Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nghị quyết, quyết định về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển KT-XH, trong đó chấp thuận chủ trương phát triển Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Bên cạnh những thuận lợi, song điều làm cho các nhà đầu tư băn khoăn đó chính là tình trạng tắc nghẽn hạ tầng truyền tải, đấu nối từ các dự án điện sạch vào hệ thống lưới điện Quốc gia. Nhiều nhà đầu tư tâm huyết muốn được tham gia giải bài toán khó này.
Ông Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công thương Ninh Thuận cho biết, từ danh mục các dự án điện gió được Bộ Công Thương phê duyệt năm 2013 và tiềm năng của địa phương, đến nay, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 13 dự án điện gió với quy mô công suất hơn 632 MW, tổng vốn đầu tư 25.855 tỷ đồng.
Lắp đặt các tấm pin cho dự án điện mặt trời phía dưới dự án điện gió.
“Hiện đã có 6 dự án khởi công, với 3 dự án đã chính thức đưa vào vận hành thương mại, tổng quy mô công suất 117 MW; 7 dự án còn lại hiện đang thực hiện các thủ tục đầu tư. UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã chấp thuận chủ trương khảo sát, lập hồ sơ bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực 4 dự án điện gió với tổng công suất gần 413 MW”, ông Thành cho biết thêm.
Về điện mặt trời, sau khi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia và cấp tỉnh gồm 30 dự án, tổng quy mô công suất đạt từ 1.966 - 2.458 MW, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 31 dự án với tổng công suất 1.816 - 2.271 MW, tổng vốn đăng ký đạt 45.717 tỷ đồng.
Hiện đã có 15 dự án đưa vào vận hành thương mại với tổng quy mô công suất 1.063 MW. Ngoài ra, tại Ninh Thuận cũng đang có 25 dự án điện mặt trời được trình hồ sơ lên Bộ Công Thương với tổng công suất 1.651- 2.064 MW.
Các dự án điện gió, điện mặt trời được đồng loạt đầu tư tại Ninh Thuận đã biến những khu vực đá sỏi, khô hạn vốn chỉ dành cho việc chăn thả gia súc hoặc làm muối, nuôi trồng thủy, hải sản bấp bênh theo mùa vụ trở thành những đại công trường.
Có dự án diện sạch, hệ thống đường sá, hạ tầng vào các khu dân cư xung quanh dự án cũng đã được cải thiện; nhà dân ven các tuyến đường vào dự án năng lượng tái tạo cũng đã khang trang hơn… Đó là điều ai cũng có thể cảm nhận được nếu trở lại Ninh Thuận vào thời điểm này. Đất khô cằn do mức độ bức xạ mặt trời lớn và gió mạnh, sản xuất nông nghiệp không hiệu quả, nên quá trình triển khai các dự án diện sạch khá thuận lợi.
Theo lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua, các chủ đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời cũng tích cực chia sẻ lợi ích lại với cộng đồng như xây dựng trường học, đường sá, hỗ trợ đối tượng chính sách… Cuộc sống của người dân vùng dự án nhờ thế ngày càng khấm khá.
Ông Đạo Văn Rớt, Phó Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận tỏ ra phấn khởi khi thông tin về những con số ấn tượng của một tỉnh nghèo. Việc Ninh Thuận phát huy thế mạnh để thu hút đầu tư và phát triển nhanh các dự án năng lượng tái tạo đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về phát triển KT-XH, nhất là ở những địa bàn có triển khai đầu tư dự án. Tổng thu ngân sách trên địa bàn Ninh Thuận năm ngoái đã đạt 2.640 tỷ đồng, tăng gần 15% so với năm trước.
Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2019, thu ngân sách của Ninh Thuận đã đạt con số đặt ra của cả năm và đây cũng là 2 năm liên tiếp thu ngân sách của Ninh Thuận vượt chỉ tiêu nhờ đóng góp phần lớn từ các dự án điện gió, điện mặt trời. Giá trị công nghiệp - xây dựng của Ninh Thuận cũng tăng ở mức cao khi năm 2018 tăng hơn 15% và những tháng đầu năm nay đã tăng ở mức 21%. Trong đó lĩnh vực xây dựng của Ninh Thuận có sự đóng góp từ các dự án năng lượng sạch.
Ông Rớt nhìn nhận, các chính sách, an sinh xã hội được các nhà đầu tư điện năng lượng chung tay đồng hành cùng chính quyền địa phương, hỗ trợ đầu tư nâng cấp đường giao thông nông thôn, giải quyết việc làm, giảm nghèo cho người dân vùng dự án... đã góp phần không nhỏ cho phát triển KT-XH của Ninh Thuận.
