Được ví như “Tây Á thu nhỏ tại Việt Nam”, Ninh Thuận hội đủ nhiều tiềm năng để phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn, đặc thù.
Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận 2016 là bước ngoặt giúp Ninh Thuận chuyển mình trong năm 2017.
Thay đổi để phát triển
Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, đa phần các địa phương trên cả nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng với riêng Ninh Thuận - mảnh đất khô cằn đầy nắng gió đây có lẽ là năm vượt qua khó khăn để thay đổi.
Nhìn lại năm 2016, có thể thấy, Ninh Thuận đã phải đối mặt với nhiều thách thức cả về chủ quan và khách quan. Ngoài những ý kiến trái chiều về siêu dự án thép Cà Ná, hạn hán, lũ lụt cứ thay nhau dày xéo mảnh đất khô cằn, luôn phải oằn mình chống chọi với khó khăn.
Song vượt lên tất cả, bằng sự đồng lòng và quyết tâm, hành trình phát triển Ninh Thuận đã có nhiều điểm sáng trong năm 2016. Sự vào cuộc sâu sát, kịp thời, sự chỉ đạo điều hành tập trung quyết liệt của chính quyền các cấp, nhất là với các chương trình trọng điểm như giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp đã mang lại những kết quả đáng khích lệ.
Về cơ bản, năm 2016, Ninh Thuận đã đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường, tạo tiền đề vững chắc cho đà phát triển trong các năm tiếp theo. Cụ thể, thu ngân sách địa phương trong năm 2016 đạt 2.000 tỷ đồng, tăng 7,6% so với kế hoạch; tốc độ tăng trưởng GDRP xấp xỉ 10%; an sinh xã hội được đảm bảo...
Con số 1,7 triệu lượt du khách đến với địa phương cũng là một tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển du lịch của địa phương. Bên cạnh đó, trong bối cảnh vốn đầu tư toàn xã hội bị sụt giảm, Ninh Thuận cũng đã bước đầu thúc đẩy được làn sóng đầu tư mới, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh. Trong năm qua, Ninh Thuận đã cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho khoảng 70 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 20.000 tỷ đồng.
Đồi cát Nam Cương là biểu tượng của Ninh Thuận.
Các con số có thể không phản ánh được hết những đổi thay của Ninh Thuận trong hành trình bứt phá hướng tới tương lai. Chỉ có sự thấu hiểu về kinh tế và tận mắt chứng kiến những khó khăn mà người dân nơi đây gặp phải từ bao đời nay, thì mới cảm nhận được những thành quả đạt được trong năm 2016 là rất đáng khích lệ.
Năm mới, kỳ vọng mới
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng, cấp ủy, chính quyền tỉnh Ninh Thuận cần có tư duy mới, chủ động hơn nữa trong việc tạo ra không gian, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội theo mô hình kinh tế “xanh và sạch”.
Thủ tướng cho rằng, Ninh Thuận có lợi thế so sánh là vừa mang vẻ đẹp Việt, vừa có những đặc trưng của “một Tây Á thu nhỏ ở Việt Nam”. Ninh Thuận có điều kiện về phát triển du lịch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao mà ít nơi có được. Đặc biệt, Ninh Thuận còn có cộng đồng dân cư với các nền văn hóa đặc sắc.
Vấn đề quan trọng nhất với Ninh Thuận hiện nay là vận dụng cơ chế chính sách sao cho phù hợp với điều kiện thực tế để tối ưu hóa lợi thế riêng của mình. |
Kỳ vọng và tin tưởng Ninh Thuận có thể phát huy tốt lợi thế, tiềm năng, Thủ tướng cho rằng cấp ủy, chính quyền tỉnh cần có tư duy quản lý mới, chủ động hơn nữa trong việc tạo ra không gian, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Càng khó khăn thì càng phải vươn lên, nổi bật hơn trong mắt cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
Thủ tướng cho rằng, những điều kiện về địa lý, thổ nhưỡng, văn hóa và truyền thống đang tạo cho Ninh Thuận lợi thế so sánh, cạnh tranh đặc biệt trong số các tỉnh, thành phố trên khắp các vùng miền của Việt Nam.
Thủ tướng đánh giá, môi trường đầu tư của Ninh Thuận còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển, song với Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mới chỉ đứng thứ 42/63 tỉnh, thành phố, thấp hơn đáng kể so với các tỉnh lân cận, với số khoảng 2.000 doanh nghiệp, thấp hơn nhiều so với trung bình cả nước, Ninh Thuận cần có biện pháp khuyến khích tăng số lượng doanh nghiệp để tạo việc làm, tăng trưởng kinh tế và tăng thu ngân sách. “Tỉnh cần có hình thức tôn vinh doanh nghiệp, tăng nhanh số lượng và chất lượng doanh nghiệp, đồng thời đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của sự phát triển mà các chính sách của Chính phủ và tỉnh Ninh Thuận cần hướng tới, hỗ trợ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị Ninh Thuận chú trọng liên kết vùng để mở rộng không gian phát triển lâu dài thông qua kết nối với các địa phương trong vùng và TP.HCM. Thủ tướng yêu cầu sau Hội nghị, tỉnh phải lưu ý để thực hiện các cam kết, đồng hành với nhà đầu tư.
Theo hướng đó, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, chính quyền đã nhìn nhận rõ những thách thức, cũng như lợi thế của tỉnh và đang nỗ lực tái cơ cấu kinh tế nhằm đảm bảo phát triển bền vững. Trước mắt, Ninh Thuận phải tạo đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phấn đấu năm 2017 chuyển đổi tối thiểu 1.500 ha diện tích cây trồng. Bên cạnh đó, tập trung thu hút phát triển các ngành công nghiệp tỉnh có lợi thế, trọng tâm là công nghiệp chế biến nông, thủy sản, năng lượng tái tạo, ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn. Trong năm 2017, Ninh Thuận sẽ tập trung thu hút và triển khai một số dự án điện mặt trời, 2-3 dự án điện gió, đồng thời triển khai các bước đi phù hợp nhằm phát triển Khu công nghiệp Cà Ná…
Cũng theo ông Vĩnh, du lịch là một trong những mũi nhọn kinh tế mà Ninh Thuận sẽ ưu tiên phát triển. Năm 2017, Ninh Thuận tập trung thu hút các dự án đầu tư đẳng cấp vào lĩnh vực du lịch, nhằm khai thác các lợi thế về du lịch biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tăng cường liên kết phát triển mạnh các mạng lưới tour, tuyến du lịch để tăng nhanh lượng du khách đến tỉnh.
Để thực hiện các mục tiêu nói trên, trong năm 2017, Ninh Thuận đặc biệt chú trọng cải cách hành chính, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện PCI và Chỉ số Hiệu quả quản trị, hành chính công cấp tỉnh (PAPI), tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn để thu hút đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp. Ngoài ra, Ninh Thuận còn chú trọng phát triển doanh nghiệp, nắm bắt, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư. “Chúng tôi sẽ đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của sự phát triển”, ông Vĩnh nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia kinh tế, phần lớn cơ chế chính sách đầu tư hiện nay đều nằm trong khung luật định. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất với tỉnh Ninh Thuận hiện nay là vận dụng sao cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, để tối ưu hóa lợi thế riêng của mình. Đó cũng là điều mà lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đăng trăn trở để tạo đột phá trong năm mới 2017.
Anh Trung / baodautu