Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Tính đến ngày 30.6.2016, nợ xấu của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã chạm mức 13.183 tỉ đồng, tăng hơn 3.100 tỉ đồng so với thời điểm cuối năm 2015, tương ứng mức tăng 31%.
Khách hàng đang gửi gần 700.000 tỉ đồng tại BIDV
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 2.2016.
Theo đó, tính đến ngày 30.6, tổng tài sản của BIDV đạt 930.267 tỉ đồng, tăng gần 80.000 tỉ đồng so với cuối năm 2015. Tổng lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm đạt 3.311 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.674 tỉ đồng, tăng gần 200 tỉ đồng so với thời điểm cuối năm 2015.
Sau khi trừ đi lợi ích của cổ đông, lợi nhuận còn lại của BIDV sau 6 tháng kinh doanh là 2.634 tỉ đồng.
Báo cáo của BIDV cũng chỉ ra rằng, hiện ngân hàng này có hơn 7.300 tỉ đồng tiền mặt, vàng bạc và đá quý. Trên 27.400 tỉ đồng tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước; trên 46.500 tỉ đồng tiền, vàng gửi tại các ngân hàng khác và hơn 18.100 tỉ đồng đang cho các tổ chức tín dụng khác vay.
Bên cạnh đó, khách hàng đang gửi gần 700.000 tỉ đồng tại BIDV; còn ngân hàng này đang cho khách hàng vay gần 650.000 tỉ đồng.
BIDV hiện có 7 công ty con, trong đó có 3 công ty hoạt động chuyên về tài chính - ngân hàng, 2 công ty bảo hiểm và 2 công ty chứng khoán.
Nhà nước hiện đang nắm giữ 32.573 tỉ đồng tại BIDV, tương ứng với 95,28% vốn điều lệ.
Nợ xấu tăng 31% sau 6 tháng
Tính đến ngày 30.6.2016, nợ xấu của BIDV đang ở mức 13.183 tỉ đồng, tăng hơn 3.100 tỉ đồng so với thời điểm cuối năm 2015 (cuối năm 2015, nợ xấu của BIDV là 10.052 tỉ đồng), tương ứng mức tăng 31%.
Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn là 4.514 tỉ đồng, nợ nghi ngờ là 2.326 đồng và nợ có khả năng mất vốn là 6.343 tỉ đồng.
Nhìn vào những con số trên có thể thấy, nợ có khả năng mất vốn của BIDV chiếm đến 48% tổng nợ xấu của ngân hàng này. Và nếu so sánh với thời điểm cuối năm 2015 thì riêng nợ có khả năng mất vốn đã tăng đến 1.153 tỉ đồng.
Đặc biệt, nợ nghi ngờ mất vốn có mức tăng mạnh, từ 887 tỉ đồng vào cuối năm 2015 lên 2.326 tỉ đồng chỉ sau 6 tháng.
Mặc dù tỷ lệ nợ xấu của BIDV được kiểm soát ở mức dưới 2%, tuy nhiên với việc nợ xấu tăng đến 31% chỉ sau 6 tháng là điều ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh của BIDV cũng như sự phát triển trong dài hạn của ngành ngân hàng, nhất là trong bối cảnh nợ xấu vẫn chưa được xử lý một cách triệt để và dứt điểm như hiện nay.
Duyên Duyên / motthegioi.vn