Các nhà đầu tư kêu ca rằng Chính phủ Việt Nam không chịu “nhả” các công ty “đẻ trứng vàng”.
Giới đầu tư nước ngoài than rằng Việt Nam không muốn bán các công ty "đẻ trứng vàng". |
Tờ Nikkei Asian Review đưa tin rằng các nhà đầu tư đang phàn nàn rằng Chính phủ Việt Nam đang chậm trễ và không nhất quán trong việc thoái vốn khỏi 12 doanh nghiệp nhà nước lớn.
Tháng 9/2016 có thông báo kế hoạch thoái bán toàn bộ vốn tại các công ty này. Tuy nhiên, một năm trôi qua mà Chính phủ chỉ có ý định bán một phần vốn.
Một số nhà đầu tư tỏ ra không hài lòng và cho rằng Chính phủ Việt Nam muốn giữ vốn trên 35% để chắc chắn quyền phủ quyết, đồng thời bán vốn tại một số công ty với “giá cao bất hợp lý”, tờ Nikkei cho biết.
Cụ thể hơn, tờ báo hàng đầu của Nhật chỉ ra rằng mới đây SCIC thông báo kế hoạch thoái 3,3% cổ phần tại Vinamilk (VNM) và giảm tỷ lệ sở hữu xuống 36%. Ngoài ra, Bộ Công Thương cho biết sẽ giảm vốn xuống còn 35,6% tại Sabeco từ mức 89,6% hiện nay.
Những động thái này khác xa so với kế hoạch thoái toàn bộ vốn như đã cam kết, tờ Nikkei nhấn mạnh.
Vấn đề là tiền
Việt Nam hiện chịu áp lực lớn từ quốc tế phải cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007 và đã ký thỏa thuận tự do thương mại song phương với một loạt nước, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc. Chính phủ cũng đã cam kết giảm quyền kiểm soát tại các doanh nghiệp nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng.
Tuy thế, Việt Nam hiện khá chậm chạp trong việc rút vốn, một phần vì các nhà chức trách muốn bán vốn với giá cao.
Khi bán 9% cổ phần tại Vinamilk tháng 12 năm ngoái, mức giá bán tối thiểu được đề ra là 144.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 7,2% giá thị trường lúc bấy giờ. Bởi vậy, Tập đoàn Fraser & Neave của Singapore là công ty duy nhất tham gia đấu giá và SCIC cũng chỉ bán được 5,4% cổ phần, ế 3,6%.
Với kế hoạch bán thêm 3,3% cổ phần tại Vinamilk, SCIC được cho là sẽ đề ra mức giá tối thiểu là 154.000 đồng/cp, cao hơn thị giá 4%.
Khi đề cập đến mức giá này, một nhân viên tại chi nhánh Việt Nam của một công ty chứng khoán Nhật cho rằng đơn vị nắm vốn nhà nước tại các doanh nghiệp rõ ràng muốn bán “những con ngỗng đẻ trứng vàng” với giá cao nhất có thể, mà không để ý gì đến định giá thị trường hay kỳ vọng của nhà đầu tư cả.
Một yếu tố khác khiến quá trình thoái vốn diễn ra chậm chạp là cổ tức của các công ty đó giúp tăng thu ngân sách.
Lấy dẫn chứng Vinamilk, tờ Nikkei cho rằng SCIC thu về khoảng 90 triệu USD mỗi năm từ cổ tức của doanh nghiệp sữa lớn nhất cả nước. Chỉ trong vòng 5 năm, vốn hóa của Vinamilk đã tăng 320%.
Điều này càng trở nên rõ ràng hơn khi xem xét đến tình hình tài khóa khó khăn, xuất phát từ việc trả nợ nước ngoài và thu thuế giảm.
Để có thêm tiền mặt, cơ quan quản lý cũng đã yêu cầu 2 ngân hàng VietinBank và BIDV phải trả cổ tức bằng tiền mặt thay vì bằng cổ phiếu, bắt đầu từ tháng 5/2016.
Đằng sau màn bí mật là lợi ích nhóm
Theo tờ Nikkei, lợi ích nhóm đang thao túng và làm “đục nước”. Một số lãnh đạo doanh nghiệp đã bị bắt vì bị cáo buộc tham nhũng.
Báo này cũng điểm tên Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Tổng công ty Xây dựng Dầu khí (PVC) bị cáo buộc gây thiệt hại lên đến hơn 3.000 tỷ đồng. Trước đó, vào năm 2013, hai lãnh đạo của Vinalines chịu án tử hình vì tham ô hàng triệu đô la Mỹ.
“Những vụ như vậy cho thấy các doanh nghiệp nhà nước tạo điều kiện cho các quan chức cấp cao cơ hội lót ổ của mình ra sao”, Nikkei viết.
Tony Foster, một luật sư người Anh làm việc tại Việt Nam, cho rằng các nhà đầu tư quốc tế rất muốn mua cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, một loạt vấn đề đang cản trở việc đầu tư này, trong đó có việc thiếu minh bạch về giá bán và các phương pháp đấu giá.
Nếu không thực hiện các cam kết cổ phần hóa, Việt Nam sẽ chịu thêm áp lực từ quốc tế, tờ báo Nhật nêu quan điểm.
Minh Anh / BizLIVE