Tình hình nợ công đã được quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn, các mức dư nợ đều thấp hơn quy định trong kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Báo cáo Chính phủ cho thấy nợ công đang có xu hướng giảm. |
Theo báo cáo vừa được Chính phủ gửi lên Quốc hội, bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) sau khi đánh giá lại, giảm 12,5 nghìn tỷ đồng so với mức báo cáo Quốc hội trước đó, ở mức 191,5 nghìn tỷ đồng, bằng 3,46% GDP, thấp hơn so với dự toán đã được Quốc hội quyết định (3,7% GDP).
Trong đó, bội chi ngân sách trung ương là 191,5 nghìn tỷ đồng, giảm 3,5 nghìn tỷ đồng so với dự toán, ngân sách địa phương không có bội chi (bội chi ngân sách địa phương giảm 9 nghìn tỷ đồng so với dự toán được Quốc hội quyết định).
Ủy ban Tài chính ngân sách (TCNS) cơ bản nhất trí với phương án Chính phủ trình và cho rằng, việc giảm bội chi NSNN trong điều kiện nhu cầu chi còn lớn, nhiều nhiệm vụ chi NSNN quan trọng, cấp bách phát sinh thì việc kiểm soát bội chi NSNN thấp hơn so với dự toán đã thể hiện sự cố gắng rất lớn của Chính phủ.
Về mức dư nợ công, tính đến 31/12/2018, dư nợ công ước khoảng 58,4% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 50% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 46% GDP.
Ủy ban TCNS nhận thấy, tình hình nợ công đã được quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn, các mức dư nợ đều thấp hơn quy định trong kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.
"Điều này cho thấy, tác động của việc triển khai các giải pháp kiểm soát chặt chẽ bội chi, cơ cấu lại nợ trong nước của Chính phủ, danh mục trái phiếu Chính phủ được cải thiện, dài hơn về kỳ hạn và thấp hơn về lãi suất, đã góp phần cơ cấu lại nợ theo hướng bền vững, bảo đảm khả năng trả nợ và giảm áp lực về nợ công so với giai đoạn trước", báo cáo của Uỷ ban TCNS nêu.
Trước đó, tại báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Tài chính cũng cho hay, nợ công đã giảm xuống mức thấp nhất 3 năm qua. Kết quả này cũng thấp hơn kịch bản nợ công ở mức 63,9% GDP mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hồi tháng 8/2018 và trong Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Ngoài nợ công, theo Bộ Tài chính, nợ Chính phủ 2018 ở mức 50% GDP, nợ được bảo lãnh Chính phủ là 7,9% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia 46% GDP. Nợ chính quyền địa phương khoảng 0,5% GDP. Nếu cộng các khoản vay về cho vay lại và vay Ngân hàng Phát triển thì chỉ số nợ này khoảng 0,9% GDP. Các chỉ tiêu nợ này đều nằm trong giới hạn cho phép.
Về giải pháp kiểm soát nợ công, Bộ Tài chính cho biết, với nợ Chính phủ, cơ quan này điều chỉnh cơ cấu và khối lượng vay phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn, điều kiện thị trường. Cơ quan này đã chủ động giảm khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2018 trong bối cảnh thị trường tiền tệ, ngoại hối nhiều biến động. Mặt khác, bình quân kỳ hạn trái phiếu Chính phủ cũng dài hơn, mức 12,7 năm. Hơn 90% lượng trái phiếu huy động kỳ hạn từ 10 năm trở lên. Kỳ hạn trái phiếu Chính phủ dài trong khi lãi suất giảm giúp nghĩa vụ trả nợ giảm.
Với vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài, Bộ Tài chính chủ động rà soát, công khai thông tin về khung điều kiện vay ODA, vay ưu đãi của nhà tài trợ, khả năng điều kiện cho vay lại vốn vay ODA... làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương, chủ dự án và các doanh nghiệp đề xuất dự án mới.
Ngoài ra, việc kiểm soát an toàn nợ của chính quyền địa phương được cơ quan quản lý túi tiền quốc gia thực hiện xuyên suốt, từ tham gia ý kiến với đề xuất sử dụng vốn ODA/vay ưu đãi Chính phủ đến khâu thẩm định cho vay lại và giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài cho các dự án đã được duyệt. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Tài chính khẳng định, "dứt khoát vốn vay về cho vay lại không được sử dụng cho các dự án đầu tư kém hiệu quả hoặc lĩnh vực Việt Nam đã làm chủ công nghệ".
Phương Dung / Dân trí