Nhiều tổ chức đẩy mạnh bán hàng và chiêu mộ người tham gia mạng lưới thông qua các hội, nhóm được lập trên mạng xã hội.
Vài ngày trước chị Hạnh (Hà Nội) liên tục nhận được cuộc gọi mời mua và tham gia hội thảo tìm hiểu sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm của một nhãn hiệu Mỹ. Người này quảng cáo sản phẩm có nguồn gốc từ tế bào gốc, chữa nhiều loại bệnh. Điều khiến chị Hạnh tò mò là chính sách chiết khấu của hãng rất cao và khi mời thêm được người mua, chị còn được nhận một khoản tiền hoa hồng, gọi là "phí giới thiệu". Càng giới thiệu nhiều người, khoản phí này càng tăng.
"Họ quảng cáo mỗi tháng tôi có thể có thu nhập vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng nếu mời được nhiều người tham gia mạng lưới", chị Hạnh chia sẻ. Lưỡng lự chưa muốn tham gia thì chị lại được mời vào nhóm trên mạng xã hội, trên đó đăng tải nhiều video clip hướng dẫn việc tham gia mạng lưới, cùng kinh doanh để nhận được nguồn thu nhập tới hàng nghìn USD. "Thấy hơi hướng của kinh doanh đa cấp, tôi rời khỏi nhóm", chị nói.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Cục phó Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, hai tháng qua cơ quan này liên tục nhận được phản ánh từ người tiêu dùng về việc các cá nhân, tổ chức mời chào tham dự hội thảo, mua sản phẩm rồi hướng dẫn về kế hoạch trả thưởng khi tham gia mạng lưới thông qua các hội, nhóm được lập trên mạng xã hội. Đã có ít nhất 3 cảnh báo về hình thức kinh doanh đa cấp trá hình này được Cục đưa ra trong vòng một tháng, như cảnh báo kinh doanh đa cấp trái phép tại Việt Nam của Công ty Atomy, Vital4u/Vital Group và Juenesse.
Video bán hàng của Juenesse trên Youtube, đưa ra cơ chế trả thưởng cao với người tham gia. Ảnh chụp màn hình
"Chiêu" của các đơn vị này là đăng tải các video clip với nội dung giới thiệu sản phẩm trên các kênh online, mạng xã hội như Facebook, Youtube... Kèm theo các thông tin quảng cáo sản phẩm là những clip hướng dẫn người mua mua sản phẩm, tham gia mạng lưới để được trả hoa hồng, tiền thưởng... lên tới hàng nghìn USD mỗi tháng.
Trong một video nói về chính sách trả thưởng đặc biệt của Vital Group cho người mua và phát triển mạng lưới sản phẩm "Vital Enzyme", người hướng dẫn cho biết công ty sẽ trích 3% toàn bộ doanh số tại Việt Nam để lập Quỹ tri ân cho thủ lĩnh. Hàng tháng quỹ này sẽ chia tối đa cho 2.000 người tham gia đầu tiên, từ người tiêu thụ 2 hộp đến 48 hộp sản phẩm. Có người sẽ được chia từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng một tháng, và đây là khoản "thu nhập thụ động".
Không riêng các website có nguồn gốc từ nước ngoài, ngay với doanh nghiệp được đăng ký hoạt động tại Việt Nam nhưng vận hành, quản lý bởi người nước ngoài cũng có dấu hiệu kinh doanh đa cấp khi chưa được cấp phép. Cảnh báo gần đây nhất được Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng đưa ra là trường hợp Công ty Atomy sau khi nhận được phản ánh về việc các hội nhóm cá nhân, có sự tham gia của người nước ngoài tiến hành các hoạt động hội thảo, hội nghị trực tiếp hoặc qua ứng dụng Zoom Meeting, Zalo... để quảng cáo và bán sản phẩm mang tên Atomy. Nhóm này tuyển dụng, xây dựng đội ngũ người tham gia mạng lưới và đào tạo, hướng dẫn về kế hoạch trả thưởng mang tên Atomy cùng với những lời hứa hẹn sẽ được tham gia kinh doanh cùng Atomy Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, trong một thông báo mới đưa ra, Công ty TNHH Atomy cho biết, đang có hiện tượng cá nhân, tổ chức mạo danh đơn vị này tiến hành các hoạt động bán hàng đa cấp và hiện công ty vẫn đang trong quá trình xin cấp Giấy chứng nhận bán hàng đa cấp tại Việt Nam với Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng.
"Hành vi này đã ảnh hưởng xấu tới thương hiệu Atomy, gây khó khăn, cản trở trong quá trình xin cấp phép hoạt động đa cấp tại Việt Nam. Chúng tôi đã nỗ lực rà soát, liên hệ và xử lý các cá nhân mạo danh, nhưng mọi nỗ lực của công ty vẫn chưa thể loại bỏ được toàn bộ hành vi kinh doanh bất chính này", đại diện Công ty Atomy cho hay.
Thực tế, việc kiểm soát kinh doanh bán, phát triển mạng lưới bán hàng qua kênh online, mạng xã hội được các lực lượng quản lý thừa nhận "thực sự nan giải". Tại cuộc họp về kiểm soát bán hàng trên mạng mới đây, ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường cho hay, nhiều trường hợp quản lý thị trường phải đóng giả là người mua hàng, tham gia mạng lưới mới có thể thâm nhập vào các tổ chức này, và khi có bằng chứng cụ thể mới có thể kiểm tra, triệt phá.
Do vậy, để tránh rủi ro về vật chất và pháp lý cho người dân, Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ thông tin, cân nhắc không tham gia hoạt động kinh doanh theo hình thức đa cấp trái phép của mạng lưới này.
Hiện trên thị trường Việt Nam chỉ có 23 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp. Ông Trịnh Anh Tuấn, Cục phó Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định, cơ quan này chưa cấp phép kinh doanh đa cấp tại Việt Nam cho các doanh nghiệp được nêu ở trên.
"Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào tham gia hoặc tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có thể bị xử lý hành chính hoặc bị xử lý hình sự", ông nói.
Cụ thể, hành vi vi phạm có thể bị phạt xử phạt hành chính tới 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, tùy thuộc vào số tiền thu lợi bất chính hay mức độ thiệt hại gây ra hoặc quy mô mạng lưới người tham gia, hành vi vi phạm này có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam.
Theo Anh Minh / VnExpress