 42%. Thực phẩm, thuốc lá và sữa đóng góp tương ứng 16%, 15% và 14% vào tổng doanh số.
Theo Nielsen, sau mức tăng trưởng ấn tượng 8,8% trong quý đầu năm nay do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán, ngành hàng FMCG đã tăng trưởng chậm lại trong quý này. Sự sụt giảm này được cho rằng là do nhu cầu tiêu dùng đã giảm sau mùa cao điểm đầu năm.
Báo cáo cũng cho thấy rằng khu vực nông thôn tiếp tục là vùng đất tiềm năng cho nhiều nhà sản xuất. Trong khi khu vực thành thị đạt mức tăng 5,1% trong quý này so với năm trước, khu vực nông thôn đạt mức tăng trưởng 6,5%, chủ yếu là do tăng trưởng sản lượng. Sự tăng trưởng của khu vực nông thôn đã đóng góp 57,5% vào tổng doanh số bán của ngành hàng FMCG.
Với hơn 60% dân số, khu vực nông thôn đang có nhiều cơ hội lớn và đợi các doanh nghiệp khai thác. Quá trình đô thị hóa, việc truy cập Internet dễ dàng hơn cũng như sự phát triển của điện thoại thông minh đã và đang thay đổi lối sống của người tiêu dùng tại khu vực nông thôn và mang họ đến gần hơn với cuộc sống mà người dân ở các thị trấn và thành phố lớn đang có.
Người tiêu dùng nông thôn không chỉ mong muốn được trải nghiệm với cuộc sống có chất lượng tốt hơn, mà họ còn chủ động tìm kiếm và sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có chất lượng cao, báo cáo viết.
Minh Tuấn / BizLIVE