Trước lo lắng về hiện tượng các dự án điện mặt trời được triển khai ồ ạt tại Ninh Thuận sẽ làm không khí trong khu vực dự án nóng hơn, rồi pin mặt trời độc hại sau này sẽ được xử lý thế nào, chuyên gia Đặng Đình Thống, người đã có hơn 30 năm nghiên cứu, gắn bó với lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định ngay:
“Ở vùng dự án, mức độ bức xạ mặt trời giảm, sức nóng cũng giảm mạnh do đã được hấp thu một phần vào các tấm pin. Pin dùng sản xuất điện mặt trời không độc hại do thành phần chủ yếu là silic, vật liệu được sử dụng nhiều trong công nghệ bán dẫn, điện tử và một vài chất phụ gia. Sau 20 năm, khi hết vòng đời sản phẩm, chỉ cần nghiền nát tái chế thành thủy tinh sẽ không gây ảnh hưởng gì tới môi trường”.
Chia sẻ thêm về vấn đề bảo vệ môi trường và hệ sinh thái ở khu vực triển khai dự án điện sạch, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trungnam Group kể câu chuyện mà chính bản thân ông cũng tỏ ra ngỡ ngàng, tưởng chừng như không ăn nhập gì khi liên hệ với đối tác cung cấp thiết bị, máy móc ở châu Âu.
Họ không hỏi ông cần mua những chủng loại thiết bị gì, công suất thế nào mà câu đầu tiên đối tác hỏi ông là khu vực làm dự án có công trình di sản văn hóa gì không? Thậm chí họ hỏi ông ở đó có... đàn chim nào sinh sống không? Và phải chờ đến sau khi họ sang tận khu vực làm dự án khảo sát, nhà sản xuất thiết bị điện hàng đầu châu Âu này mới chịu gật đầu bán thiết bị cho Trungnam Group, dù đây là hợp đồng mua máy móc thiết bị có giá trị rất lớn, lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Về vấn đề sử dụng lao động tại chỗ, sau khi khảo sát tại dự án điện ở mặt trời ở Ninh Thuận và nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân ở Bình Thuận, ông Nguyễn Đình Sính, chuyên gia của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cho rằng, dự án điện mặt trời sử dụng lao động cao cấp 2-3 lần nhà máy nhiệt điện than cùng công suất.
Việc này là đáng ghi nhận khi người dân đã mất đất thì DN, nhà đầu tư cần chia sẻ một phần trách nhiệm với cộng đồng. Với 10 ngàn MW điện mặt trời của các dự án, khi đi vào vận hành sẽ giải quyết cho Ninh Thuận khoảng 8 ngàn lao động phổ thông trực tiếp.
Nói về công việc hằng ngày của lực lượng lao động phổ thông tại chỗ, ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết, hiện cánh đồng pin mặt trời của Trungnam Gruop sử dụng thường xuyên 150 lao động. Họ chủ yếu làm công việc dọn cỏ phía dưới và xịt rửa các tấm pin mặt trời trong thời gian từ 6 giờ chiều đến 1-2 giờ sáng, khi các tấm pin “ngủ” do bức xạ mặt trời không còn.
Tính toán về hiệu quả kinh tế khi sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, công nghiệp so với làm dự án năng lượng sạch, chuyên gia Đặng Đình Thống khẳng định, làm điện mặt trời là làm giàu cho Ninh Thuận dù sản xuất 1 MW điện cần 1ha đất. Nhưng với mức độ bức xạ lớn như ở Ninh Thuận, 1ha đất làm dự án điện mặt trời sẽ cho doanh thu trên 3 tỉ đồng/năm. Trừ đi chi phí, khấu hao, thu nhập từ làm điện mặt trời vẫn còn ở mức cao.
Cho phép Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu đến hết năm 2020, hạ tầng đấu nối với công suất thiết kế 2.000 MW cũng phải hoàn thành. Thậm chí, để bù đắp cho phần công suất phát thiếu hụt giờ thấp điểm của các dự án điện gió, điện mặt trời ở khu vực này, một nhà máy thủy điện tích năng công suất lớn cũng đã được quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên, do việc triển khai đầu tư chưa đồng bộ giữa xây dựng nhà máy điện mặt trời và đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải; việc xây dựng một nhà máy điện gió, điện mặt trời chỉ mất vài tháng trong khi đầu tư một công trình lưới truyền tải phải mất ít nhất 3-5 năm. Vì vậy sau 2 năm phát triển "nóng", các dự án điện gió, điện mặt trời ở Ninh Thuận đã có dấu hiệu chững lại do quá tải về hạ tầng truyền dẫn, đấu nối vào lưới điện Quốc gia. |
Theo Đức Thắng
Công an nhân dân